Phát triển thương mại, du lịch trở thành trụ cột kinh tế

tran hương

Well-known member
Thương mại, dịch vụ, du lịch là một trong các nhóm ngành căn bản và là thế mạnh kinh tế của thành phố Kon Tum. Do đó, thành phố đã và đang chú trọng xây dựng, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này với quyết tâm đưa các ngành trên trở thành những “trụ cột” trong cơ cấu kinh tế của địa phương.

Đến nay trên địa bàn thành phố Kon Tum đã có nhiều công trình kinh doanh, thương mại quy mô tương đối lớn như: Chợ Trung tâm thương mại Kon Tum, Chợ phường Quyết Thắng, chợ Duy Tân, chợ khu vực phường Quang Trung, siêu thị Co.opmart, Vincom Plaza Kon Tum, siêu thị VinMart, Điện máy Xanh Kon Tum, siêu thị điện máy Chợ Lớn, hệ thống cửa hàng Comcome (thuộc Công ty Thương mại tổng hợp Kon Tum) cơ bản phục vụ nhu cầu sinh hoạt, mua sắm của người dân.

Hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ phát triển rộng khắp, phủ kín tới tận khu vực nông thôn. Với sự phát triển mạnh mẽ, đúng hướng của các loại hình kinh doanh đã góp phần tạo thành mạng lưới thương mại đồng bộ, thúc đẩy hoạt động giao thương phát triển.

Hệ thống kênh bán hàng hiện đại ngày càng phát triển trên địa bàn thành phố Kon Tum. Ảnh: TH


UBND thành phố Kon Tum cũng chỉ đạo các ngành chức năng của địa phương tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, tạo thành mạng lưới logistics đồng bộ; quy hoạch các điểm đỗ, điểm dừng trả khách cho hệ thống xe buýt các tuyến và các điểm đỗ xe tải phục vụ cho việc bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa. Nhờ đó, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Cùng với việc xây dựng, phát triển thương mại, thành phố Kon Tum chú trọng phát triển du lịch, nhất là khai thác tiềm năng, thế mạnh về văn hóa truyền thống ở địa phương để phát triển du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào DTTS. Hiện trên địa bàn thành phố đã có 3 làng du lịch cộng đồng được công nhận là Kon Klor (phường Thắng Lợi), Kon K’tu và Kon Jơ Dri (xã Đăk Rơ Wa), một số điểm du lịch cộng đồng đang hình thành tại làng Măng La (xã Ngok Bay), làng Wer (xã Ia Chim), cùng với những điểm du lịch nổi tiếng khác như Nhà thờ gỗ, Tòa giám mục, cầu treo Kon Klor luôn thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Phát huy lợi thế của địa phương, thành phố Kon Tum tập trung phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm; triển khai nhiều tour du lịch giữa thành phố Kon Tum và thị trấn Măng Đen huyện Kon Plông và các điểm đến du lịch của tỉnh; xây dựng chương trình kết nối du lịch với một số tỉnh bạn trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

Thành phố Kon Tum chú trọng khai thác lợi thế về văn hóa để phát triển du lịch. Ảnh: T.H


Có thể nói, thương mại, dịch vụ, du lịch dần được khẳng định là ngành kinh tế chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố Kon Tum. Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố đạt khoảng 16.580 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30,8% trong cơ cấu kinh tế của địa phương.

Dù đã đạt được những kết quả khả quan, song lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch của thành phố vẫn còn một số hạn chế như: Quy mô thị trường hàng hóa, thương mại, dịch vụ còn nhỏ lẻ; nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thương mại còn hạn hẹp; phát triển du lịch còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương.

Vì vậỵ, để thương mại, dịch vụ, du lịch trở thành trụ cột trong cơ cấu kinh tế, thành phố Kon Tum đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung phát triển hệ thống mạng lưới chợ, điểm mua bán hàng hóa nông sản; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển mở rộng hệ thống thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Đồng thời, mở rộng, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ tài chính, ngân hàng, thông tin giải trí, du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Thu hút đầu tư phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng và hạ tầng thiết yếu khác để phục vụ du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng, dã ngoại trên cơ sở khai thác tiềm năng thiên nhiên, sự đa dạng trong văn hóa các dân tộc trên địa bàn thành phố. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết, hợp tác với các công ty lữ hành trong nước và quốc tế xây dựng các tour du lịch gắn với các điểm đến du lịch của địa phương, các điểm đến du lịch trọng yếu của các địa phương trong vùng Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải miền Trung.
 
Bên trên