Quán bún thang lươn Hưng Yên hiếm hoi ở Hà Nội, ngày bán 700 bát

Võ Xuân Trường

Well-known member
Quán bún thang lươn Hưng Yên hiếm hoi ở Hà Nội, ngày bán 700 bát

Quán bún thang lươn trên đường Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội) thu hút nhiều thực khách bởi hương vị lạ miệng. Ngày cao điểm, quán ăn có thể bán tới 700 bát.
Quán bún thang lươn Hưng Yên hiếm hoi ở Hà Nội, ngày bán 700 bát
Mỗi bát bún thang lươn tại quán dao động từ 50.000 đến 100.000 đồng. Ảnh: Nhật Minh
Chủ quán bún thang lươn - chị Đoàn Thị Thu Huyền (33 tuổi) cho biết, trong một lần về thăm quê chồng ở Hưng Yên, chị Huyền có cơ hội thưởng thức và đặc biệt ấn tượng với món bún thang lươn. Sau đó, chị quyết định học nghề để mở bán món ăn tại Hà Nội.
“Mình ấn tượng với món ăn bởi hương vị đậm đà, mới lạ nên mình muốn đem đặc sản quê hương tới với nhiều người dân hơn” - chị Huyền chia sẻ.
Khác với bún thang Hà Nội, món bún thang Hưng Yên được ăn cùng với lươn thay vì thịt gà. Về phần thịt lươn, chị Huyền nhập loại lươn đồng để có phần thịt săn chắc. Sau đó, chị sẽ loại bỏ toàn bộ phần xương sống rồi làm sạch và khử mùi tanh.
Tiếp đến, chị Huyền tẩm ướp lươn cùng nghệ và một số gia vị theo bí quyết gia truyền. Cuối cùng, lươn được chiên ở nhiệt độ vừa đủ để bên trong giữ được độ mềm còn bên ngoài có độ giòn vừa phải.
Phần lươn tại quán được tuyển chọn kĩ càng để có phần thịt săn chắc. Ảnh: Nhật Minh
Phần lươn tại quán được tuyển chọn kĩ càng để có phần thịt săn chắc. Ảnh: Nhật Minh
Theo nữ chủ quán, nước dùng là phần quan trọng, tạo nên sự khác biệt của món ăn. Về phần nước dùng, chị Huyền sử dụng nhiều nguyên liệu như sá sùng, tôm khô, xương lợn, nước dừa và nhiều gia vị khác.
“Mình thường phải nấu nước ninh xương trong 24 giờ để tạo được độ ngọt tự nhiên. Sau đó gia giảm thêm các nguyên liệu để có hương vị đậm đà, dễ ăn” - chị Huyền nói.
Nước dùng tại quán được ninh trong nhiều giờ đồng hồ để có vị ngọt tự nhiên. Ảnh: Nhật Minh
Nước dùng tại quán được ninh trong nhiều giờ đồng hồ để có vị ngọt tự nhiên. Ảnh: Nhật Minh
Bên cạnh đó, bún thang lươn được ăn kèm với các đồ ăn khác như thịt ba chỉ chiên giòn, trứng thái sợi, giò lụa. Với thịt chiên giòn, chị Huyền phải chọn phần thịt tươi đạt chuẩn, sau đó thái thành nhiều miếng nhỏ, vừa ăn. Tiếp đến, thịt được tẩm ướp và chiên ở nhiệt độ vừa đủ đến khi săn lại, không bị vỡ vụn.
Từng phần topping được đựng trong các khay riêng để đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Nhật Minh
Từng phần topping được đựng trong các khay riêng để đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Nhật Minh
Ngoài ra, bún thang lươn được ăn kèm với thịt ba chỉ chiên, giò lụa và trứng thái sợi. Ảnh: Nhật Minh
Ngoài ra, bún thang lươn được ăn kèm với thịt ba chỉ chiên, giò lụa và trứng thái sợi. Ảnh: Nhật Minh
Một bát bún thang lươn tại quán dao động từ 50.000 - 100.000 đồng. Mỗi ngày, chị Huyền thường bán được từ 500 - 600 bát bún, ngày cao điểm có thể lên tới 700 bát.
Anh Lê Như Cường (32 tuổi, Thanh Xuân) ấn tượng với hương vị nước dùng đậm đà, lạ miệng tại quán. “Nước dùng của món bún thang lươn này khá đậm đà, có vị ngọt nhẹ, phù hợp để ăn cùng các loại rau sống. Còn phần thịt lươn thì mềm và thơm” - anh Cường nói.
Ngoài quán trên đường Nguyễn Tuân này, thực khách ở Hà Nội muốn thưởng thức bún thang lươn Hưng Yên có thể tìm đến vài địa chỉ khác như quán ở phố Tú Mỡ (quận Cầu Giấy), phố Hoàng Minh Đạo (quận Long Biên)...
 
Bên trên