Những lưu ý khi tham quan phố lồng đèn TP HCM

TRUONGTRINH

Well-known member
TP HCM Chọn đúng tuyến phố tham quan và thời điểm chụp ảnh là điều du khách cần lưu ý khi tham quan phố lồng đèn dịp Trung thu.


Phố lồng đèn Lương Nhữ Học, quận 5, TP HCM ra đời từ hơn 50 năm trước, chuyên sản xuất, kinh doanh các loại lồng đèn, dụng cụ lân sư rồng. Từ năm 2020, các đoạn đường bao quanh khu bán đèn lồng gồm Nguyễn Án - Phú Định - Lương Nhữ Học trở thành khu phố ăn uống, mua sắm với tên gọi chung là "phố lồng đèn" mỗi dịp rằm tháng 8. Đây là một sản phẩm du lịch nội đô của Sở Du lịch TP HCM. Phố lồng đèn mở cửa đón khách tự do.

Chị Hương Ly, người làm truyền thông du lịch ở TP HCM, chia sẻ những lưu ý khi đến tham quan, vui chơi ở khu vực này dịp Trung thu.

Gửi xe

Để thuận tiện cho buổi tham quan và vui chơi, du khách nếu đi xe phải gửi bên ngoài. Có nhiều điểm giữ xe máy tại các đường Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo và Lương Nhữ Học, giá 20.000 đồng một xe, nên hỏi giá trước khi gửi. Càng gần ngày Trung thu, phố lồng đèn càng đông khách, thường xuyên ùn tắc. Nếu đi nhóm đông, du khách có thể cân nhắc gọi taxi để tiết kiệm thời gian tìm chỗ gửi xe.

Các tuyến phố chính

Nhiều người quen nói "phố lồng đèn Lương Nhữ Học", tuy nhiên đoạn đường Lương Nhữ Học ít gian hàng bán lồng đèn. Cổng chính của khu phố lồng đèn nằm trên đường Nguyễn Trãi, các lối vào khác ở đường Trần Hưng Đạo, Lương Nhữ Học.


Phố lồng đèn đông nghịt người, tối 25/9. Ảnh: Quỳnh Trần


Phố lồng đèn đông nghịt người, tối 25/9. Ảnh: Quỳnh Trần


Góc thu hút nhất "phố lồng đèn" là khoảng 100 gian hàng lớn nhỏ bày bán lồng đèn truyền thống khung tre hay đèn điện. Đây là một con phố nhỏ, khách dễ bỏ qua nếu đi lần đầu. Đi từ cổng chào trên đường Nguyễn Trãi - Nguyễn Án, bạn rẽ phải vào đường Phú Định, đi khoảng 300 m là đến khu vực này.

Thời gian chụp ảnh

Chiều tối, khu phố bắt đầu lên đèn. Đây cũng là lúc phố lồng đèn rực rỡ nhất, thời điểm lý tưởng để chụp ảnh. Tuy nhiên dịp Trung thu, lượng khách đổ về phố đông nghịt kể cả ngày trong tuần nên sẽ rất khó chọn được góc đẹp.

Nếu muốn có những bức ảnh đẹp, nhiều góc máy, du khách có thể ghé phố lồng đèn vào buổi sáng hoặc buổi chiều, trước 18h. Trước khi chụp hình tại quầy hàng, bạn nên mua một vài món đồ nhỏ ủng hộ chủ quầy. Năm nay, một số chủ cửa hàng đầu tư thêm góc trang trí ở trong nhà, phục vụ những khách đến mua sắm và chụp hình nhưng không muốn quá đông đúc.

Để hạn chế tình trạng ùn tắc và ảnh hưởng đến việc kinh doanh của tiểu thương, bạn nên cân nhắc thời gian chụp ảnh, không dừng quá lâu tại một điểm.


Du khách chụp hình tại phố lồng đèn, tối 25/9. Ảnh: Quỳnh Trần


Du khách chụp hình tại phố lồng đèn, tối 25/9. Ảnh: Quỳnh Trần


Hoạt động vui chơi

Ở phố lồng đèn, các loại lồng đèn khung tre, giấy kính màu được tạo hình đa dạng, từ nhân vật hoạt hình hiện đại đến cá chép, gà trống truyền thống. Lồng đèn truyền thống có giá trung bình 40.000-120.000 đồng tùy mẫu mã, kích thước.

Năm nay, loại lồng đèn hình thú bông, đựng trong giỏ tre là sản phẩm được nhiều khách yêu thích. Mức giá dao động 35.000-80.000 đồng một chiếc.

Cuối phố lồng đèn là đường Nguyễn Án, tập trung nhiều gian hàng đồ ăn, chủ yếu là các món ăn đường phố như các loại xiên nướng, mực nướng, xúc xích, kẹo bông gòn. Ngoài ra, còn có một số tiệm bán các món ăn của người Hoa như há cảo, kẹo hồ lô, nước sâm. Giá đồ ăn ở đây trung bình từ 20.000 đồng một phần.

Các tuyến chính trong khu phố lồng đèn dài 300-500 m, rộng 2-3 m nhưng lượng khách đông khiến việc di chuyển khó khăn, chen chúc, đặc biệt là vào đêm Trung thu. Trong thời gian này, du khách đến vui chơi cần chú ý bảo quản đồ đạc cá nhân, tránh trường hợp kẻ gian lợi dụng trộm cắp.
 
Bên trên