Nỗi sợ 'nghèo' của người trưởng thành

KIEUMY

Bùi Kiều My
Nỗi sợ 'nghèo' của người trưởng thành
Bên cạnh những háo hức về cuộc sống khi lớn lên là nỗi sợ nghèo tiền bạc, tình cảm, thời gian... Tất cả được gọi là định kiến về tuổi trưởng thành.


Ảnh minh họa nhân vật tuổi mới lớn. Nguồn: Easy A.
nguoi truong thanh anh 1
Mình vẫn còn nhớ như in những buổi tối đã mười một giờ đêm nhưng vẫn ngáp ngắn ngáp dài ôm tập đề cương nhồi nhét vài dòng cuối cùng vào đầu trước bài kiểm tra cuối kỳ vào ngày hôm sau. Mẹ mình ngồi cạnh ôm cái máy tính cặm cụi cùng một đống giấy tờ, còn mình thì tay chống cằm, đọc được một câu lại ngáp một cái thật to, tỏ vẻ mệt mỏi để mẹ quan tâm và động viên.
Học chán quá mới quay sang hỏi mẹ: "Mẹ thích làm trẻ con hay người lớn?". Mẹ nhìn mình và nói: "Chẳng ai muốn lớn đâu con ạ". Mình đáp lại: "Làm người lớn sướng quá trời, được trả lương mà lại chẳng phải làm bài kiểm tra. Làm trẻ con đã tốn tiền học phí, còn phải tốn thời gian học để suốt ngày thi cử". Mẹ mình chỉ cười trừ và nói: "Lớn lên con sẽ hiểu".
Thực sự lúc đó mình vẫn chẳng hiểu nổi tại sao người lớn ai cũng thích được làm trẻ con. Mình hỏi thì ai cũng bảo: "Lớn rồi con sẽ hiểu tại sao chẳng ai muốn lớn", trong khi người lớn thích gì là mua nấy, chẳng như trẻ con muốn cái gì cũng phải hỏi xin bố mẹ.
Những năm tháng ngây thơ hồn nhiên muốn làm người lớn cứ thế trôi vèo đi lúc nào không hay. Hôm nay mình đã ngồi đây, hai mươi mốt tuổi mà sao mình đã thấy già quá đỗi. Không còn đếm ngược đến ngày sinh nhật, mỗi lần thấy con số hàng đơn vị tăng lên một số cảm tưởng như mình già đi hàng chục tuổi. Đón sinh nhật tuổi hai mươi mà mình ngỡ ngàng như kiểu vừa bước vào kỷ nguyên mới.
Mới hai mươi tuổi đầu mà đã hiểu vì sao người lớn hay nói "làm người lớn khổ lắm". Hồi bé sinh nhật thì hồn nhiên, mua hết bánh này kẹo nọ mang đến chiêu đãi các bạn vì có phải tiền mình kiếm ra đâu mà thấy xót. Bước sang tuổi hai mươi, đến các tiệc sinh nhật của mình còn phải đau đầu nghĩ xem ai ăn ở nhà hàng nào cho vừa túi tiền mà vẫn phải giữ được sĩ diện trước mặt bạn bè. Chẳng biết từ bao giờ mà cái đứa trẻ khao khát được làm người lớn bỗng dưng sợ lớn đến như thế.
Hồi bé mình chỉ ước được đi du học, sống xa bố mẹ trải nghiệm cảm giác tự do mà mọi đứa trẻ đều mong ước. Mình không thích cảm giác cuối tuần mẹ gọi dậy sớm để ăn sáng cho ra bữa hay bố ép phải ăn món cá còn đầy xương mà bố nấu.
Thế rồi ở cái tuổi trưởng thành, mình đã quên mất định nghĩa ngày ba bữa là như thế nào. Quên đi bữa sáng là món phở gà nhiều da nóng hổi mẹ đi chợ về mua cho ăn, quên đi bữa trưa cuối tuần mẹ nấu nồi bún riêu giữa mùa đông Hà Nội 10 độ C, quên đi bữa xế làm ổ bánh mì no căng trên xe mẹ đón về, quên đi bữa tối mẹ vắng nhà bố nấu món cá kho vừa mặn vừa nhiều xương, quên đi ly sữa nóng mẹ pha cho uống trước khi ngủ.
Tuổi trưởng thành chỉ để lại cho mình hai lát bánh mì kẹp cá hộp mang đi vào giờ giải lao, hay thanh protein mua vội trong siêu thị để làm bữa tối ăn giữa hai ca làm. Trưởng thành đâu chỉ thiếu tình yêu thương và sự quan tâm từ bố mẹ, trưởng thành có tiền và thời gian. Ba năm đi du học, mình chẳng bao giờ dám mua cá về nấu vì sợ tốn tiền. Thời gian để làm ra một nồi cá kho cũng chẳng có nên đành ăn bánh mì cho qua bữa.
Có quá nhiều lý do để viết ra cho việc sợ lớn: nghèo tình cảm, nghèo tiền bạc, nghèo thời gian, nhiều áp lực chỉ là một trong vô vàn lý do khiến mình cảm thấy thế giới người lớn thật đáng sợ. Trưởng thành đôi khi không chỉ là nỗi sợ, mà còn là cú sốc cho những đứa trẻ luôn mộng mơ về cuộc sống người lớn. Những đứa trẻ vẫn hồn nhiên nghĩ rằng làm người lớn kiếm tiền dễ lắm, tự do sướng lắm và đôi khi ảo tưởng luôn về chính năng lực của mình khi bước chân ra xã hội.
Đến khi thực tại cuộc sống của người trưởng thành ập đến, những đứa trẻ đó chẳng hề chuẩn bị sẵn tâm lý để đón nhận những thứ áp lực từ trên trời rơi xuống. Thế nên chẳng có gì khó hiểu khi bỗng dưng mình tự hỏi bản thân: "Vì sao mình sợ lớn" sau chuỗi ngày dài gồng mình hòa nhập vào cuộc sống trưởng thành và cố gắng vượt qua đủ thể loại áp lực.
Bởi vì, không sợ thì không thể lớn được đâu.
 
Bên trên