Những người trẻ làm mới, xuất ngoại bánh dân gian Nam bộ

Võ Xuân Trường

Well-known member
Những người trẻ làm mới, xuất ngoại bánh dân gian Nam bộ

Hiện nay, trong khi giới trẻ đang chạy đua với những ngành nghề hiện đại thì nhiều người trẻ tại miền Tây lại chọn lưu giữ nghề làm bánh dân gian truyền thống, nhưng với lối đi riêng để đem ẩm thực Nam Bộ vươn xa.
Làm mới món bánh truyền thống
Tiếp nối nghề làm bánh dân gian truyền thống của gia đình, nhưng chị Võ Thị Bích Như (32 tuổi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) chọn làm mới món “bánh da lợn” để làm nên thương hiệu của mình, lan tỏa hương vị quê nhà đến với mọi người.
Chị Võ Thị Bích Như (bên phải) dày công chăm chút từng chiếc bánh. Ảnh: Đăng Huỳnh
Chị Như chia sẻ, các loại bánh này rất dễ tìm mua ở chợ hoặc những gánh hàng rong, còn chị bán online nên phải sáng tạo mới thu hút được khách hàng. Do đó, chị luôn “cách tân”, đổi mới cả cách làm lẫn hình thức chiếc bánh để giữ chân thực khách.
“Đối với bánh da lợn thông thường, sẽ có khoảng từ 3 - 5 lớp là nhiều, xen kẽ lớp đậu và lớp bột. Nhưng tôi đã sáng tạo đổ mỗi xửng đến hơn 30 lớp, khi cắt ra từng miếng tạo cảm giác nhiều lớp không đếm nổi, nên đã đặt cho cái tên bánh da lợn nghìn lớp”, chị Như giải thích.
Được biết, bánh da lợn là một món bánh quê Nam Bộ vinh dự góp mặt trong danh sách Top 100 món bánh ngọt ngon nhất thế giới, vừa được công bố trên trang ẩm thực nổi tiếng TasteAtlas.
Tương tự, chị Như đã cho ra lò món bánh da lợn cuộn, bằng thủ pháp đổ nhiều lớp sau đó cuộn tròn rồi cắt ra từng khoanh. Kỳ công hơn nữa là sáng chế bánh da lợn bánh bò, kết hợp 3 lớp bên dưới là bánh da lợn, trên mặt là bánh bò tơi xốp.
Các loại bánh của chị Như làm đều cần rất nhiều thời gian, công phu và tỉ mỉ, đặc biệt là trải qua không ít những lần thất bại mới cho ra lò những loại bánh vừa ngon vừa lạ mắt, hấp dẫn người ăn.
Khác với chị Như, mặc dù gia đình không theo nghề làm bánh truyền thống nhưng chị Trần Thị Lê Uyên (29 tuổi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã lựa chọn rẽ hướng và khởi nghiệp với món bánh dân gian, may mắn được nhiều người đón nhận và ủng hộ. Hiện chị Uyên đang là chủ một lò bánh dân gian Nam Bộ được ưa chuộng tại Cần Thơ.
Chị Lê Uyên tạo hình mới cho những chiếc bánh dân gian Nam Bộ. Ảnh: Yến Phương
Cửa hàng của chị có hơn 20 loại bánh, mỗi loại đều được chị sáng tạo, đổi mới và “cách tân” từng ngày để thu hút khách hàng, nhưng quan trọng là vẫn giữ được cái “hồn”, cái tinh túy của bánh dân gian Nam Bộ.
“Điển hình, tôi đã “khoác áo mới” cho món chè trôi nước bằng cách làm tạo hình bông sen, gương sen, lá sen và búp sen cho những viên chè. Đồng thời, sáng tạo ra bánh da lợn ca rô, bằng sự kết hợp thêm khoai môn vào từng lớp bánh, vừa đổi mới hương vị vừa tạo nên màu sắc lạ mắt, đa dạng khẩu vị của thực khách”, chị Uyên nói.
Đưa ẩm thực Nam Bộ vươn xa
Theo chị Lê Uyên, hiện lò bánh của chị đang có hơn 100 khách sỉ trải dài khắp cả nước. Để đáp ứng đủ số lượng đơn hàng, ngoài những món bánh dân gian do lò của chị tự sản xuất thì chị còn liên kết với nhiều lò bánh ở khắp các tỉnh, thành miền Tây như: Bánh ít Đồng Tháp, bánh tét Cần Thơ, bánh lá dừa Bến Tre, bánh khéo Cà Mau…
Những sản phẩm bánh dân gian của chị Uyên được “xuất ngoại” hàng tháng. Ảnh: Yến Phương
Đặc biệt, ngoài bán trong nước thì hàng tháng những sản phẩm bánh dân gian của chị còn được “xuất ngoại” theo dạng xách tay và chuyển phát quốc tế, chủ yếu bán sang các nước: Úc, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Campuchia… Bình quân doanh thu mỗi tháng của lò bánh lên đến gần 100 triệu đồng, riêng những ngày cao điểm, lễ, tết còn tăng gấp hai, ba lần.
Còn cửa hàng của chị Bích Như, mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 800kg bánh các loại, đem về thu nhập trung bình từ 20-30 triệu đồng/tháng. Đồng thời, món bánh của chị cũng được khách hàng ở Hàn Quốc và Ma Cao đặt mua.
Đặc biệt, để chuẩn bị cho Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ X năm 2023 sắp diễn ra tại TP Cần Thơ, hiện những người trẻ với đam mê làm nghề truyền thống này hàng ngày vẫn luôn dày công biến tấu ra nhiều hương vị, màu sắc và tạo hình khác nhau cho từng loại bánh, với mong muốn lan tỏa hương vị quê nhà, để món ăn truyền thống Nam Bộ này không bị lãng quên và mai một.
 
Bên trên