Rau choại - từ cây mọc dại đến đặc sản nức tiếng miền Tây

Võ Xuân Trường

Well-known member
Rau choại - từ cây mọc dại đến đặc sản nức tiếng miền Tây

Chút giòn của rau tươi, pha lẫn mùi thơm và xíu nhờn đặc trưng từ rau choại sẽ làm mềm lòng thực khách khi đến miền Tây sông nước.
Loài rau lạ mắt, lạ tai
Có lẽ rau choại là loài rau mà tên gọi và hình dáng đều gây sự tò mò, thú vị bậc nhất trong danh sách họ hàng nhà rau ở vùng sông nước Nam Bộ. Trước hết là lạ ngay từ cái nhìn bên ngoài. Thật vậy, hình dáng cây choại khá ngộ nghĩnh. Đọt non có màu đỏ nâu, dạng uốn cong và cuộn chặt nhiều vòng, thân dưới cuộn xoắn mềm như hình trôn ốc. Khi đọt non phát triển, các vòng tháo dần ra và lá chuyển dần sang màu xanh.
Đọt choại non có hình dạng uốn cong lạ mắt. Ảnh: Lục Tùng.
Đọt choại non có hình dạng uốn cong lạ mắt. Ảnh: Lục Tùng.
Cây choại là loài thân dây, khá mảnh khảnh, nhưng lại có khả năng leo cao, vươn xa ngang tầm với nhiều loài danh mộc cổ thụ. Tại các khu đất ngập nước thuộc Rừng tràm Trà Sư (An Giang), vùng U Minh Thượng (Kiên Giang), nhiều nơi cây choại vươn dài tận 15m - 20m.
Trái với sự non mềm khi ở tuổi đọt, khi già, thân dây choại cứng dẽo và rất bền chắc. Đặc biệt, loài rau dại này chịu nước nên người dân miền Tây thường dùng làm dây bện các loại ngư cụ đánh bắt thủy sản.
g
Rau choại trưởng thành ngã màu xanh. Ảnh: Lục Tùng.
Cây choại còn là loài rau có nhiều đặc biệt về danh xưng. Cho đến nay, nhiều người, kể cả người miền Tây kỳ cựu, vẫn chưa lý giải một cách thuyết phục ý nghĩa và nguồn gốc của từ “choại”. Thậm chí, đây còn là loài rau nằm trong danh sách có nhiều cách gọi tên nhất ngay trong lời ăn tiếng nói của cộng đồng miền Tây, bởi có khi gọi chệch đi là “chại”, “trại”, “chạy”...
Do được sử dụng phần đọt làm rau nên nhiều nơi quen gọi là rau choại, đọt choại đến mức xem như danh từ riêng dùng để định danh loài cây thân thảo mọc hoang tại các vùng đất ngập nước này.
g
Cây choại già thường dùng làm dây bện các loại ngư cụ đánh bắt thủy sản. Ảnh: Lục Tùng.
Món ngon miền sông nước
Đọt choại có độ giòn như rau tươi, pha lẫn mùi thơm và vị trơn như đậu bắp và hơn cả đậu bắp vì khả năng thích ứng với nhiều phương thức chế biến món ngon theo phong cách miền Tây Nam Bộ. Chẳng thế mà nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã gọi đọt choại là nguyên liệu có khả năng thích ứng đa dạng trong các món ăn đặc sản miền Tây. Không chỉ được ăn như rau sống, đọt choại còn có thể được chế biến dưới nhiều hình thức như: luộc, xào, hoặc nhúng lẩu.
g
Đĩa rau choại xào giòn, ngọt, rất thơm. Ảnh: Lục Tùng.
Chỉ riêng về luộc, đọt choại lại có khả năng thích ứng với nhiều món chấm như nước tương, chao, hoặc với kho quẹt sền sệt. Riêng với khoản xào thì đọt choại vừa có thể là món độc lập qua hình thức xào tỏi, vừa có thể kết hợp với tép… để tạo ra món đặc sản.
Nhưng có lẽ nhiều người biết và mê đọt choại nhất là khi thứ rau này được ăn kèm với cá kho lạt, hoặc nhúng vào các loại lẩu đặc thù của vùng đất như lẩu mắm kho, canh chua... Hương vị sẽ đem đến những cảm xúc thăng hoa cho bất kỳ thực khách nào một lần thưởng thức đọt chọi kèm bông súng, điên điển chấm với cá linh kho lạt dầm me… Có lẽ do thuộc tính dễ thích nghi của mình mà đọt chọai đã sớm trở thành hình ảnh quen thuộc trong bữa ăn thường ngày của người miền Tây.
g
Bàn ăn đầy ắp những loại đặc sản nước nổi ở miền Tây, trong đó có rau choại. Ảnh: Lục Tùng.
Chính sự bình dị nhưng đầy nét duyên ngon miệng, lạ mắt ấy mà đọt choại được người phương xa háo hức muốn khám phá, trải nghiệm. Nắm bắt xu hướng này, nhiều nhà hàng sang trọng đã đưa loại cây hoang dã vào danh sách đặc sản để phục vụ. Có dịp về miền Tây, xin hãy một lần nếm thử đọt choại để trải nghiệm cảm xúc ẩm thực… để rồi thêm yêu, thêm quý vùng đất phương Nam của Tổ quốc.
 
Bên trên