Nỗi sợ mất nhà chung cư 3,2 tỷ khi tuổi già ập tới

Nguyễn Thị Hồng

Well-known member
Làm cả đời mới mua được chung cư, nhưng 50 năm nữa, tuổi già ập tới cũng là lúc căn hộ hết niên hạn sử dụng, tôi sẽ làm gì?

Tôi đang dự kiến mua một căn hộ chung cư hai phòng ngủ ở Thủ Đức với giá khoảng 3,2 tỷ đồng. Trong đó, tôi sẽ vay 1,8 tỷ, trả góp trong vòng 20 năm. Về dòng tiền hàng tháng để trả nợ gốc và lãi, tôi có thể sắp xếp được trong khả năng của mình. Tuy nhiên, các quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư lại làm tôi khá băn khoăn.

Luật Nhà ở 2023 sẽ có hiệu lực sớm từ ngày 1/8 tới đây. Theo đó, thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế nhà chung cư theo kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền. Thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế được ghi rõ trong văn bản thẩm định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Thời hạn sử dụng căn hộ chung cư thường ghi là 50 năm, sau đó căn cứ vào kết luận kiểm định để tiếp tục ở hoặc phá dỡ để xây dựng nhà chung cư mới hoặc công trình khác nếu không còn phù hợp với quy hoạch để xây chung cư. Trong điều kiện khí hậu tại Sài Gòn nóng ẩm, mưa nhiều, nếu nhà chung cư không được bảo trì thường xuyên thì có thể xuống cấp nhanh hơn dự kiến. Hoặc xui rủi xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng, nhà chung cư có thể bị chấm dứt sử dụng luôn.

Theo tìm hiểu, tôi được biết khi mua nhà chung cư, người mua sẽ được cấp giấy chứng nhận gồm hai phần: phần quyền sử dụng đất có mục đích sử dụng chung cho toàn bộ cư dân, thời hạn sử dụng lâu dài; và phần nhà ở (căn hộ chung cư) thuộc sở hữu riêng của người mua, thời hạn sử dụng 50 năm. Sau 50 năm, người mua nhà chỉ còn quyền lợi đối với phần quyền sử dụng đất sử dụng chung.


Nhưng giá trị thực tế của phần thuộc sở hữu riêng của người mua này lại không đáng là bao nhiêu do phải phân bổ cho vài ngàn cư dân đang sinh sống trong trên đó. Chưa kể nếu chủ đầu tư chỉ được giao đất có thời hạn 50 năm thì sau này còn phát sinh thêm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Chưa rõ chủ đầu tư hay người mua nhà sẽ chịu phần chi phí này?

Khi chung cư hết niên hạn và xuống cấp đến mức không đảm bảo an toàn, tất cả dân cư bị cưỡng chế di dời và toà nhà chung cư sẽ được phá bỏ để xây dựng lại nhà mới. Để được tiếp tục sở hữu xây dựng mới trên phần đất cũ, cư dân phải đóng tiền cho chủ đầu tư một khoản bằng với chi phí xây dựng. Số tiền này có thể cao gần bằng so với tiền mua mới một căn hộ chung cư.

Tôi sợ rằng khi tuổi già ập tới cũng là lúc căn hộ chung cư hết niên hạn sử dụng và phải rời đi tìm nơi ở khác. Lúc đó, tôi thực sự không biết sẽ thuê nhà ở đâu và lấy tiền đâu để thuê nhà? Đối với tôi 3,2 tỷ đồng là tài sản của cả đời người. Đó là tài sản mà hai vợ chồng làm việc vất vả mới tích góp được, lúc về già lại trở về tay trắng thì thật xót xa.

Với 3,2 tỷ đồng, chúng tôi cũng có thể mua được nhà phố trong hẻm ở TP Dĩ An, Bình Dương, không phải lo thời hạn sử dụng như nhà chung cư. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải di chuyển xa hơn so với dự án chung cư dự định mua hiện tại khoảng 7 km.
 
Bên trên