Nhiều địa phương nỗ lực phục hồi du lịch

tran hương

Well-known member
Hiện nay, khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, nhiều địa phương nỗ lực thực hiện các giải pháp phục hồi du lịch như tập trung thu hút khách du lịch nội địa, liên kết với các địa phương trong nước, giảm giá các tour cho du khách…

Khách du lịch tại Bãi Sao, Phú Quốc. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang
Kiên Giang: Kích cầu du lịch nội địa, chuẩn bị điều kiện đón khách quốc tế
Sở Du lịch Kiên Giang đang tiến hành nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh với các phương án thích hợp khi công bố hết dịch COVID-19 trong quý II, quý III năm 2020. Đồng thời tiếp tục xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành Du lịch tỉnh Kiên Giang đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; tập trung hoàn thành thủ tục hồ sơ các dự án hạ tầng du lịch giai đoạn 2020-2025.
Triển khai kích cầu du lịch nội địa, ngành du lịch Kiên Giang đẩy mạnh chương trình hợp tác phát triển giữa Sở Du lịch Kiên Giang và Sở Du lịch Hà Nội năm 2020; liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa UBND tỉnh Kiên Giang và UBND TPHCM năm 2020…
Xác định đầu tư để tạo điểm nhấn sau khi thị trường phục hồi, Kiên Giang tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng Khu di tích lịch sử, thắng cảnh núi Mo So (huyện Kiên Lương) và hồ Hoa Mai (huyện U Minh Thượng); cải thiện vệ sinh môi trường Khu du lịch Chùa Hang - Hòn Phụ Tử (huyện Kiên Lương); nâng cấp hạ tầng di tích danh lam thắng cảnh núi Đá Dựng (Hà Tiên).
Tại Phú Quốc, để kích cầu du lịch nội địa, hiện hầu hết các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện đảo đều thực hiện giảm giá phòng và giảm giá dịch vụ.
Với khách quốc tế, du lịch Kiên Giang có kế hoạch triển khai tổ chức các sự kiện xúc tiến du lịch nhằm phục hồi các thị trường trọng điểm gồm Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Âu, Úc, Trung Đông, Ấn Độ, Bắc Mỹ.
Sóc Trăng: Hình thành sản phẩm du lịch thu hút du khách
Theo Sở VHTT&DL Sóc Trăng, trong thời gian qua, tỉnh đã hình thành các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới như: Tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, điểm du lịch Tân Huê Viên, Khu Văn hóa tín ngưỡng Sóc Trăng (Thiền viện Trúc Lâm), chùa Quan Âm linh Linh Ứng… đã tạo nên sự phong phú, đa dạng cho du lịch Sóc Trăng, đồng thời thu hút đông đảo du khách đến tham quan, du lịch.
Về loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, lễ hội, tỉnh đã đầu tư nâng cấp các di tích lịch sử - văn hóa có đông du khách đến tham quan như: chùa Mahatup, chùa Sro Lôn, Khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Bác Hồ, Khu di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy, chùa Bốn Mặt, chùa Bửu Sơn Tự. Nâng tầm quy mô tổ chức các lễ hội như: lễ hội nghinh Ông (Trần Đề), lễ cúng Phước Biển (TX. Vĩnh Châu), lễ hội Cúng Dừa (Châu Thành), Ngày hội sông nước miệt vườn (Kế Sách), kết hợp quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm thu hút du khách đến tham gia, trải nghiệm.
Với loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch cộng đồng, Sóc Trăng bước đầu hình thành các điểm du lịch như: Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước (Kế Sách) với mô hình du lịch tham quan vườn cây ăn trái, lưu trú và sử dụng các dịch vụ tại đây; mô hình du lịch cộng đồng và tham quan, trải nghiệm hoạt động mua bán trên sông tại chợ nổi Ngã Năm (TX. Ngã Năm)…
Đối với sản phẩm dịch vụ du lịch biển, tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo đi vào hoạt động đã góp phần thu hút một lượng lớn du khách đến tỉnh tham quan du lịch, kết hợp trải nghiệm dịch vụ tàu cao tốc tham quan Côn Đảo...
Trong năm 2020, Sở VHTT&DL Sóc Trăng sẽ hoàn thành Đề án Phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020, đưa đề án đi vào đời sống xã hội, đặc biệt là đối với các hộ làm homestay, đồng thời, có chính sách cụ thể để thu hút đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng kết nối phục vụ phát triển du lịch.
Quảng Ninh: Triển khai kích cầu các tour du lịch chất lượng
Kể từ 1/6 đến hết tháng 7/2020, gói kích cầu sản phẩm du lịch năm 2020 do Liên minh Kích cầu du lịch Quảng Ninh xây dựng bắt đầu được triển khai, gồm 6 chương trình lớn với ưu đãi hấp dẫn, giúp du khách có nhiều lựa chọn đa dạng hơn khi đến với Quảng Ninh.
Sáu chương trình với nội dung đa dạng dành cho khách đi theo đoàn từ 10 người trở lên, được xây dựng với thời gian linh hoạt (4 ngày, 3 đêm hoặc 3 ngày 2 đêm hoặc 2 ngày 1 đêm hoặc chỉ 1 ngày) để du khách lựa chọn.
Các điểm đến du lịch lớn trong các gói tập trung ở 4 địa phương là Vân Đồn (sân bay Vân Đồn, chùa Cái Bầu), Cẩm Phả (đền Cửa Ông, khu tắm khoáng nóng Yoko Onsen Quanh Hanh), Uông Bí (khu di tích – danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng) và Hạ Long (gồm tham quan vịnh Hạ Long, lưu trú trên Vịnh, tham quan Bảo tàng, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, tham quan thành phố…).
Điểm tham quan, nghỉ dưỡng mới của Quảng Ninh là khu tắm khoáng nóng Quang Hanh cũng được đưa vào để giới thiệu, quảng bá tới du khách.
Bến Tre: Phát triển du lịch homestay
Tại Bến Tre, loại hình du lịch nghỉ dưỡng tại nhà dân (homestay) đang trên đà phát triển sau khi loại hình du lịch tham quan sông nước miệt vườn xứ Dừa phát triển thành công.
Loại hình du lịch homestay hiện đang phát triển mạnh tập trung tại 3 xã khu vực phía Nam TP. Bến Tre, gồm: Mỹ Thạnh An, Nhơn Thạnh và Phú Nhuận. Nơi đây được kỳ vọng trở thành điểm nhấn cho loại hình du lịch homestay đầy tiềm năng của tỉnh nhà.
Điểm mạnh của homestay nơi đây là người làm du lịch luôn vui vẻ, thân thiện, môi trường sinh thái trong lành, không có rác thải, phòng ngủ sạch sẽ. Không gian nông thôn yên tĩnh với vườn cây trái xanh mát, trĩu quả, chim chóc sinh sống tự nhiên khiến khách quốc tế rất thích…
Trên địa bàn toàn tỉnh, hiện có khoảng 30 điểm homestay với hơn 200 phòng nghỉ, được đầu tư tương đối đầy đủ tiện nghi.
Loại hình du lịch homestay gắn với sinh thái, sông nước miệt vườn của xứ Dừa là nét đặc trưng của thương hiệu du lịch Bến Tre, hứa hẹn sẽ thu hút du khách gần xa.

Điểm du lịch suối Moọc ở Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. Ảnh: Sở Du lịch Quảng Bình
Quảng Bình: Giảm 50% phí tham quan danh thắng
Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng khách du lịch đến địa phương giảm mạnh. Tuy nhiên, từ khi mở cửa đón khách trở lại, du lịch Quảng Bình đã bắt đầu có những sự phục hồi, số lượng khách đến trong các dịp cuối tuần bắt đầu tăng dần.
Ngành du lịch Quảng Bình đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh thay đổi cơ cấu thị trường khách, chuyển các sản phẩm phục vụ khách quốc tế sang phục vụ khách nội địa, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch với mức giá hợp lý để đáp ứng với hoạt động du lịch trong điều kiện mới.
Để thu hút khách du lịch, ngày 5/6, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 thông qua việc giảm 50% mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đến hết ngày 31/12/2020.
Cụ thể, các tour tham quan động Phong Nha còn 75.000 đồng/người/lượt ; động Tiên Sơn còn 40.000 đồng/người/lượt; điểm du lịch sinh thái Nước Moọc còn 40.000 đồng/người/lượt; phí tham quan động Thiên Đường và hang Mẹ Bồng Con còn 125.000 đồng/người/lượt; phí tham quan tuyến "Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới" còn 4,4 triệu đồng/người/lượt…
Bên cạnh đó, các phí vận chuyển, lưu trú, dịch vụ ăn uống các nhà hàng trong tour, tuyến cũng được giảm.
 
Bên trên