Những thực phẩm dễ gây ngộ độc khi đi du lịch

linh_449

Linh Linhh
Hải sản, động vật có vỏ sống, thực phẩm đóng hộp, nấm, rau mầm... cần thận trọng khi sử dụng ở các điểm du lịch do có nguy cơ gây ngộ độc.

Lượng khách gia tăng đột biến vào dịp nghỉ lễ có thể khiến nhiều khu du lịch quá tải. Bác sĩ Đào Trần Tiến (Phó khoa Tiêu hóa, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, các hàng quán phục vụ tích trữ nhiều đồ ăn; quy trình chế biến, bảo quản không đảm bảo vệ sinh có nguy cơ khiến du khách dễ bị ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân gây ngộ độc thường là do vi sinh vật có trong thức ăn; thức ăn bị biến chất; thực phẩm có hàm lượng chất bảo quản, chất phụ gia... vượt quá mức cho phép hoặc độc tố tự nhiên có trong thực phẩm. Nếu ngộ độc mức độ nhẹ, người bệnh có thể khỏe lại sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, trường hợp nặng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Dưới đây là một số món ăn dễ gây ngộ độc, mọi người nên lưu ý khi đi du lịch theo gợi ý của bác sĩ Tiến.

Hải sản và động vật có vỏ sống

Hải sản có hàm lượng protein, đạm và khoáng chất cao nên nếu ăn nhiều, hệ tiêu hóa khó hấp thu và chuyển hóa hết, gây rối loạn tiêu hóa. Một số loại hải sản chứa chất độc gây nguy hại đến sức khỏe như tetrodotoxin có trong cá nóc, mực đốm xanh, bạch tuộc xanh, một số loài ốc biển (ốc tù và, ốc hương Nhật bản, ốc tù và gai miệng đỏ, ốc bùn, ốc ngọc...). Độc tố vi tảo saxitoxin thường trong các loài ốc biển (mặt trăng, ốc đụn, ốc trám...), sinh vật hai mảnh vỏ, một số loài cua. Mytilotoxin trong một số loài nhuyễn thể. So biển chứa đồng thời cả tetrodotoxins và saxitoxins có thể gây độc thần kinh rất mạnh, làm tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, dễ tử vong nếu không kịp thời cấp cứu.

Động vật có vỏ như hàu, sò, ngao, trai, hến, vẹm xanh... nuôi trong môi trường nước bị ô nhiễm, quá trình sơ chế không đảm bảo vệ sinh có thể nhiễm vi khuẩn noro gây nôn mửa, tiêu chảy. Trường hợp hàu, sò nhiễm khuẩn vibrio có thể gây ra bệnh tả với triệu chứng tiêu chảy, sốt cao, sốc nhiễm trùng, phồng rộp da, thậm chí tử vong nếu nhiễm trùng máu. Một số món ăn từ sứa như gỏi, nộm sứa... Nếu chế biến không đúng cách, độc tố sẽ xâm nhập cơ thể, nhẹ có thể gây dị ứng da, nặng hơn có thể dẫn tới đau đầu, tức ngực, vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn.

Theo bác sĩ Tiến, các loại hải sản cần được lựa chọn khi còn tươi sống trước khi chế biến, sơ chế đảm bảo vệ sinh và nấu chín kỹ trước khi ăn để tránh ngộ độc thực phẩm. Mọi người không nên sử dụng hải sản đã ôi thiu, bảo quản lâu ngày do có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Độc tố của một số vi khuẩn hoặc chất độc tự nhiên như tetrodotoxins có thể chịu được nhiệt độ cao, dù đã được nấu chín, chế biến kỹ vẫn tồn lưu trong hải sản, gây ngộ độc sau ăn.

Hàu nuôi trong môi trường nước bẩn, quá trình sơ chế không đảm bảo vệ sinh dễ bị nhiễm khuẩn. Ảnh: Freepik

Hàu nuôi trong môi trường nước bẩn, quá trình sơ chế không đảm bảo vệ sinh dễ bị nhiễm khuẩn. Ảnh: Freepik

Thực phẩm đóng hộp

Một số người có thói quen mang theo thực phẩm đóng hộp khi đi du lịch. Tuy vậy, sản phẩm này vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc. Theo bác sĩ Tiến, thực phẩm giàu protein đóng trong hộp kín là môi trường cho loại vi khuẩn kỵ khí clostridium botulinum phát triển và tiết ra độc tố botulinum. Khi vào cơ thể, độc tố này gắn chặt vào các dây thần kinh, gây liệt toàn bộ các cơ, dễ dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong. Vì vậy, bạn nên lưu ý không sử dụng đồ hộp quá hạn sử dụng, vỏ hộp bị phồng hoặc bị lõm sâu, biến dạng, thay đổi màu sắc, mùi vị so với bản chất ban đầu.

Nấm

Ngộ độc nấm thường xảy ra khi ăn các loại nấm mọc hoang dại ở vùng rừng núi. Nhiều loại nấm chứa amanitin (amatoxin) có độc tính cao. Một số loại dù không phải nấm độc nhưng mọc ở nơi ô nhiễm, nhất là ở tầng đất bị nhiễm khoáng chất độc hại như photpho, nếu ăn phải sẽ gây ngộ độc. Bạn không nên tùy ý sử dụng nấm dại làm thực phẩm nếu không biết chắc chắn chủng loại. Khi chế biến nấm nói chung, nên chần qua nước sôi, tuyệt đối không ăn nấm chưa chín.

Trứng gà sống hoặc thực phẩm chứa trứng sống

Trứng có thể chứa vi khuẩn salmonella ngay cả khi được lau rửa và bảo quản ở nơi sạch sẽ và không bị dập vỡ. Nhiễm khuẩn salmonella gây co thắt dạ dày, tiêu chảy, nôn mửa và sốt. Người đi du lịch nên hạn chế ăn các thực phẩm chứa trứng sống hoặc trứng chần, trứng lòng đào. Trứng gà nên nấu chín kỹ lòng đỏ và lòng trắng trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.

Rau mầm, salad rau quả

Các món salad rau quả như xà lách trộn, gỏi trộn sử dụng nguyên liệu rau sống, rau mầm được trồng trong môi trường ấm, ẩm ướt. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn gây bệnh tiêu hóa như salmonella, e.coli, listeria phát triển. Nếu rau có dư lượng lớn thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, chất kích thích... sẽ gây ngộ độc. Rau xanh và hoa quả nên lựa chọn ở những nơi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm định chất lượng và nên rửa sạch, gọt vỏ hoặc sử dụng khi đã nấu chín.

Thực phẩm sống có nguồn gốc động vật

Bác sĩ Tiến cho biết, các loại thịt động vật cần được nấu chín kỹ ở nhiệt độ trên 160 độ C để tiêu diệt vi khuẩn gây ngộ độc. Thực phẩm sống như thịt chín tái; thịt, cá muối chua; nem chua; sushi; sashimi... có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn, ký sinh trùng. Để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm, tốt nhất bạn nên sử dụng sản phẩm đã được nấu chín kỹ.

Thực phẩm chế biến sẵn

Đồ ăn bán dạo ngoài bãi biển, đường phố, khu vui chơi; thực phẩm chế biến sẵn được bày bán tại nơi không đảm bảo vệ sinh, không được che chắn bụi hay ruồi muỗi cẩn thận, không nên chọn mua. Do những sản phẩm này có thể bị nhiễm khuẩn, dễ gây khó chịu .
 
Bên trên