Phản ứng của Musk khi AI vẽ ông lúc nhỏ

Từ Minh Quân

Well-known member
Elon Musk đùa mình đã uống thuốc chống lão hóa quá liều khi thấy bức ảnh do AI tạo ra về ông lúc nhỏ và đang lan truyền trên Internet.

Ngày 4/6, tài khoản Twitter Not Jerome Powell đăng bức ảnh em bé mặc chiếc áo sơ mi trắng và quần yếm màu nâu, khuôn mặt giống tỷ phú Elon Musk, kèm mô tả: "Tin sốt dẻo: Musk đang nghiên cứu một số công thức chống lão hóa, nhưng nó đã bị vượt khỏi tầm kiểm soát".

Bức ảnh Elon Musk thời bé do AI tạo ra. Ảnh: Not Jerome Powell/Twitter

Bức ảnh "Elon Musk thời bé" do AI tạo ra. Ảnh: Not Jerome Powell/Twitter

Bức ảnh lập tức tạo cơn sốt trên Internet, khi nhận về 4,5 triệu lượt xem, hơn 60.000 lượt thích sau ba ngày xuất hiện. Ngoài ra, nhiều nền tảng khác cũng đăng lại và nhận hàng trăm nghìn lượt xem.

Musk cũng lên tiếng về bức ảnh: "Các bạn ạ, có lẽ tôi uống quá liều thuốc này rồi". Phản hồi của ông cũng nhận về hơn 2,4 triệu lượt xem sau hai ngày.

Hiện chưa rõ nguồn gốc bức ảnh. Tuy nhiên, dựa trên các đặc điểm trong ảnh, một số cho rằng nó có thể được tạo từ một trong những công cụ AI phổ biến là Midjourney, Stable Diffusion hay Dall-E 2. Trên Twitter, hình ảnh tạo từ những AI này đang được chia sẻ tràn lan và không có kiểm soát.

Cuối tháng 5, một ảnh khác có tên "Musk hôn vợ robot" cũng gây sốt. Người đăng thậm chí nói sai sự thật rằng đó là sản phẩm do tỷ phú Mỹ tạo ra thông qua công ty mới có tên Robot Wives. Tuy nhiên, hình ảnh sau đó bị phát hiện do AI tạo ra.

Ảnh giả Elon Musk trong trang phục Ấn Độ. Ảnh: DogeDesigner/Twitter

Ảnh giả Elon Musk trong trang phục Ấn Độ. Ảnh: DogeDesigner/Twitter

Đầu tháng 6, hình ảnh Musk trong trang phục truyền thống Ấn Độ do tài khoản DogeDesigner đăng lên trang cá nhân cũng nhận 3,7 triệu lượt xem. Người đăng thừa nhận đó là sản phẩm của AI, còn Musk cũng phản hồi: "Tôi thích nó".

Đến nay, hầu hết ảnh do AI tạo ra đều mang hàm ý đùa cợt. Tuy nhiên, gần đây một số nội dung liên quan đến chính trị bắt đầu xuất hiện. Gần nhất là ảnh giả "vụ nổ Lầu Năm Góc" lan truyền trên mạng xã hội Facebook và Twitter.

Trước đó, hồi tháng 3, ảnh cựu tổng thống Mỹ Donald Trump bị bắt, hay Giáo hoàng Francis mặc áo khoác trắng thời trang cũng lan truyền trên mạng và nhiều người xem tin là thật, theo Washington Post. Tuy nhiên, chúng chỉ là sản phẩm của công cụ Midjourney.

Những AI mới với các tính năng được nâng cấp từng ngày đang gây lo ngại lớn. Giới chuyên môn đánh giá, các hệ thống này có thể sản xuất ảnh hàng loạt và gây ra nhiều tác hại, như định kiến về chủng tộc, giới tính, đạo văn, đạo tranh... Ảnh giả có thể được sử dụng để kích động, bắt nạt, quấy rối hoặc phát tán thông tin gây hoang mang trong cộng đồng.
 
Bên trên