Phận đời 'Trôi' trong truyện Nguyễn Ngọc Tư

Quang Minh

Well-known member
Nguyễn Ngọc Tư dùng từ "trôi" mô tả những cuộc di cư của người vùng sông nước, trong tập truyện ngắn cùng tên mới ra mắt.

Tác phẩm phát hành đầu tháng 11, gồm 13 truyện ngắn. Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục xoáy vào cái nghèo, sự bấp bênh và lạc lõng của nhiều người miền Tây.

Bìa sách Trôi của Nguyễn Ngọc Tư. Tác phẩm dày 152 trang, phát hành đầu tháng 11. Ảnh: Trung Đàm


Bìa sách "Trôi" của Nguyễn Ngọc Tư. Tác phẩm do NXB Trẻ phát hành, 152 trang. Ảnh: Trung Đàm























Các nhân vật trong những truyện ngắn có không gian sống vô định, họ đến từ bất kỳ đâu, làm đủ thứ nghề hoặc không làm gì. Họ trôi dạt, luôn ở trạng thái loay hoay lý giải, làm sáng tỏ về điều mà họ đã mất đi. Các nhân vật càng vùng vẫy thoát ra khỏi hiện thực thì càng lún sâu vào vòng xoáy cuộc đời. Họ tìm kiếm tự do, buông mình khỏi những sự việc đau thương nhưng không thể vượt số phận. Ở đó, tác giả gợi người đọc đồng cảm với những mảnh đời này, bởi "chẳng cuộc trôi nào là vô tình, bản thân sự trôi nổi là thông điệp, tín hiệu, thư mời của chân trời".

Trên trang viết của Nguyễn Ngọc Tư, con người không thể cố định ở một chỗ mà liên tục di chuyển theo quy luật cuộc sống. Các nhân vật như những khúc củi mục, xuôi theo dòng chảy của nước và mắc kẹt đâu đó, họ va vấp và nếm trải nỗi đau. Họ hiện lên trong sự ràng buộc của không gian, cái buồn man mác của quê hương Nam bộ.


Các câu chuyện có nhiều chi tiết gợi lên không khí đời sống nông thôn, đôi khi còn nét ngờ nghệch nhưng đáng yêu, như chuyện người đàn ông thích nằm võng, quan niệm ăn ít lại để không phải đứng dậy đi vệ sinh ở Đong đưa trong kén. Ở một số truyện, số phận đưa đẩy các nhân vật đến những lựa chọn mà độc giả không thể giải thích, nhưng đồng thời đọng lại nhiều suy nghĩ. Trong Nợ, người cháu đến nhà "con nợ" để đòi lại những gì thuộc về đời ông bà. Nhưng khi người kia muốn thanh toán, nhân vật chính còn không biết món nợ là gì.

Trong truyện ngắn mở đầu Mơ người, dòng chữ tưởng chừng vô thưởng vô phạt trên tờ quảng cáo sòng bài: "Ngắm thật lâu những người ngủ sâu, ta có thể nhìn thấy giấc mơ của họ", lại ăn sâu vào tâm trí nhân vật Tường khi cậu có những hành động kỳ quặc là đi lén xem người ta ngủ. Đến khi ra tòa, Tường cũng không thể bào chữa cho hành vi của mình. Mong muốn cảm nhận được giấc chiêm bao của người khác cho thấy khao khát tưởng chừng như đơn giản nhưng lại kỳ quặc trong mắt mọi người.

Giống Đảo (2014) hay Hong tay khói lạnh (2022), tập truyện ngắn Trôi chất chứa những bi kịch, nặng trĩu thân phận. Dù vậy, bằng văn phong nhẹ nhàng, pha chút hóm hỉnh, Nguyễn Ngọc Tư để người đọc tự cảm nhận nỗi buồn theo cách riêng.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh: NXB Trẻ

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh: NXB Trẻ

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, 47 tuổi, sinh sống tại Cà Mau. Chị là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng: Đảo, Khói trời lộng lẫy, Cánh đồng bất tận, Gió lẻ, Không ai qua sông, Hành lý hư vô. Tác giả từng nhận nhiều giải thưởng văn chương trong nước và quốc tế như: giải Văn học Tuổi Hai mươi, giải Văn học ASEAN 2008. Một số cuốn sách của Nguyễn Ngọc Tư được dịch sang tiếng Hàn, Anh, Đức và Thụy Điển.

Cuốn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư được bán trên 150 nghìn bản. Tác phẩm chuyển thể điện ảnh năm 2010, do Nguyễn Phan Quang Bình đạo diễn. Sách được giáo sư Gunter Giesenfeld, nhà giáo Marianne Ngo chuyển ngữ sang tiếng Đức. Năm 2017, bản dịch dẫn đầu bầu chọn của Litprom tại sự kiện Sách hay mùa đông lần thứ 37 (Đức). Năm 2022, truyện ngắn Tro tàn rực rỡ Củi mục trôi về được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lấy cảm hứng, chuyển thể thành phim điện ảnh Tro tàn rực rỡ.




Video Player is loading.
Dừng
Hiện tại 0:05
/
Thời lượng 2:02
Đã tải: 0%


Tiến trình: 0%
Bỏ tắt tiếng

Toàn màn hình

Quảng cáo có thể hiển thị sau 5 giây
 
Bên trên