Nhiếp ảnh gia Việt tiết lộ kinh nghiệm “săn” cực quang như cổ tích ở Na Uy

Thanh Tuấn

Well-known member
Chu kỳ Mặt trời đạt đỉnh trước 2025, thuận lợi cho các kế hoạch “săn” cực quang của du khách tại Na Uy hay vùng Bắc Âu, theo nhiếp ảnh gia Bùi Xuân Việt.




Bầu trời sáng rực ánh cực quang huyền ảo là khung cảnh nhiều nhiếp ảnh gia muốn ghi lại. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh Bùi Xuân Việt (sinh năm 1990, ở TPHCM), từng là nhân viên ngân hàng tại Biên Hòa, Đồng Nai. Năm 2018, anh nghỉ việc để tập trung cho đam mê nhiếp ảnh.
Thời điểm anh Bùi Xuân Việt cảm thấy thích thú và bắt đầu tìm hiểu về cực quang là từ năm 2020. Đối với anh, cực quang là mục tiêu lớn của rất nhiều nhiếp ảnh gia “săn” ảnh bầu trời. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, vì dịch bệnh COVID-19 căng thẳng nên anh chưa thể thoả mãn sở thích mới của mình.
Biết thông tin mặt trời bắt đầu vào vùng tối và hoạt động bức xạ mặt trời đạt đỉnh 20 năm trong thời gian từ 2024 - 2025, Bùi Xuân Việt bắt đầu thực hiện kế hoạch “săn” cực quang.
Hai chuyến đi “săn” ở Na Uy của anh Việt đều thành công. Chiêm ngưỡng cực quang ở Senja có lẽ là khoảnh khắc anh không bao giờ quên. Anh gọi đó là một vũ điệu mãn nhãn khi cực quang buông xuống bắt đầu từ khi hoàng hôn cho đến tận nửa đêm.
Ảnh: NVCC
Anh Việt tiết lộ tỷ lệ "săn" cực quang thành công không nhiều. Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của mình, anh tiết lộ tỷ lệ “săn” cực quang thành công không nhiều. Anh kể, có bạn ở Iceland tới 2 tuần và ứng dụng điện thoại thông báo mức hoạt động mặt trời rất cao nhưng vẫn không thể chụp ảnh như ý muốn.
Cực quang là kết quả của sự xáo trộn trong từ quyển do gió mặt trời gây ra và biểu hiện bằng các phát xạ ánh sáng trên bầu trời. Do đó, cường độ của nó phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của mặt trời. Vào một ngày gió mặt trời hoạt động mạnh, chỉ cần xuất hiện đúng địa điểm, du khách chắc chắn sẽ được xem cảnh đẹp mãn nhãn, theo anh Việt.
Anh bày tỏ: “Tôi đánh giá vấn đề khó nhất vẫn nằm ở thời tiết và địa điểm. Nếu như chỉ đi du lịch bình thường và muốn check-in với cực quang, không cần phải có tiền cảnh đẹp thì khá đơn giản. Còn đối với những bạn yêu thích chụp ảnh như tôi, vì muốn cảnh phải đẹp và chỉn chu nhất có thể thì phải chấp nhận đi xa khỏi thành phố, tới những địa điểm có góc chụp đẹp, chịu cái lạnh cắt da cắt thịt của Bắc Cực. Và, dĩ nhiên phải có thêm ít may mắn chứ chuyện hụt là có khả năng (cười)”.
Ảnh: NVCC
Bắc Cực là lựa chọn ưu tiên chủ yếu để “săn” cực quang so với Nam Cực. Ảnh: NVCC
Cực quang xuất hiện ở cả hai đầu Nam Cực và Bắc Cực. Vì Nam Cực có ít địa điểm để ngắm và khó tiếp cận hơn nên Bắc Cực vẫn luôn là lựa chọn ưu tiên chủ yếu để “săn” cực quang. Anh gợi ý du khách nên đến miền bắc Na Uy để đảm bảo tỷ lệ thấy cực quang cao hơn nhiều so với các vùng vĩ độ thấp hơn như Nam Na Uy, Iceland hay Phần Lan.
Từ tháng 4 tới tháng 9, ngày ở vùng cực rất dài, thậm chí không có ban đêm nên việc thấy cực quang là không thể. Du khách nên lựa chọn khoảng thời gian từ cuối tháng 9 đến tháng 3 và nên tránh “săn” cực quang vào những ngày mặt trăng sáng quá.
Anh Việt cho biết: “Thông thường, vào mỗi buổi tối đi “săn”, tôi sẽ ở ngoài trời tới khi nào mệt mới trở về khách sạn hoặc ngủ luôn trên xe nếu cực quang đẹp. Tôi chuẩn bị rất kỹ khi đi nên cũng may mắn là không bao giờ để cơ thể bị lạnh quá. Nếu chỉ cần chủ quan mặc ít một lớp hoặc để hở ra một bộ phận nào đó là cơ thể sẽ nhiễm lạnh ngay bởi thời tiết ban đêm ở đây rất lạnh”.
 
Bên trên