NUÔI DẠY ĐỨA TRẺ TỰ CHỦ

linh_449

Linh Linhh
Trong cuốn sách Nuôi dạy đứa trẻ tự chủ (The Self-Driven Child), hai tác giả William Stixrud và Ned Johnson tập trung vào thực tế rằng trẻ em ngày nay đang bị chối bỏ ý thức tự kiểm soát cuộc đời của chúng – đó là được làm những điều mà chúng thấy ý nghĩa, tự chúng thành công và cũng tự chúng thất bại. Tác giả cho rằng, thời gian sử dụng các thiết bị điện tử là một phần của vấn đề, nhưng cha mẹ và trường học, những người vô ý lấy đi cơ hội mà trẻ cần để trở nên mạnh mẽ, tự tin hơn và được là chính mình nhiều hơn – cũng không hề vô can. Sau đây là một phần cuộc phỏng vấn của Biên tập viên Gareth Cook với hai tác giả.
  • Điều gì khiến các vị nghĩ rằng trẻ em không có đủ quyền kiểm soát đối với cuộc đời chúng?
Stixrud: Chúng ta đều biết rằng ý thức tự kiểm soát thấp có liên quan rất lớn đến sự lo âu, trầm cảm và gần như mọi vấn đề về sức khỏe tâm thần. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ý thức tự kiểm soát thấp là một trong những điều gây căng thẳng tột độ nhất mà mỗi người từng trải. Từ những năm 60 của thế kỉ XX, chúng ta đã nhận thấy sự gia tăng về các vấn đề sức khỏe tâm thần có liên quan đến căng thẳng ở trẻ em và người trưởng thành, bao gồm lo âu, trầm cảm và tự phương hại bản thân. Chỉ trong vòng sáu hay bảy năm qua, tỷ lệ trẻ mắc chứng lo âu và trầm cảm tăng nhanh chưa từng thấy.
Dưới góc độ thần kinh, khi chúng ta có ý thức kiểm soát tốt, vùng vỏ não trước trán (bộ phận điều hành não bộ) sẽ điều chỉnh hạch hạnh nhân (một phần trong hệ thống phát hiện mối đe dọa của não bộ). Khi vỏ não trước trán nắm quyền, chúng ta đang làm chủ được tâm trí. Chúng ta cảm thấy có quyền kiểm soát và không lo âu. Vì thế, việc trẻ em cảm thấy lo âu nhiều hơn cho thấy hạch hạnh nhân của trẻ đang hoạt động quá mức, do đó trẻ dễ cảm thấy quá tải, bế tắc hoặc bất lực.
Nghiên cứu về động lực chỉ ra rằng ý thức tự chủ mạnh mẽ là chìa khóa để phát triển động lực tự thân – yếu tố giúp trẻ đam mê theo đuổi những mục tiêu của mình và tận hưởng thành tựu. Nhưng nhiều trẻ em là khách hàng của chúng tôi chia sẻ rằng các em cảm thấy quá tải bởi những đòi hỏi đặt nặng lên vai, rằng chúng lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi và không có đủ thời gian nghỉ ngơi (một phần liên quan đến công nghệ). Nhiều trẻ nói về những kỳ vọng mà chúng cảm thấy bản thân buộc phải đạt tới, và nhiều trẻ phàn nàn về thực tế rằng chúng có rất ít tiếng nói đối với cuộc đời của chính mình.
  • Liệu đây có phải là một vấn đề mới không?
Stixrud: Vấn đề này đã tiến triển nhiều thập kỉ qua. Nhà tâm lý học Jean Twenge từng so sánh những sinh viên đại học năm 1960 với những sinh viên đại học năm 2002. Sinh viên đại học năm 2002 có ý thức tự kiểm soát cuộc đời thấp hơn hẳn. Những thay đổi trong nền văn hóa trong vòng 10 đến 15 năm qua đã góp phần khiến ý thức tự kiểm soát suy giảm nghiêm trọng.
Lấy một ví dụ thế này. So với một thập kỷ trước, trẻ ngày nay chơi ít hơn nhiều, bởi thời gian ở trường học tăng lên, trẻ có nhiều hoạt động theo lịch biểu và cũng dành nhiều thời gian trước màn hình hơn trước. Nhà nghiên cứu Peter Gray là một trong những người đầu tiên thấy được mối liên hệ giữa sự suy giảm cơ hội vui chơi với sự suy giảm về ý thức kiểm soát. Khi trẻ có thể dành phần lớn thời gian ngày thứ Bảy để vui chơi, chúng có thể tự lựa chọn trò chơi và cách chơi. Chúng có nhiều quyền tự chủ hơn. Còn ngày thứ Bảy điển hình thời nay thường là chất đống bài tập về nhà và các sự kiện thể thao có kế hoạch sẵn.
 

Đính kèm

Bên trên