Những món đặc sản Thái Nguyên bạn nên thử một lần

Võ Xuân Trường

Well-known member
Những món đặc sản Thái Nguyên bạn nên thử một lần

Nhắc đến Thái Nguyên, phần lớn du khách sẽ nghĩ ngay đến đặc sản chè Thái nổi tiếng. Tuy nhiên vùng đất trung du miền núi phía Bắc còn có rất nhiều món ngon khác
Nếu có dịp ghé qua những điểm du lịch ở Thái Nguyên như hồ Núi Cốc, bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, hang Phượng Hoàng,... du khách đừng quên thưởng thức thử loạt món ngon nơi đây nhé!
Bánh trứng kiến
Bánh trứng kiến là món ăn dân dã nhưng cách chế biến khá cầu kì. Nguyên liệu chính của món ăn này là trứng kiến. Người Tày ở Thái Nguyên chỉ chọn trứng của loài kiến đen, đuôi nhọn, tổ có lớp màng trắng thì trứng kiến bên trong mới nhiều và căng mọng sữa. Người dân địa phương phải đi vào tận trong rừng già mới kiếm được trứng kiến.
Bánh trứng kiến dân dã. Ảnh: Trang thông tin điện tử ban dân tộc tỉnh Thái Nguyên
Bánh trứng kiến dân dã. Ảnh: Trang thông tin điện tử ban dân tộc tỉnh Thái Nguyên
Vỏ bánh được làm từ gạo nếp nương, nhân bánh gồm có trứng kiến xào cùng hành tím, lá kiệu, củ kiệu cho thật thơm. Ngày nay phần nhân bánh còn có thêm thịt heo, hành khô, vừng và lạc rang giã nhỏ do trứng kiến ngày càng khan hiếm. Bánh trứng kiến khi ăn sẽ có độ dẻo của bột gạo nếp, vị chát của lá vả non, nhân bên trong béo ngậy thơm lừng.
Cơm lam Định Hóa
Cơm lam Định Hóa được xem là thức đặc sản thu hút khách du lịch đến với Thái Nguyên. Nguyên liệu để làm nên món ăn này rất đơn giản, đó là gạo nếp cái hoa vàng trồng trên nương. Dụng cụ để làm là ống nứa hoặc ống tre non còn tươi.
Sau khi cho gạo vào ống, người dân sẽ đem nướng trên bếp lửa. Trong quá trình nướng các ống tre lam được xoay trở đều để đảm bảo cơm chín đều, thơm ngon. Cơm nếp lam ăn cùng muối vừng, tuy đơn giản nhưng càng ăn càng nghiền. Du khách có thể thưởng thức trực tiếp hoặc mua cơm lam Định Hóa về làm quà cũng rất phù hợp.
Bánh chưng Bờ Đậu
Cũng giống với món bánh chưng truyền thống, bánh chưng Bờ Đậu được làm nên từ những nguyên liệu cơ bản như gạo nếp, thịt heo, đỗ xanh. Tuy nhiên dưới bàn tay của người dân Sơn Cẩm, món bánh truyền thống này lại trở nên khác biệt hơn hẳn. Được biết, bánh chưng Bờ Đậu thơm ngon nức tiếng một phần là nhờ khâu chọn và sơ chế nguyên liệu.
Bánh chưng Bờ Đậu hoàn toàn gói tay, không dùng khuôn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Phú Lương
Bánh chưng Bờ Đậu hoàn toàn gói tay, không dùng khuôn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Phú Lương
Trải qua nhiều công đoạn cầu kì, bánh chưng Bờ Đậu thành phẩm phải đảm bảo vỏ bánh xanh mướt, dẻo, nhân bánh bùi ngậy pha chút cay cay, thơm thơm của hạt tiêu. Ngày nay, người dân nơi đây còn sản xuất thêm bánh chưng gấc, bánh chưng lá giềng, bánh chưng nếp cẩm,... Điều này cũng giúp du khách có thêm nhiều sự lựa chọn và thưởng thức nhiều hương vị bánh chưng khác nhau.
Tôm cuốn Thùa Lâm
Thêm một món ăn hấp dẫn khác du khách nên thưởng thức khi đến Thái Nguyên chính là món tôm cuốn Thùa Lâm. Nguyên liệu chính của món ăn này gồm tôm, trứng gà, giò nạc, xà lách,... Có thể nói nguyên liệu làm nên món ăn này khá đơn giản, tuy nhiên khâu chọn nguyên liệu và chế biến khá cầu kì.
Những chiếc cuốn vô cùng bắt mắt. Ảnh: Truyền hình Thái Nguyên
Những chiếc cuốn vô cùng bắt mắt. Ảnh: Truyền hình Thái Nguyên
Quan trọng nhất là tôm tươi, được đánh bắt ở ao sông. Thay vì luộc hay hấp, tôm được đem chiên vàng, trứng rán vàng, giò thái chỉ. Dọc hành được chần sơ, sau đó cuốn quanh các nguyên liệu như hình bó mạ. Tôm cuốn được ăn kèm với nước chấm chua ngọt, kích thích vị giác. Khi thưởng thức món tôm cuốn Thùa Lâm, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của tôm, vị ngậy béo của trứng rán, giò, tươi mát của rau xanh.
Bánh Cooc mò
Bánh Cooc mò là món ăn đặc sản của người Tày ở Thái Nguyên. Nguyên liệu để làm nên thức bánh này gồm gạo nếp cái hoa vàng, lạc và muối. Bánh được gói bằng lá chuối hoặc lá dong.
Bánh Cooc mò - đặc sản của người Tày. Ảnh: UBND Tỉnh Thái Nguyên
Bánh Cooc mò - đặc sản của người Tày. Ảnh: UBND Tỉnh Thái Nguyên
Để làm nên những chiếc bánh hình chóp nhọn như sừng bò đòi hỏi sự khéo léo và cẩn thận của người làm. Bánh có độ dền dẻo, có hương thơm của nếp cái hoa vàng. Bánh không nhân nên bạn có thể ăn cùng mật ong hoặc đường.
Bánh ngải
Bánh ngải có màu xanh, hình dạng giống với bánh dày, là món ăn đặc sản của người Tày. Gạo dùng để làm bánh phải chọn gạo nếp nương không lẫn gạo tẻ, được ngâm kĩ và trộn đều với lá ngải cứu để cho ra màu xanh đặc trưng. Khâu giã bánh là vất vả nhất, đòi hỏi nhiều sức lực.
Bánh ngải có thể ăn trực tiếp hoặc mua về làm quà. Ảnh: UBND Tỉnh Thái Nguyên
Bánh ngải có thể ăn trực tiếp hoặc mua về làm quà. Ảnh: UBND Tỉnh Thái Nguyên
Bánh ngải có mùi thơm đặc trưng, dẻo dính của gạo nếp hòa cùng lá ngải cứu. Vị ngọt nhẹ của đường và mùi thơm của hạt kê hòa vào nhau khiến cho thức bánh này trở nên hấp dẫn người thưởng thức.
 
Bên trên