Những máy chơi game kỳ lạ nhất lịch sử

Minh Thư

Well-known member
Máy chơi game kết hợp lò nướng, tủ lạnh hay hình miếng gà lắc là những sản phẩm kỳ lạ nhất từng được ra đời dành cho game thủ.

Để chuẩn bị kỷ niệm 40 năm huyền thoại Tetris vào năm 2024, thương hiệu đồ ăn nhanh McDonald's tại Trung Quốc vừa phát hành máy chơi game cầm tay hình miếng gà lắc (chicken nugget) được cài đặt sẵn tựa game xếp hình nổi tiếng. Máy chơi game có giá khoảng 4,24 USD và chỉ có sẵn trong thời gian giới hạn. Khách hàng tại Trung Quốc có thể đặt mua thiết bị đi kèm với phần ăn McDonald's.

McDonald's không phải là hãng đồ ăn nhanh đầu tiên làm máy chơi game. Hồi tháng 12/2020, KFC công bố một thiết bị có tên "KFConsole". Đây là chiếc máy chơi game kết hợp lò hâm nóng gà rán đến từ sự hợp tác giữa KFC và hãng phần cứng máy tính Cooler Master. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về thiết bị được công bố thêm, cộng đồng game thủ cho rằng dự án này đã bị hủy bỏ.

Vào năm 2020, thương hiệu bia Budweiser của Mỹ từng tung ra hệ máy chơi game kết hợp làm lạnh bia mang tên "BL6". Thiết bị được cài đặt sẵn 6 tựa game của Bandai Namco bao gồm Tekken 7 và SoulCalibur V. Tuy nhiên, chiếc máy này chỉ được bán với số lượng rất hạn chế với mục đích từ thiện. Game thủ muốn sở hữu BL6 sẽ phải bỏ ra tới hơn 50.000 USD.

Ra mắt vào năm 1984 tại Nhật Bản, "Super Lady Cassette Vision" là chiếc máy chơi game dành riêng cho phái nữ. Được sản xuất bởi công ty Epoch, Super Cassette Vision tuy có sức mạnh ngang với huyền thoại "4 nút" (NES) nhưng sở hữu danh sách game rất hạn chế. Kết hợp với sự cạnh tranh đến từ Nintendo, nhà sản xuất Epoch sau đó phải rời khỏi lĩnh vực kinh doanh máy chơi game.

Ít người biết rằng, gã khổng lồ công nghệ Apple cũng từng tấn công vào thị trường máy chơi game. Vào năm 1995, Apple Computer đã cho ra mắt thiết bị có tên "PiPP!N". Chạy trên hệ điều hành Macintosh, sản phẩm được giới thiệu tới người tiêu dùng như một chiếc máy tính giá rẻ, không đi kèm với bàn phím. Thay vào đó, Apple tích hợp chiếc tay cầm "AppleJack" vào thiết bị. Tuy vậy, với mức giá "phải chăng" 599 USD (so với 299 USD của PlayStation 1) kết hợp với số lượng game chỉ vỏn vẹn 25, PiPP!N trở thành một trong những thảm họa lớn nhất của Táo Khuyết.

Khó có thể tin rằng sản phẩm thực tế ảo (VR) đầu tiên lại được ra mắt bởi Nintendo vào năm 1995. Với thiết kế bao gồm một chiếc kính cùng với tay cầm, "Virtual Boy" là máy chơi game được thiết kế giống như chiếc kính VR ở thời điểm hiện tại. Lúc bấy giờ, sản phẩm này được hứa hẹn khả năng công nghệ vượt trội đi trước thời đại. Thế nhưng nhiều người dùng Virtual Boy cho rằng trải nghiệm mà nó mang đến không như Nintendo quảng cáo. Virtual Boy chỉ có màn hình đỏ đen đơn sắc với hiệu ứng 3D kém ấn tượng, gây đau mắt. Với chỉ 770.000 máy được bán ra, Nintendo đã phải ngừng sản xuất đồng thời khai tử Virtual Boy chỉ một năm sau khi ra mắt.
 
Bên trên