Nhiếp ảnh gia nói gì về quy định kiểm duyệt tác phẩm gửi ra nước ngoài?

Võ Xuân Trường

Well-known member
Nhiếp ảnh gia nói gì về quy định kiểm duyệt tác phẩm gửi ra nước ngoài?

Từ ngày 12.12, các tác phẩm ảnh dự thi, triển lãm tại nước ngoài với danh nghĩa đại diện cho quốc gia sẽ phải nộp đơn xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cụ thể, nghị định 89/2023/NĐ-CP ban hành ngày 12.12 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 72/2016/NĐ-CP ngày 1.7.2016 của Chính phủ về hoạt động nhiếp ảnh và nghị định số 126/2018/NĐ-CP ngày 20.9.2018 của Chính phủ quy định về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam.
Với nghị định số 72, sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 điều 10 đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi, liên hoan. Tổ chức (bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương) đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi, liên hoan với danh nghĩa đại diện cho quốc gia Việt Nam phải nộp trực tiếp hoặc qua bưu chính hoặc qua môi trường điện tử một văn bản thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bức ảnh “Đan lưới” của nhiếp ảnh gia Lý Hoàng Long của Việt Nam đã đoạt giải Khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại cuộc thi ảnh Quốc tế CBRE Urban Photographer of the Year 2014. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Quy định cần thiết
Văn bản phải nêu rõ thông tin của tổ chức, cá nhân tổ chức thi, liên hoan tác phẩm nhiếp ảnh, tên gọi, chủ đề, nội dung, thời gian, địa điểm của cuộc thi, liên hoan tác phẩm nhiếp ảnh.
Bên cạnh đó, phải gửi kèm theo danh sách tác phẩm bằng tiếng Việt (ghi rõ số thứ tự tác phẩm, tên tác phẩm, tên tác giả), chú thích ảnh (ảnh in trên giấy kích thước nhỏ nhất 13 x 18cm hoặc ghi vào đĩa CD với trường hợp nộp trực tiếp/qua bưu chính; ảnh định dạng JPG hoặc PDF với trường hợp nộp qua môi trường điện tử), thư mời, thể lệ của cuộc thi, liên hoan đã được dịch ra tiếng Việt.
Nghị định sửa đổi cũng bổ sung khoản 3 điều 12 đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài triển lãm. Theo đó, tổ chức, cá nhân đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài triển lãm phải nộp trực tiếp hoặc qua bưu chính, hay qua môi trường điện tử một bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm đơn đề nghị cấp giấy phép, danh sách tác phẩm bằng tiếng Việt (ghi rõ số thứ tự tác phẩm, tên tác phẩm, tên tác giả, chất liệu, kích thước, số lượng), chú thích ảnh tham gia triển lãm giống ở trên, thư mời, thông báo, sách ảnh (nếu có), văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng với đối tác nước ngoài đã được dịch ra tiếng Việt.
Về việc sửa đổi, bổ sung nghị định 72, ông Hồ Sỹ Minh - Phó chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, cho biết: "Các điều khoản bổ sung là cần thiết. Nếu tổ chức, đơn vị hay cá nhân đại diện cho Việt Nam gửi các tác phẩm nhiếp ảnh đến các cuộc thi quốc tế thì phải được kiểm duyệt về nội dung để tránh trường hợp có những bức ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục, phản tác dụng tuyên truyền".
Bên cạnh đó, ông khẳng định việc gửi thủ tục xin cấp phép online là điểm thuận lợi, giúp các cá nhân, đơn vị rút ngắn thời gian nộp giấy tờ thủ tục trực tiếp như trước đây. Đồng thời, cách này giúp các đơn vị có thẩm quyền áp dụng công nghệ điện tử hiện đại trong khâu xử lý giấy tờ, thủ tục.
Cần chỉ dẫn cụ thể
Từ góc nhìn của một nhiếp ảnh gia từng đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, anh Lý Hoàng Long cho rằng việc sửa đổi, bổ sung nghị định không gây ảnh hưởng nhiều đến các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Tuy nhiên, khâu chờ đợi kiểm duyệt có thể gây trở ngại trong quá trình tham gia dự thi tại nước ngoài.
Cụ thể, anh cho biết: "Nếu mỗi cuộc thi phải báo cáo và chờ đợi trong 3 ngày thì rất mất thời gian. Năm nay, tôi tham gia 20 cuộc thi, nghĩa là phải mất 2 tháng để được chấp thuận gửi đi, trong khi thực tế, tôi chỉ mất 10 phút để gửi và tham gia bất cứ cuộc thi thuộc quốc gia nào trên thế giới".
Bên cạnh đó, anh Long bày tỏ: "Thực tế, hầu hết các cuộc thi mà tác giả Việt Nam tham gia là thi ảnh nghệ thuật về phong cảnh, du lịch... nên chỉ chọn ảnh đẹp, làm tăng giá trị hình ảnh quốc gia.
Bản thân tôi từng đạt rất nhiều giải mà ảnh chụp ở nước ngoài như Indonesia, Ấn Độ, Myanmar... Vậy cơ quan chủ quản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) sẽ giải quyết như thế nào khi nội dung ảnh hoàn toàn không liên quan đến Việt Nam? Vì có lẽ sẽ rất nghịch lý khi tác giả Việt Nam thay vì giới thiệu cảnh đẹp quê hương mình thì lại đi quảng bá cho nước khác như một giải pháp trung dung".
 
Bên trên