Sa Pa - xứ sương mù tỉnh giấc

Nguyệt Phan

Well-known member
Những ngày đầu mới tái lập tỉnh, năm 1991, tỉnh Lào Cai nằm trong số 6 tỉnh nghèo nhất cả nước, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 36 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người mới đạt 680.000 đồng một người mỗi năm. 50% số hộ dân Sa Pa vẫn thuộc diện hộ nghèo. Năm 2011, theo chuẩn nghèo mới, toàn tỉnh vẫn còn gần 43% hộ nghèo, hơn 14% hộ cận nghèo.
Cái nghèo quẩn quanh những bản làng, nơi người dân bám trụ với nghề bám nương làm rẫy. Nỗi khó khăn, nhọc nhằn tưởng chừng dập tắt ước mơ, hoài bão của những thanh niên dân tộc trẻ tuổi.
Như Má A Tông, chàng trai người H’Mông sinh năm 1990 ôm mộng làm hướng dẫn viên du lịch. Chạy vạy khắp nơi vay tiền để đi học, song vẫn không đủ, A Tông bỏ dở việc học, về Lào Cai làm phu bốc vác, vượt biên sang Trung Quốc làm thuê, làm porter (người thồ hàng) dẫn khách lên đỉnh Fansipan. Dẫu vậy, thu nhập từ những công việc này không đủ để anh chăm lo cho vợ và hai con nhỏ độ tuổi ăn học, chưa kể đến việc trả khoản tiền vài chục triệu đồng.

Giống Má A Tông, Chảo Láo Ú, sinh năm 1996, lớn lên cùng cái nghèo khó ở bản Kim, xã Thanh Bình, Sa Pa. Chưa đầy 20 tuổi, anh đối mặt với nhiều cú sốc của cuộc đời. Mẹ mất năm 2012, đúng thời điểm thi chuyển cấp, thiếu lao động chính, gia đình thường trực bữa đói bữa no. Người vợ trẻ ở bên vun vén, giúp anh hoàn thành bậc học phổ thông. Kế đó, Ú làm thợ xây ở các công trình để mưu sinh.
Biến cố thứ hai ập tới với Ú là khi vợ mang bầu sắp sinh, bị rắn cắn đe doạ tính mạng. Điều khiến Chảo Láo Ú đau xót nhất là để vợ bụng mang dạ chửa vẫn phải lên nương làm rẫy. Nhờ đắp được lá thuốc của người bản, vợ anh qua cơn nguy kịch. Con gái anh khỏe mạnh chào đời. Nhìn đôi bàn tay của vợ đã biến dạng vì rắn độc cắn, Ú nung nấu ý chí - "bằng mọi giá phải kiếm nhiều tiền để vợ con bớt khổ". Nhưng kiếm tiền bằng cách nào, chàng trai trẻ chưa biết sẽ tìm lời giải ở đâu.
Cùng bản với Chảo Láo Ú có Chảo Láo Sử, sinh năm 1992. Chàng trai người Dao lớn lên với ký ức tuổi thơ là những ngày tháng lầm lũi theo mẹ lên nương, với mái nhà không đủ ấm, bữa cơm chưa đủ no. Dù được tuyển thẳng vào Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhưng Láo Sử sớm gác lại giấc mơ đại học để vừa đi làm nuôi gia đình, vừa tiếp tục học Trung cấp Y tế Lào Cai. Sau hai năm, tấm bằng trung cấp không giúp anh có được công việc ổn định, Sử về bản, bươn chải đủ thứ nghề, từ làm nương rẫy, chạy xe ôm, phụ xây…



Tương lai của A Tông, Láo Sử, Láo Ú… cứ ngỡ sẽ tiếp tục tối đen như con đường trải về bản làng vùng cao. Những tất cả đã thay đổi, chỉ vài năm sau đó.
Năm 2014, biết tin công ty Cáp treo Fansipan Sa Pa cần tìm người làm an ninh, trông coi công trình trên đỉnh Fansipan với mức lương tốt, A Tông nộp đơn ứng tuyển. Chàng trai bản địa nhanh chóng được lựa chọn, nhờ thông thạo địa hình, khí hậu Sa Pa.
Từ đây, anh cùng hàng nghìn kỹ sư, công nhân Sun Group và hàng trăm đồng bào dân tộc thiểu số khác tham gia chuyến hành trình xây dựng cáp treo Fansipan.
Những người đàn ông làm cáp ấy đã có 800 ngày đêm làm việc không nghỉ ngơi, để đặt 6 trụ cáp (bao gồm cả hai ga đi và đến) lên rừng, với diện tích vài trăm mét vuông. Họ từng phải làm việc trên những vách núi dựng đứng của đỉnh Fansipan, đối chọi với cái giá lạnh thấu xương, thường trực những giấc ngủ chập chờn, nằm lòng cách thức sinh tồn với rắn, rết…

Cáp treo Fansipan, với người Sun Group, là công trình “vô tiền khoáng hậu”, bởi quá trình thực hiện nó quá vất vả. Từ ban đầu, chủ đầu tư này đã xác định, họ sẽ không xâm phạm vào hệ sinh thái rừng Hoàng Liên. Bởi vậy, có tới 35.000 tấn vật liệu đã được vận chuyển thủ công xuyên qua rừng, thay vì chặt cây mở đường, như cách các dự án cáp treo khác từng được thực hiện ở châu Âu. Hàng nghìn con người cõng đá lên lưng chừng trời như những đàn kiến cần mẫn xây tổ, thay vì dùng các giải pháp máy móc, trực thăng… Bởi tất cả đều vô hiệu trước địa hình, khí hậu Sa Pa.

Các chuyên gia Doppelmayr Garaventa - công ty sản xuất cáp treo lớn nhất thế giới từng tuyên bố, họ sẽ “không làm một công trình thứ hai như vậy do quá vất vả về địa hình, thời tiết, khí hậu và con người”.
Năm 2016, tuyến cáp treo Fansipan được khánh thành, xác lập kỷ lục là “cáp treo ba dây dài nhất thế giới”, “cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới”. Công trình giúp du khách rút ngắn thời gian chinh phục “nóc nhà Đông Dương” từ 2 đến 4 ngày xuống còn 15 phút.
Tuyến cáp treo và những công trình thuộc quần thể Sun World Fansipan Legend khi đó, góp phần mở ra chương mới cho du lịch Sa Pa.

Còn với những người dân bản địa như Má A Tông, có niềm vui thiết thực hơn. 5 năm làm việc cho Công ty Cáp treo Fansipan, gia đình anh có đồng ra đồng vào. Chàng trai dân tộc Mông trở thành một trong những người đầu tiên được nhận căn nhà theo chương trình “Mái ấm mừng xuân” của Sun Group. Ngày anh nhận nhà, cả thôn Sa Pả vui mừng. Trong ánh mắt chàng trai sinh năm 1990 là cả sự trân trọng dành cho công ty, nơi anh coi là “ngôi nhà thứ hai” của mình.

Sun World Fansipan Legend hình thành cũng mang tới công việc ổn định cho Chảo Láo Sử. 6 năm trước, anh khởi đầu với vị trí phụ bếp trong nhà hàng thuộc khu du lịch. Mức lương đủ để mang lại cuộc sống tốt hơn cho gia đình nhỏ của anh. Nhờ sự cần cù, đôi tay khéo léo, anh dần được chuyển thành bếp chính trong nhà hàng, với thu nhập tốt hơn.
Kinh tế gia đình Chảo Láo Ú cũng được cải thiện tích cực khi anh làm việc tại khu du lịch Sun World Fansipan Legend. Xin vào nhà hàng từ công việc tạp vụ, dần dà anh được chuyển lên làm phụ bếp món Á, món Âu và giờ chuyên làm bánh. Năm 2020, Chảo Láo Ú cũng có tên trong danh sách những cán bộ, nhân viên được Sun Group hỗ trợ xây nhà. Ngôi nhà khang trang, hiện đại mang tới những động lực và niềm vui mới cho gia đình anh.

Đến nay, Sun World Fansipan Legend đã tạo ra công ăn việc làm, là ngôi nhà thứ hai của gần 200 cán bộ công nhân viên người dân tộc thiểu số. Có công việc ổn định, kinh tế các gia đình được cải thiện, đời sống người dân sang trang mới.
Giai đoạn 5 năm (2015 - 2020), thị xã Sa Pa đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13,42%. Thu nhập bình quân của người dân tăng 19,98 triệu đồng, đạt 42,5 triệu đồng mỗi năm, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) bình quân đạt 85,5 triệu đồng một năm, tăng 1,8 lần.





Chứng kiến nơi "chôn rau cắt rốn" đổi thay từng ngày sau sự hình thành cáp treo Fansipan, thêm nhiều khách sạn, nhà hàng 5 sao, chàng trai kiệm lời Chảo Láo Sử không giấu được sự tự hào.
“Trước kia, người Sa Pa phấn đấu đủ ăn, đủ mặc. Thì nay, họ ăn ngon, mặc đẹp, hướng tới cuộc sống văn minh”, Sử đúc kết ngắn gọn về sự đổi thay của người Sa Pa, nhờ sự thăng hoa của ngành du lịch.
Trong lễ kỷ niệm 5 năm hình thành cáp treo Fansipan, ông Vương Trinh Quốc, chủ tịch UBND thị xã Sa Pa đánh giá, sự ra đời và phát triển đồng bộ của khu du lịch, đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai và cơ sở hạ tầng trên địa bàn thị xã Sa Pa đã không chỉ tạo ra việc làm trực tiếp, mà còn góp phần phát triển mạnh các dịch vụ phụ trợ như vận chuyển, hàng hóa, lưu trú và vành đai thực phẩm vùng nông thôn.
Đặc biệt, lực lượng lao động được đào tạo chuyên nghiệp, làm việc trong môi trường cao cấp đã góp phần nâng cao trình độ, nhận thức của người dân tham gia hoạt động du lịch, góp phần thay đổi bộ mặt của ngành du lịch địa phương.
Sự ra đời của quần thể khu du lịch Sun World Fansipan Legend đã mang tới những kỳ tích cho du lịch Sa Pa. Giai đoạn 2016-2019, lượng khách tới Lào Cai tăng 144%. Cuối năm 2019, doanh thu từ du lịch của tỉnh là 19.200 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm 2016.

Trong năm 2020, khi ngành du lịch thế giới chao đảo vì đại dịch, thị xã Sa Pa lại vào top những điểm đến mới nổi lại châu Á, tiếp tục được xướng tên với hai giải thưởng tại WTA 2020: Điểm du lịch văn hóa hấp dẫn và Điểm du lịch có thắng cảnh thiên nhiên hấp dẫn. Hậu Covid-19, trong khi nhiều thành phố, điểm đến du lịch khác còn loay hoay với bài toán thiếu hụt “chất” và “lượng” nhân lực ngành du lịch, thì thị xã Sa Pa, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cách làm du lịch đồng bộ, bài bản vẫn đáp ứng nhu cầu của đông đảo du khách.
9 tháng đầu năm 2022, thị xã Sa Pa mất gần 3 tháng chịu ảnh hưởng của đại dịch. Song ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch nhanh chóng phục hồi. Trung bình, mỗi tuần Sa Pa đón khoảng trên 62.000 lượt khách, có những tuần trên 80.000 lượt – thậm chí cao hơn thời điểm ổn định năm 2019. Tổng lượng khách đến Sa Pa tính đến tháng 9 tháng ước đạt 2 triệu lượt, doanh thu từ khách du lịch đạt gần 6.000 tỷ đồng. Các chỉ số đều tăng gấp đôi cùng kỳ.
Chính sự đoàn kết, chung tay của chính quyền và các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các cơ sở lưu trú đã tạo lực cộng hưởng nâng tầm du lịch địa phương.


Ông Nguyễn Xuân Chiến – Chủ tịch Sun Group Vùng Tây Bắc cho biết, doanh nghiệp đã cùng Hiệp hội Du lịch Sa Pa, chính quyền địa phương xác lập mục tiêu, xây dựng các kế hoạch, chương trình kích cầu lớn như “Sa Pa - Bay giữa mùa hoa”, “I love Sapa – Tôi yêu Sa Pa” mùa 1, 2, 3. Các hoạt động thu hút lượng du khách khổng lồ đến với Sa Pa, đem lại lợi ích chung cho du lịch và kinh tế thị trấn mờ sương.
“Bên cạnh đó, cách làm du lịch văn minh, chuyên nghiệp, nề nếp của Sun World Fansipan Legend đi đầu cũng được lan tỏa, dần xóa bỏ tình trạng manh mún, thiếu chuyên nghiệp trước đây”
 
Bên trên