Nữ du khách đi khắp thế giới bằng hộ chiếu 'ít quyền lực nhất'

Từ Minh Quân

Well-known member
Maliha Fairozz đặt chân đến hơn 100 quốc gia bằng hộ chiếu Bangladesh, cuốn hộ chiếu xếp thứ 8 trong 10 cuốn hộ chiếu tệ nhất thế giới.

Maliha Fairooz nhớ như in lần đầu đi du lịch từ Bangladesh đến London khi 4 tuổi. Hầu hết trẻ em lên máy bay đều quấy khóc còn cô lại phấn khích. "Tôi bay qua những đám mây, nhìn vào bầu trời và nghĩ rằng mình là một con chim", nữ du khách đến từ Bangladesh cho biết.

Hiện cô sống ở Berlin, Đức, và làm việc cho một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền. Maliha đã tới 102 đất nước và đặt mục tiêu thăm mọi quốc gia trên thế giới. Nhưng lý do Maliha nhận được giải thưởng NomadMania vào tháng 10 vừa qua là đã đi khắp nơi bằng hộ chiếu Bangladesh - vốn được xếp thứ 8 trong 10 cuốn hộ chiếu tệ nhất thế giới theo Henley Passport Index.

Maliha bên cuốn hộ chiếu Bangladesh của mình. Ảnh: Instagram/maliharoundtheworld


Maliha bên cuốn hộ chiếu Bangladesh của mình. Ảnh: Instagram/maliharoundtheworld


Được ví như Oscar của dân lữ hành, NomadMania Awards là giải thưởng thường niên của tổ chức độc lập NomadMania có trụ sở tại Hy Lạp, tìm ra những người gợi cảm hứng nhiều nhất trong du lịch hằng năm để vinh danh.

Hộ chiếu Bangladesh chỉ được phép miễn nhập cảnh hoặc xin visa cửa khẩu ở 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong khi đó công dân có hộ chiếu quyền lực nhất thế giới, Singapore, có thể vào 193 quốc gia, vùng lãnh thổ mà không cần thị thực.

"Việc đi lại với tôi trở nên khó khăn hơn và phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính hơn", Maliha nói về trải nghiệm đi du lịch khắp thế giới. Để đến được Kyrgyzstan, cô cần có thư mời chính thức từ một công ty du lịch địa phương. Để có thư cô phải mua tour từ một đại lý du lịch và đợi 5-6 tuần để được cấp visa.




Maliha đi du lịch Ghana. Video: Instagram/maliharoundtheworld
Thách thức lớn mà nữ du khách phải đối mặt khi đi du lịch là định kiến "người Bangladesh thường nhập cư bất hợp pháp". Ngoài ra, những du khách sở hữu hộ chiếu mạnh thường được ưu ái vì họ được coi là người giàu có. Những du khách có hộ chiếu yếu hoặc xếp thứ hạng thấp thường bị đánh giá là khách du lịch bụi hoặc ít tiền.

Trải nghiệm đau thương nhất nữ du khách từng trải qua là bị giam giữ tại sân bay khi đến Cape Verde, châu Phi. Dù cô khi đó đã có visa và giấy tờ cần thiết để nhập cảnh, phía Cape Verde vẫn không đồng ý sau khi nhìn thấy hộ chiếu Bangladesh. Theo lời kể của Maliha, chính quyền đe dọa sẽ trục xuất cô về lại Senegal, quốc gia nơi cô khởi hành. "Lý do họ từ chối tôi nhập cảnh là không du khách nào chỉ đến Cape Verde du lịch 3-4 ngày, trong khi đây là một đảo nhỏ", cô nói.


Nữ du khách đã "trải qua một khoảng thời gian thực sự khó khăn" và "bị tổn thương nặng nề". Cảm giác lo lắng, bị mắc kẹt trong phòng giam lần đó là một trải nghiệm kinh hoàng, đến giờ vẫn khiến cô sợ hãi mỗi khi đến sân bay.

Tuy nhiên, những trải nghiệm tồi tệ không cản bước cô đi du lịch vì cô có nhiều trải nghiệm tích cực hơn. "Có rất nhiều vẻ đẹp, lòng tốt, sự hào phóng trên thế giới này. Tôi vinh dự khi có thể kết nối với rất nhiều người ở mọi nơi", cô nói.

Maliha cũng cho biết một số người tiết kiệm tiền để mua nhà, xe còn cô thì không. Thu nhập cao nhưng dù kiếm được bao nhiêu tiền cô cũng dành hầu hết đi du lịch. "Đó là điều tốt nhất", cô nói.

Lời khuyên của cô dành cho những người muốn đi du lịch vòng quanh thế giới chính là hãy bắt đầu đến một nơi nhỏ như du lịch nội địa rồi tiến xa hơn tới các quốc gia lân cận. Khi dần có đủ can đảm, bạn sẽ đi xa nhiều hơn nữa.

Maliha nói thêm hãy kết nối với những người quan tâm bạn và tin tưởng vào mục tiêu muốn đi khắp thế giới của bạn. "Điều đó giúp bạn tiếp tục thực hiện ước mơ", cô nói.
 
Bên trên