Rắc rối khi đăng nhập VNeID trên điện thoại mới

Từ Minh Quân

Well-known member
Điện thoại hỏng, Minh Thư (TP HCM) phải đổi máy, nhưng khi đăng nhập tài khoản VNeID, ứng dụng lại gửi OTP về thiết bị cũ.

Minh Thư, nhân viên văn phòng tại TP HCM, cho biết quá trình chuyển dữ liệu sang điện thoại mới không khó vì toàn bộ đã được sao lưu trên iCloud. Các ứng dụng ngân hàng, mạng xã hội chỉ cần truy cập lại bằng mật khẩu và mã OTP gửi đến số điện thoại đã đăng ký trước đó. Tuy nhiên, ứng dụng định danh điện tử VNeID yêu cầu OTP gửi về máy cũ.

"Điện thoại cũ của tôi không lên nguồn, không dùng được nữa. Nếu lấy được OTP, tôi đâu cần đổi máy", Thư nói.

Người dùng thắc mắc về cách đăng nhập VNeID khi ứng dụng gửi OTP về điện thoại đã mất. Ảnh: Khương Nha

Người dùng thắc mắc về cách đăng nhập VNeID khi ứng dụng gửi OTP về điện thoại cũ. Ảnh: Khương Nha

Trong khi đó, độc giả Tony Luong phản ánh anh vẫn dùng điện thoại hiện tại, nhưng sau khi khôi phục cài đặt gốc và đăng nhập, ứng dụng lại hiển thị thông báo phải xác thực từ máy cũ.

Còn Tuệ Minh ở Đồng Nai cho biết mẹ cô không sử dụng điện thoại thông minh nên đã được công an khu vực hỗ trợ kích hoạt tài khoản và định danh mức một. Cô mới mua smartphone cho mẹ, nhưng khi vào VNeID, ứng dụng gửi mã đến thiết bị cũ. Thư liên hệ người đã kích hoạt giúp tài khoản nhưng người này cũng không nhớ đã thao tác trên máy nào.

Trong một nhóm người dùng VNeID hơn 13,5 nghìn thành viên trên Facebook, nhiều người phản ánh tình huống tương tự. Trên hai kho ứng dụng Google và Apple, hàng loạt đánh giá một sao dành cho VNeID liên quan đến tính năng gửi mã về điện thoại cũ gây khó khăn.

Theo quy định của Bộ Công An, tài khoản định danh điện tử chỉ được đăng nhập trên một thiết bị tại một thời điểm, tức không thể vào một tài khoản VNeID trên hai thiết bị điện tử cùng lúc.

Khảo sát trên VnExpress ngày 9/6 cho thấy có tới 96% trong số hơn 2.600 người tham gia nói từng gặp rắc rối với ứng dụng dịch vụ công như VNeID và VssID. Chỉ 4% đã khắc phục được vấn đề.

Cách đăng nhập VNeID khi không còn thiết bị cũ

Trong trường hợp cần đăng nhập trên thiết bị mới nhưng không thể nhận OTP từ máy cũ, người dùng có thể dùng giải pháp NFC trên smartphone, quét chip trên Căn cước công dân theo hướng dẫn sau:

Bước 1:Tải ứng dụng VNeID trên điện thoại mới

Bước 2: Chọn đăng nhập bằng số CCCD và mật khẩu

Bước 3: Ứng dụng hiển thị thông báo bạn đang đăng nhập trên thiết bị mới. Bấm xác nhận để tiếp tục

Bước 4: Chọn "Xác thực NFC bằng thẻ CCCD gắn chip"

Bước 5: Xem hướng dẫn xác thực NFC -> Tiếp tục -> Đưa điện thoại gần CCCD gắp chip để đọc NFC

Bước 6: Khi đọc NFC thành công, ứng dụng sẽ hiển thị giao diện kích hoạt trên thiết bị và hệ thống sẽ gửi mã OTP về smartphone mới.

Tuy nhiên, Minh Anh (Hà Nội) và một số người khác cho biết đã dùng CCCD gắn chip để xác thực qua NFC nhưng không dễ dàng. Hệ thống liên tục báo lỗi, phải quét hàng chục lần mới thành công.

Theo ông Đỗ Quân, giám đốc công ty chuyên cung cấp giải pháp công nghệ ở TP HCM, về lý thuyết, thiết bị đọc NFC như iPhone và nhiều điện thoại Android hoạt động khá ổn định. "Nhưng để việc quét chip NFC được mượt mà, cần có sự đồng bộ về cả phần cứng lẫn phần mềm", ông nói.

Trong khi đó, độc giả nguyentuanlong2410 cho hay: "Đăng nhập trên điện thoại mới vì máy cũ bị dính mưa, VNeID báo phải vào thiết bị cũ để lấy mã. Còn điện thoại mới lại không có NFC để quét thẻ gắn chip".

Với trường hợp smartphone không đọc được NFC, người dùng có thể mượn điện thoại khác có tính năng NFC và thao tác theo các bước trên để lấy OTP rồi mở trên thiết bị của mình. Sau đó, người dùng cần đăng xuất khỏi điện thoại vừa mượn bằng cách vào mục Cá nhân -> Quản lý thiết bị -> Hủy liên kết.

Nếu không mượn được thiết bị đọc NFC, người dùng nên trực tiếp đến trụ sở công an để được hỗ trợ.
 
Bên trên