Những chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 5

Nguyệt Phan

Well-known member
Bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ theo hạng, giáo viên hạng cao nhất không cần bằng thạc sĩ là những chính sách giáo dục nổi bật có hiệu lực từ tháng 5.

Bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ theo hạng

Thông tư 08/2023 sửa đổi bổ sung một số điều của thông tư 01, 02, 03, 04 năm 2021 về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông có hiệu lực từ ngày 30/5. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ theo hạng.

Hiện, giáo viên mầm non và phổ thông được chia thành ba hạng là I, II và III, trong đó hạng I cao nhất, làm căn cứ để xếp lương. Giáo viên từ tiểu học đến THPT có hệ số lương dao động 2,34-6,78, nhận khoảng 3,4-10,1 triệu đồng mỗi tháng, tùy hạng, bậc. Giáo viên mầm non có hệ số lương từ 2,1 đến 6,38, nhận lương khoảng 3,1-9,5 triệu đồng.

Để được xếp hạng, ngoài đáp ứng tiêu chuẩn về chuyên môn, giáo viên mỗi cấp học phải có ba chứng chỉ tương ứng với ba hạng I, II, II. Nhưng từ ngày 30/5, giáo viên chỉ cần một chứng chỉ chung. Việc này giúp nhiều thầy cô tiết kiệm thời gian, tiền bạc, do phải tự bỏ chi phí khoảng 3 triệu đồng nếu học mỗi chứng chỉ trong 6-8 tuần.

Cùng với đó, Bộ bỏ quy định về tiêu chuẩn đạo đức của giáo viên ở từng hạng và thay bằng quy định đạo đức nghề nghiệp chung vì bị đánh giá là không phù hợp.

Giáo viên tiểu học hạng I không cần bằng thạc sĩ

Theo quy định từ năm 2021, giáo viên tiểu học, THCS hạng I - hạng cao nhất, phải có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên hay chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy, hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục.

Từ 30/5, quy định này được bỏ.

Bộ Giáo dục cho hay mục tiêu của giáo dục tiểu học là hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học THCS. Mục tiêu của giáo dục THCS là củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học THPT hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp.

"Như vậy, với yêu cầu giảng dạy, cung cấp các kiến thức cơ bản và nền tảng, việc quy định giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ là không cần thiết", Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải.

Hiện, nếu được xếp hạng I, giáo viên tiểu học và THCS có hệ số lương 4,4-6,78, tương đương với 6,5-10 triệu đồng mỗi tháng.

Học sinh lớp 1 trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP HCM) trong ngày đầu đến trường hồi tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Học sinh lớp 1 trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP HCM) trong ngày đầu đến trường hồi tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Điều chỉnh thời gian giữ hạng II, III của giáo viên mầm non

Theo quy định hiện hành, thời gian giáo viên mầm non giữ hạng III là 9 năm, trước khi được bổ nhiệm giáo viên hạng II nếu đủ điều kiện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng việc giữ hạng 9 năm sẽ làm giảm động lực phấn đấu của giáo viên mầm non. Do đó, tại thông tư 08/2023, có hiệu lực từ 30/5, thời gian giữ hạng III được giảm từ 9 năm xuống còn 3 năm.

Tuy nhiên, để đảm bảo quy định của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II lại tăng từ 6 năm lên 9 năm.

Hiện, hệ số lương của giáo viên mầm non hạng II từ 2,1 đến 4,89 (khoảng 3,1-7,2 triệu đồng); hệ số lương giáo viên mầm non hạng III dao động 2,34-4,98 (khoảng 3,5-7,4 triệu đồng) mỗi tháng.

Cấm đem mọi máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi tốt nghiệp THPT

Thông tư 06/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT có hiệu lực từ ngày 9/5. Trong đó, quy định vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi gồm "bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý".

Như vậy, thí sinh không còn được mang các loại máy ghi âm, ghi hình, dù chỉ có chức năng ghi thông tin, không thể nghe, xem hay truyền tín hiệu - điều Bộ cho phép những năm trước.

Thay đổi này phù hợp với đề xuất của nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và của ngành công an vì lo ngại người coi thi không đủ chuyên môn kiểm tra từng thiết bị thí sinh mang vào.

Quy chế đào tạo hệ cao đẳng mầm non

Thông tư số 07/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non có hiệu lực từ ngày 25/5.

Thông tư này quy định chương trình đào tạo, thời gian, hình thức đào tạo, đồng thời nêu rõ việc lập kế hoạch và tổ chức dạy học, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp cùng nhiều quy định khác đối với sinh viên.

Chẳng hạn về chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu xây dựng theo đơn vị tín chỉ. Chương trình phải được công khai trước khi tuyển sinh và bắt đầu khóa học. Những thay đổi phải được công bố trước khi áp dụng, không gây bất lợi cho sinh viên.

Có hai hình thức đào tạo hệ cao đẳng mầm non, gồm chính quy và vừa làm vừa học. Đối với đào tạo chính quy, việc giảng dạy diễn ra tại cơ sở đào tạo; hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm và giảng dạy trực tuyến có thể ở bên ngoài. Thời gian tổ chức giảng dạy là 6h-20h từ thứ 2 đến thứ 7; những hoạt động đặc thù thì tùy theo trường đào tạo.

Với chương trình vừa làm vừa học, hoạt động giảng dạy được thực hiện tại cơ sở đào tạo hoặc tại cơ sở phối hợp, thời gian có thể linh hoạt.
 
Bên trên