Những nơi có nguy cơ nắng nóng kỷ lục trên thế giới

Lê Linh

Administrator
Staff member
Các nhà nghiên cứu xác định Afghanistan, Papua New Guinea và Trung Mỹ, bao gồm Guatemala, Honduras và Nicaragua, là những "điểm nóng" có nguy cơ cao về nắng nóng.

Bé trai đứng trên mảnh đất khô cằn ở quận Bala Murghab thuộc tỉnh Badghis, Afghanistan, vào tháng 10/2021. Ảnh: AFP


Bé trai đứng trên mảnh đất khô cằn ở quận Bala Murghab thuộc tỉnh Badghis, Afghanistan, vào tháng 10/2021. Ảnh: AFP

Các nhà khoa học phân tích dữ liệu nhiệt độ trong hơn 60 năm cũng như mô hình khí hậu để tính toán khả năng diễn ra nắng nóng cực hạn chưa từng có và nơi có thể chịu hậu quả. Theo nhóm nghiên cứu, những khu vực đặc biệt dễ chịu tác động do dân số tăng nhanh và nguồn tiếp cận hạn chế đối với chăm sóc y tế và cung cấp năng lượng, khiến khả năng đựng chịu nhiệt độ cao giảm sút, theo nghiên cứu công bố hôm 25/4 trên tạp chí Nature Communications.

Theo Dann Mitchell, giáo sư khoa học khí quyển ở Đại học Bristol, Anh, đồng tác giả nghiên cứu, nguy cơ Afghanistan phải đối mặt đặc biệt trầm trọng. Quốc gia này không chỉ có tiềm năng cao chịu nắng nóng kỷ lục mà hậu quả sẽ nặng nề hơn do những khó khăn có sẵn. Afghanistan đang chật vật giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội. Dân số gia tăng cũng khiến Afghanistan phải giải quyết nguồn tài nguyên hạn chế.

Nắng nóng gây ra tác động tiêu cực trên diện rộng. Nó làm giảm chất lượng không khí, gia tăng hạn hán, nguy cơ cháy rừng và khiến cơ sở hạ tầng cong vênh. Nắng nóng cũng ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Nắng nóng cực hạn là một trong những thảm họa tự nhiên chết chóc nhất. Sốc nhiệt hay kiệt sức vì nắng nóng có thể thúc đẩy nhiều triệu chứng nguy hiểm bao gồm đau đầu, chóng mặt, nôn mửa, mất nhận thức. Sốc nhiệt là bệnh liên quan tới tim nặng nhất, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh, làm nhiệt độ cơ thể tăng vọt chỉ trong vài phút, có thể dẫn tới tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong.

Một số khu vực đã trải qua nhiệt độ cao chưa từng thấy trong năm nay. Hồi tháng 3, một số nơi ở Argentina có nhiệt độ cao hơn 10 độ C so với bình thường. Kỷ lục nhiệt độ cao cũng bị xô đổ ở các khu vực tại châu Á trong tháng 4. Nắng nóng và nhiều sự kiện thời tiết cực đoan khác sẽ chỉ càng trầm trọng hơn trong tình hình thế giới tiếp tục tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, theo Friederike Otto, nhà khoa học ở Viện biến đổi khí hậu Grantham tại Đại học Hoàng gia London.

Theo nhóm nghiên cứu, không có nơi nào an toàn trước nắng nóng. Những nơi vượt xa ngưỡng bình thường trong lịch sử (từ năm 1959 đến 2021) chiếm khoảng 30% số khu vực đánh giá, bao gồm tây bắc Thái Bình Dương, một phần Trung Quốc, các nước châu Âu như Đức và Bỉ. Hàng triệu người sống ở các khu vực đông dân này có thể bị ảnh hưởng xấu bởi nắng nóng, ngay cả khi quốc gia có nhiều tài nguyên giúp giảm thiểu thiệt hại.

Báo cáo kêu gọi chính phủ trên khắp thế giới chuẩn bị đối phó với nắng nóng như dựng trung tâm làm mát và giảm giờ làm cho lao động ngoài trời. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh chính phủ cần lên kế hoạch quản lý nắng nóng, thông tin cho cộng đồng và bảo vệ những người dễ bị tác động.

 
Bên trên