Ra mắt bộ sách xưa lưu giữ hồn Việt

Tường Vy

Well-known member
Bộ "Chuyện đời xưa", "Chuyện giải buồn", "Chuyện cười cổ nhân" giới thiệu truyện dân gian, giúp phổ biến chữ Quốc ngữ và gìn giữ văn hóa.

Bộ ba tác phẩm của nhà văn hóa, nhà ngôn ngữ học uy tín gồm Trương Vĩnh Ký, Vương Hồng Sển và Huỳnh Tịnh Của. Ở trang đầu Chuyện đời xưa, tác giả Trương Vĩnh Ký cho biết ông "lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích" để đưa vào sách. Trong số 74 câu chuyện, bạn đọc có thể thấy một số truyện quen thuộc, như Ông Cống Quỳnh, Mưu trí hơn là sức mạnh, Thằng khờ đi mua vịt, do tác giả dày công sưu tập về cách ăn ở, ứng xử trong đời.

Bộ ba sách của các tác giả. Ảnh: NXB Trẻ


Bộ ba sách của các tác giả.





Skip in 5



CÓ C2 MÁT LÀNH, SAO PHẢI GẮT?
facebook.com
Tìm Hiểu Thêm


Theo nhà xuất bản, giá trị trong cuốn sách nằm ở độ hiếm của các câu chuyện sưu tầm và ngôn ngữ miền Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ban đầu, Trương Vĩnh Ký viết sách để "con nít tập đọc chữ Quốc ngữ, cùng là có ý cho người ngoại quốc muốn học tiếng An Nam, coi mà tập hiểu cho quen". Về ngôn ngữ, tác giả tự đánh giá: "Người ta dùng sách này mà học tiếng thì lấy làm có ích, vì trong ấy cách nói là chính cách nói tiếng An Nam ròng, có nhiều tiếng, nhiều câu thường dùng lắm".

Truyện cười cố nhân của Vương Hồng Sển gồm 203 truyện, tổng hợp từ 43 sách và tài liệu tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, có nhiều cuốn trong đó hiện đã tuyệt bản. Điểm đắt giá trong sách là những lời bàn, bản gốc, tư liệu tham khảo, giải thích từ ngữ. Ví dụ, trong bài Mảng lo viết văn dịch từ bản tiếng Pháp, tác giả trình bày ba bài văn Pháp để bạn đọc tiện so sánh đối chiếu. Hoặc ở Giấu cày, Vương Hồng Sển đối chiếu phiên bản bằng tiếng miền Nam và miền Bắc. Trong bài Uống rượu bằng chén, ông còn giải thích thêm về "chén hạt mít", "chén mắt trâu", "chén tốt, chén quân, chén tống".

Chuyện giải buồn của tác giả Huỳnh Tịnh Của, dày 204 trang. Ảnh: NXB Trẻ

"Chuyện giải buồn" của tác giả Huỳnh Tịnh Của, dày 204 trang.

Chuyện giải buồn của Huỳnh Tịnh Của gồm 112 truyện, chuyển thể từ những chuyện chữ Hán hoặc các việc xảy ra tại giai đoạn tác giả sống. Tác phẩm giữ nguyên bản từ ngữ Nam Bộ và cách hành văn ở thời điểm viết sách. Điều này giúp độc giả tiếp cận và hiểu thêm về ngôn ngữ vùng đất khai phá thời kỳ nửa sau thế kỷ 19. Sách là những câu chuyện nhẹ nhàng, ý nhị dùng làm bài học khuyên đời. Tác giả viết với ngôn ngữ đời thường để phù hợp dân trí và nhận thức của người dân Nam Bộ thời kỳ đó. Đoạn cuối hoặc câu cuối mỗi truyện thường là lời đúc kết, thông điệp Huỳnh Tịnh Của muốn truyền tải.

Ngoài việc sưu tầm nhiều chuyện kể lưu truyền trong dân gian, bộ ba sách truyền tải bài học về đối nhân xử thế, phản ánh phong tục, cách nghĩ, lời ăn tiếng nói của người dân. Tác phẩm còn mang lại những tiếng cười hài hước lẫn châm biếm. Ví dụ, trong phần Ý sách chuyện đời xưa, Trương Vĩnh Ký mô tả đây là "những chuyện kẻ lớn trước ta bày ra để mà khen sự tốt, chê sự xấu cho người ta sửa cách ăn, nết ở cho tử tế". Trong đó, nhiều mẩu chuyện đả kích sự hà tiện, tính cậy mạnh, thói tham lam, sự dốt mà hay nói chữ, dối trá, việc vong ân phụ nghĩa, tật sợ vợ, thói biếng nhác, nghề ăn trộm.

Chuyện đời xưa do Trương Vĩnh Ký biên soạn, dày 136 trang. Ảnh: NXB Trẻ

"Chuyện đời xưa" do Trương Vĩnh Ký biên soạn, dày 136 trang.

Bên cạnh đó, sách đưa vào nhiều truyện lồng ghép thông điệp về lòng dũng cảm, lối sống "uống nước nhớ nguồn". Trong lời kết Chuyện đời xưa, tác giả nhận định: "Ở đời biết là mấy người bạc tình, đặng chim bẻ ná, đặng cá quên nơm? Chẳng những là bội ơn mà thôi, mà lại dĩ ơn báo oán nữa. Mấy người làm vậy bụng dạ dày vò, chẳng người thì trời cũng hại nó đi có thuở. Hễ làm lành thì gặp lành, mà làm dữ thì gặp dữ, chẳng chầy thì kíp, chạy đàng trời không khỏi. Làm ơn mắc oán sự thường. Nhưng vậy ơn cũng chẳng mất đi đâu, làm sao cũng sẽ trả, chẳng người nầy thì người khác, chẳng thế nầy thì thế khác. Nên ai cứ làm lành thì sẽ gặp lành".

Bộ sách đưa người đọc quay về quá khứ, quan sát đời sống của người dân Việt Nam nhiều thế kỷ trước. Trong đó, tác giả mô tả tập tục, nếp sinh hoạt, các nghề nghiệp và các mối quan hệ xã hội. Khi đó, vua quan cai trị và con dân tuân phục, bá hộ ăn trên ngồi trốc và đầy tớ hầu hạ, ngoài ra còn có ông đồ và các anh học trò. Trong đời sống thường ngày, người dân hiếu với cha mẹ, chung thủy với vợ chồng, gắn bó với cái cày và con trâu, con chó, thường xuyên phải đối đầu với rắn, sấu, cọp beo, và có đời sống tâm linh phong phú, như tin vào ma quỷ, thần linh.

Vương Hồng Sển (1902-1996) bút hiệu Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai. Ông được xem là người có hiểu biết sâu rộng trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam. Khi qua đời, ông tặng Vân đường phủ và 849 cổ vật trong bộ sưu tập đồ cổ của mình cho nhà nước, với hy vọng thành lập một bảo tàng mang tên ông. Nhiều tác phẩm của Vương Hồng Sển thuộc dạng hồi ký, bút ký, là nguồn tư liệu cho thấy đời sống, văn hóa người Việt.

Học giả Vương Hồng Sển (1902-1996). Ảnh: NXB Trẻ

Học giả Vương Hồng Sển (1902-1996).

Huỳnh Tịnh Của hay Huình Tịnh Của (1830-1908), còn gọi là Paulus Của, hiệu Tịnh Trai, là một nhà văn hóa học và ngôn ngữ học. Huỳnh Tịnh Của có đóng góp xuất sắc trong việc nghiên cứu, phát triển và truyền bá chữ Quốc ngữ trong giai đoạn đầu, đặc biệt là ở Nam Bộ. Ông viết nhiều bài khảo cứu về các cổ tích, khoa học phổ thông, sưu tập thi ca cũ, đồng thời phiên dịch các bài diễn văn, nghị định, công văn bằng tiếng Pháp ra Việt văn. Đồng thời, tác giả còn phiên âm, biên tập vốn văn chương cổ như truyện thơ Nôm, thơ văn cũ Nam Kỳ và xuất bản để phổ biến rộng rãi.

Trương Vĩnh Ký (1837-1898), hồi nhỏ tên là Trương Chánh Ký, sau đổi tên đệm thành Trương Vĩnh Ký, hiệu Sĩ Tải. Ông là học giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học và khảo cứu văn hóa của Việt nam trong thế kỷ 19. Tác giả để lại hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, đại lý, từ điển và dịch thuật. Với báo chí trong nước, Trương Vĩnh Ký được coi là người tiên phong do sáng lập Gia Định Báo - tờ báo đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ.
 
Bên trên