Những người dễ đột quỵ khi tập thể dục, thể thao

Nguyễn Thị Ngọc Trinh

Well-known member
Đột quỵ khi tập thể dục, thể thao có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào ngay cả ở những người còn trẻ. Tuy vậy, thường gặp nhất vẫn là ở người đã có sẵn các yếu tố nguy cơ như mắc bệnh nền, tuổi cao kết hợp thời tiết nóng, lạnh đột ngột.
Trên thế giới cũng như ở nước ta đã gặp một số trường hợp bị đột quỵ trong khi tập thể dục hoặc chơi thể thao. Chẳng hạn, trường hợp của Luis Miguel Lastra (cầu thủ đội bóng Cuidad Jardin, Tây Ban Nha, 21 tuổi) ngã xuống khi đang luyện tập và đã chết vì bệnh tim. Trước đó, cựu đội trưởng Espanyol Daniel Jarque và cựu cầu thủ Sevilla Antonio cũng qua đời vì bệnh lý tương tự.

Tại Việt Nam, vận động viên xe đạp địa hình Đỗ Xuân T. đã tử vong ngay trên đường đua giải tiền SEA Games 22 vì trụy tim. Hay trường hợp đội trưởng Câu lạc bộ hạng nhì Quân khu 4, Trần Nam T. (sinh năm 1974) bất ngờ ngất lịm, đột quỵ ngay khi tập luyện trên sân bóng; hoặc cầu thủ bóng rổ Diệp Phước L. (28 tuổi, đội Sóc Trăng) cũng đã bị đột quỵ khi đang thi đấu tranh cúp vì nhồi máu cơ tim.

Gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận một nam học sinh 15 tuổi đang chơi thể thao tại trường thì bất ngờ ngất xỉu, sau đó ngừng tim. Được biết, nam sinh có tiền sử mắc bệnh tim, khi được đưa tới bệnh viện bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ nhưng đã tử vong ngoại viện…

Theo Hội Hô hấp Việt Nam, trong nhiều năm qua, các tai biến xảy ra trong lúc tập thể dục, chơi thể thao đã được cảnh báo ngày càng nhiều, đáng tiếc nhất là những trường hợp đột quỵ mà trước đó bệnh nhân cứ tưởng mình hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện gì đáng ngờ.

Những người dễ đột quỵ khi tập thể dục, thể thao - 1

Chạy gắng sức rất dễ bị đột quỵ.

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não" data-rel=follow>tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào.

Vì vậy, nguyên nhân đột quỵ được xác định là do não bị thiếu máu khi mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn (vì hẹp động mạch bởi động mạch bị xơ vữa hoặc do cục máu đông hay cục xơ vữa động mạch ngay tại não hoặc cục xơ vữa động mạch bị bong ra từ nơi khác trong cơ thể theo dòng máu đưa đến); do động mạch não bị vỡ khiến cho não không nhận đủ oxy gây ra tình trạng đột quỵ. Khi đó một phần não bắt đầu chết đi và não bị tổn thương.

Đột quỵ não chính là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao và nếu sống sẽ để lại một số di chứng về tâm thần kinh, vận động vĩnh viễn cho người bệnh. Do đó hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như tê liệt, cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm...

Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ khi tập thể dục, thể thao

Trong quá trình vận động tập luyện thể thao với cường độ lớn, nhịp tim cũng như huyết áp thay đổi thất thường nhất là ở người có sẵn bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tăng mỡ máu, đái tháo đường, bệnh về hô hấp… khó kiểm soát. Đồng thời các cơ quan này cũng hoạt động nhanh hơn bình thường rất nhiều từ đó có thể gây ra tình trạng thiếu máu lên não, dẫn đến não thiếu oxy và các dưỡng chất cần thiết dễ dàng dẫn đến đột quỵ.

Ngoài ra, khi tập thể dục, thể thao quá sức khiến cơ thể mất nước và các chất khoáng cần thiết quá nhiều mà người tập không bổ sung kịp thời cho cơ thể cũng là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ. Theo các chuyên gia y tế, những người có tiền sử mắc bệnh về tim mạch, bệnh liên quan tới hệ hô hấp nếu không biết cách tập thể dục, thể thao hiệu quả thì có thể đột quỵ bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, người cao tuổi hoặc người nghiện rượu, đồ uống có cồn hoặc chất kích thích cũng không nên chủ quan trong khi tập luyện thể dục, thể thao bởi họ được xếp vào nhóm có nguy cơ đột quỵ sau luyện tập thể thao tương đối cao.

Những ai có nguy cơ đột quỵ khi tập thể dục, thể thao?

Nhóm thứ nhất xảy ra trên người có sẵn yếu tố nguy cơ hay gặp ở người có dị dạng mạch máu não (phình mạch máu não) hoặc có bệnh lý tiềm tàng về viêm cơ tim, gây ra nhồi máu cơ tim cấp, hoặc xuất huyết não cấp. Người bệnh rất khó biết mình có bệnh vì thông thường không có triệu chứng, khi tai biến xảy ra mới biết. Tuy nhiên, những trường hợp này rất ít.

Nhóm thứ hai là do người chơi thể thao gắng sức quá, ham mê quá, đẩy sức chịu đựng vượt lên cao quá khả năng của mình. Ví dụ, những người này chỉ có khả năng chạy được 5 km, sau tập luyện đẩy lên 10 km, 20 km, nhưng họ lại cố gắng chạy 30 km, thậm chí nhiều hơn nữa… nên không phù hợp với tình hình sức khỏe hiện tại.

Vì vậy, vận động gắng sức không đúng phương pháp có thể là điều kiện thuận lợi gây khởi phát đột quỵ ở những người trẻ có yếu tố nguy cơ tiềm tàng. Ví dụ, ở những người trẻ tuổi có rối loạn yếu tố đông máu, bệnh lý tim mạch, dị dạng mạch máu não… khi tập luyện quá sức có thể gây ra cơn tăng huyết áp cấp tính dẫn tới khởi phát đột quỵ. Với người cao tuổi, do cơ chế điều hòa tuần hoàn não của người cao tuổi kém hơn người bình thường, cộng thêm tập gắng sức có thể gây cơn tăng huyết áp kịch phát và xảy ra đột quỵ, đặc biệt khi thời tiết khắc nghiệt (quá nóng hoặc quá lạnh…), nhất là với những người cao tuổi có sẵn bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hút thuốc, ít vận động, lối sống không lành mạnh, mất ngủ kéo dài, thường xuyên căng thẳng...

Nguyên tắc xử trí khi thấy người tập thể dục, chơi thể thao bị đột quỵTheo các chuyên gia, việc luyện tập thể dục hoặc chơi thể thao với cường độ thấp, nhẹ hoặc trung bình nhưng đều đặn sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc tập thể dục cường độ cao nhằm giúp cơ thể người tập dẻo dai hơn và phòng ngừa một số bệnh lý nguy hiểm khác như tiểu đường, tim mạch, thừa cân...

Khi thấy người nghi bị đột quỵ hay đã thực sự đột quỵ, ngay lập tức gọi cấp cứu 115 vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất. Việc làm rất cần thiết này nhằm tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để "cứu não" nếu người bệnh có bất cứ biểu hiện của các triệu chứng nêu trên.

Song song để giúp người bệnh thở tốt, cần giữ thông thoáng môi trường xung quanh trong khi chờ xe cấp cứu đến. Lúc này cần hết sức bình tĩnh, đặt người bệnh nằm trên một mặt phẳng nếu người bệnh còn tỉnh táo. Cần đặt người bệnh ở tư thế nằm nghiêng an toàn nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm ý thức nào, hoặc người bệnh có dấu hiệu nôn mửa.

Để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị cho bệnh nhân bằng bấm huyệt, châm cứu, đánh gió. Không cho bệnh nhân ăn uống hay dùng bất kỳ một loại thuốc gì.

Trong khi chờ đợi xe cấp cứu có thể tiến hành ép tim ngoài lồng ngực (80-100 lần một phút) đến khi tim đập lại trong trường hợp bệnh nhân không có mạch hoặc ngừng thở.

Những người dễ đột quỵ khi tập thể dục, thể thao - 2


Nên có huấn luyện viên hướng dẫn tư vấn để biết môn thể thao nào phù hợp.

Phòng đột quỵ khi chơi thể thao, tập thể dục

Khi bị mắc bệnh nền (tăng huyết áp, đái đường, xơ vữa động mạch, mỡ máu cao…) luôn phải tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ khám bệnh cho mình, không bỏ thuốc hoặc không tự động mua thuốc để điều trị. Đối với các đối tượng này khi muốn tập thể dục thường xuyên hoặc chơi một môn thể thao nào đó nên hỏi ý kiến của bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa tim mạch, hô hấp, nội tiết…

Thêm vào đó, để tầm soát các yếu tố nguy cơ và điều trị sớm một bệnh nền nào đó, người bệnh cần khám bệnh định kỳ và luôn có ý thức phòng bệnh cao, nhất là với giới trẻ, tâm lý chủ quan, coi thường khám sức khỏe định kỳ.

Ai cũng có thể tập thể dục, chơi thể thao nhưng thể trạng của mỗi người không giống nhau, do đó, cần phải dựa vào tình trạng sức khỏe để áp dụng lượng bài tập phù hợp, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Để đảm bảo sự an toàn khi chơi thể thao, tập thể dục, người mắc các bệnh nền cần hết sức cẩn thận, tránh vận động quá sức, tốt nhất nên có huấn luyện viên quan sát và kiểm tra nhịp tim khi cần thiết. Tốt nhất nên kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi dự định sẽ thực hiện tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là chơi thể thao để đảm bảo rằng mình hoàn toàn khỏe mạnh, chịu được môn thể thao gắng sức khi luyện tập.

Khi tập luyện, cần giữ nhịp tim ở vùng an toàn (<75% nhịp tim tối đa), nên kiểm tra huyết áp mỗi ngày (huyết áp luôn giữ ổn định ở mức 120/80mmHg), luôn mang theo thuốc xịt hen suyễn (nếu bị bệnh hen suyễn); khi mắc các bệnh mạn tính liên quan đến tim mạch, hô hấp cần lưu ý chế độ tập luyện, dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý.

Để tránh béo phì ảnh hưởng đến các bệnh về tim mạch nên điều chỉnh trọng lượng cơ thể, tốt nhất là theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng hoặc chuyên khoa tim mạch. Nên duy trì ngủ đủ 7-8 giờ trong mỗi một ngày, đêm. Để cải thiện và duy trì tình trạng sức khỏe tốt nên tập luyện chỉ 3-5 ngày/tuần. Hạn chế những thức ăn có hàm lượng cholesterol cao (lòng đỏ trứng, thịt đỏ, tôm…).

Một số thói quen xấu khiến nhiều người có thể bị đột quỵ khi tập thể dục, chơi thể thao cần được cải thiện hoặc từ bỏ như lạm dụng đồ uống có cồn hoặc có thói quen thức khuya, sinh hoạt không điều độ sẽ ảnh hưởng đến huyết áp và tim mạch. Ăn nhiều thức ăn nhanh cũng ảnh hưởng rối loạn chuyển hóa lipd máu, tăng nguy cơ thừa cân béo phì, xơ vữa mạch máu, vì vậy cần hạn chế sử dụng loại thực phẩm này, đặc biệt người đã có bệnh nền.

Ngoài ra, áp lực công việc cũng là điều kiện khiến nhiều người dẫn đến đột quỵ khi tập thể dục, chơi thể thao, vì vậy cần có lịch trình làm việc và nghỉ ngơi hợp lý tránh căng thẳng thần kinh, tránh thức khuya.
 
Bên trên