Phiền phức khi phụ thuộc OTT

TRUONGTRINH

Well-known member
Khi tài khoản Messenger bị khóa không rõ lý do, Thanh Minh mất nửa ngày để xin được số điện thoại của đối tác vẫn trao đổi công việc qua chat.

"Lúc đó tôi mới nhận ra mình đã phụ thuộc quá nhiều vào các ứng dụng chat", Thanh Minh, 23 tuổi, chuyên viên truyền thông tại Hà Nội, nói. Anh là một trong những người bị khóa tài khoản Messenger trong 30 ngày tại Việt Nam tuần này. Do Facebook chặn theo địa chỉ IP, sau khi lập tài khoản mới, anh tiếp tục bị khóa.

"Tôi không biết mình vi phạm gì, cũng không thể liên hệ nền tảng để khiếu nại hay nhờ hỗ trợ", Minh nói.

Facebook vẫn cho phép người dùng thấy tin nhắn, cuộc gọi, nhưng không thể trả lời. Nền tảng chưa giải thích lý do hàng loạt người dùng bị khóa Messenger tại Việt Nam. "Lo nhất là đối tác hiểu lầm mình không tôn trọng, thấy đã đọc tin nhắn mà không trả lời, nên tôi phải tìm cách xin số điện thoại", Minh nói.


Ứng dụng Messenger hiển thị thông báo người dùng vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng nhưng không cho khiếu nại. Ảnh: Lưu Quý


Ứng dụng Messenger hiển thị thông báo người dùng vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng nhưng không cho khiếu nại. Ảnh: Lưu Quý


Minh đánh giá các ứng dụng OTT đang gần như thay thế việc nghe gọi truyền thống hay nhắn tin qua SMS. Khi gặp đối tác hoặc muốn làm quen với ai, anh thường xin họ tài khoản Facebook, Telegram, hoặc quét mã QR để kết nối thay vì hỏi số điện thoại. Các dịch vụ này được gọi là OTT - dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người dùng thông qua Internet.

Sự tiện lợi của app OTT là có thể sử dụng trên nhiều loại thiết bị, có khả năng gửi ảnh, video, tệp tin, gọi điện video không mất phí, với điều kiện Internet lúc nào cũng phải sẵn sàng. Tuy nhiên, sau một lần bị khóa tài khoản Facebook và mất hết các cuộc trò chuyện cũ, cộng thêm đợt khóa Messenger này, anh Minh dần giảm sự tin tưởng vào ứng dụng vì không minh bạch trong việc thực thi các chính sách cộng đồng, hỗ trợ kém.

Tương tự, Lê Dũng, nhân viên kinh doanh của một cửa hàng điện tử, cho biết năm ngoái, trong một lần đi công tác ở vùng sâu vùng xa, anh gần như mất liên lạc vì smartphone chỉ có sóng 2G, không thể gửi tin nhắn OTT, trong khi anh và đồng nghiệp thường chỉ trao đổi qua nhóm chat, không có thói quen lưu số điện thoại của nhau.

Tuần này, Dũng cũng lại bị chặn sử dụng Messenger trong một tháng. "Rao bán hàng trên Facebook nhưng khách nhắn lại chẳng thể trả lời. Tôi phải vào trang cá nhân của họ, để lại số điện thoại trong phần bình luận, dù đây vốn là điều tối kỵ trong bán hàng", anh kể.

Tham gia nhiều nhóm chat Messenger, anh cũng không thể đề nghị mọi người chuyển sang lập nhóm mới trên ứng dụng khác theo mình được, trong khi phải gần bốn tuần nữa anh mới có thể gia nhập trở lại.


Một người dùng gọi điện bằng ứng dụng OTT. Ảnh: Lưu Quý


Một người dùng gọi điện bằng ứng dụng OTT. Ảnh: Lưu Quý


Theo thống kê của We Are Social tháng 2, các ứng dụng OTT phổ biến ở Việt Nam là Messenger, Zalo, Telegram và Viber. Tuy nhiên, không phải phần mềm nào cũng hoạt động ổn định.

Ứng dụng Zalo từng gặp sự cố kéo dài vài giờ hồi tháng 11/2022, khiến nhiều người bị cắt đứt liên lạc giữa trưa. Nền tảng này cũng bị phàn nàn về tình trạng không đồng bộ dữ liệu, mất tệp tin trong đoạn chat. Còn Messenger phụ thuộc vào tài khoản Facebook và thường xuyên chịu ảnh hưởng của sau mỗi đợt quét. Trong khi đó, một số người dùng Telegram tại Việt Nam cũng từng phản ánh việc không nhận được tin nhắn xác thực khi đăng nhập.

"Với OTT, nhất là dịch vụ từ nước ngoài, gần như không thể khiếu nại khi có sự cố và buộc phải theo luật chơi của họ", Dũng nói.

Đây cũng là vấn đề được Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là quan trọng và được đưa vào dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Theo đó, dịch vụ OTT cung cấp tính năng tương tự dịch vụ viễn thông như gọi điện, nhắn tin cần được coi là dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet và cần được quản lý.

Tại cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo cuối tháng 3, đại diện Cục Viễn thông đánh giá người dùng ngày càng phụ thuộc vào ứng dụng OTT. Từ sự phụ thuộc này, Cục đặt ra những tình huống như khi nền tảng có nhiều người dùng, nhưng lại không chịu sự quản lý, sẽ gây ảnh hưởng đến hàng triệu người nếu gặp vấn đề.

"OTT có khả năng thay thế dịch vụ viễn thông và nhiều tính năng hơn dịch vụ truyền thống. Dần dần, có thể chúng ta sẽ không sử dụng điện thoại và tin nhắn qua sim nữa, mà dùng toàn bộ ứng dụng OTT. Như vậy, dịch vụ này có tác động lớn đến người dùng, do đó cần quản lý", ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Viễn thông, nói.

Với OTT viễn thông có thu cước, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất nhà cung cấp trong nước phải có giấy phép, còn nhà cung cấp xuyên biên giới phải thông qua thỏa thuận thương mại với một nhà cung cấp đã được cấp phép trong nước. Trường hợp không thu cước vẫn cần thông báo, đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông. Riêng nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có quy mô lớn tại Việt Nam, ví dụ theo số người sử dụng, phải có thỏa thuận thương mại hoặc đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến quyền lợi người sử dụng và bảo đảm tuân thủ pháp luật.

Năm ngoái tại Hàn Quốc, sự cố với ứng dụng KakaoTalk khi trung tâm dữ liệu bị cháy cũng đặt ra câu hỏi về sự quá phụ thuộc của người dùng vào ứng dụng OTT. Khi đó CNBC đánh giá cú sập đã phơi bày nhược điểm của chính sự tiện dụng "mọi thứ trong một". Người dùng sẽ gặp nhiều phiền phức, bị động, thậm chí là hoảng loạn nếu nền tảng đó gặp vấn đề không thể truy cập.
 
Bên trên