Sạc dự phòng trong suốt 20.000mAh chỉ 200k, có gần 1 triệu lượt bán trên Shopee: thực tế ra sao?

Thanh Thúy

Well-known member
Nhắc đến sạc dự phòng, chắc hẳn chúng ta không còn xa lạ những cái tên như Xiaomi, ANKER hay UGREEN. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn rất nhiều cái tên trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Đáng chú ý, các mẫu sạc dự phòng của những thương hiệu này có cả hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu lượt bán trên Shopee hay TikTok Shop. Vậy thì chất lượng thực sự của những sản phẩm này sẽ ra sao?

Sạc dự phòng trong suốt 20.000mAh chỉ có giá 200 nghìn đồng
Nếu tìm kiếm từ khoá sạc dự phòng, Shopee sẽ trả rất nhiều kết quả về một chiếc sạc dự phòng không dây. Dù có giá chỉ từ 150 – 200 nghìn đồng, thế nhưng sản phẩm được quảng cáo với rất nhiều “mỹ từ” khác nhau. Chẳng hạn, mẫu sạc này có dung lượng lên đến 20.000mAh, công suất tối đa lên đến 120W cùng thiết kế trong suốt đẹp mắt, nổi bật.

Dù có cả hàng trăm nghìn lượt bán, thế nhưng phần lớn đây là những lượt mua ảo
Mình đã thử mua một mẫu sạc dự phòng như vậy với giá 199 nghìn đồng trên Shopee. Nhìn từ bên ngoài, sản phẩm có thiết kế rất độc đáo với mặt trên trong suốt, lộ rõ các chi tiết như mạch hay tụ điện bên dưới. Viền các cổng sạc hay dây móc có màu vàng càng khiến sản phẩm trở nên nổi bật hơn.

Thế nhưng, mẫu sạc này thiếu đi một thứ tưởng chừng như phải có: tên sản phẩm. Không có bất cứ thông tin nào liên quan đến thương hiệu hay mẫu mã được in trên thân chiếc sạc này. Tất cả những gì sản phẩm này có là dòng chữ Fast Charge, 120W PD và công suất ở phía mặt sau.


Để kiểm chứng xem chất lượng thực tế của sản phẩm này như thế nào, hãy cùng trả lời ba câu hỏi dưới đây.

Câu hỏi thứ nhất: Dung lượng có đúng là 20.000mAh không?
Câu trả lời là không. Trong phân khúc chỉ 200 nghìn đồng, gần như không có chiếc sạc dự phòng nào có dung lượng lên đến 20.000mAh cả. Thực tế khi cầm nắm, sản phẩm rất nhẹ, có cảm giác bên trong rộng và không chứa nhiều cell pin đến thế.

Mình tiến hành nạp đầy sản phẩm này đến 100% pin, sau đó sạc cho điện thoại đến khi cạn nguồn. Những phần trăm pin đầu tiên trên chiếc sạc này rút rất chậm. Minh chứng, sau khi sạc đầy iPhone 15 Pro (từ 0 – 100%), sản phẩm còn tới 73% pin.


Sau đó, mình sạc cho chiếc Xiaomi Mi 10S từ mốc 4% pin. Khi này, phần trăm pin trên củ sạc dự phòng giảm xuống rất nhanh. Thậm chí, khi điện thoại mới chỉ nạp được 56% pin, sạc dự phòng đã cạn nguồn.

Nếu tính toán, tổng dung lượng pin điện thoại đã sạc dao động từ 5.950 – 6.000mAh. Cộng thêm phần chênh lệch do hao hụt điện áp (thường rơi vào khoảng 40%), dung lượng pin thực tế trên chiếc sạc này đạt 10.000mAh. Con số này chỉ bằng một nửa so với quảng cáo.

Câu hỏi thứ hai: Công suất sạc có đúng là 120W không?
Mặt trước sản phẩm có in một dòng chữ 120W PD rất lớn. Điều này có thể khiến nhiều người dùng nhầm lẫn rằng chiếc sạc dự phòng này có công suất lên đến 120W. Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn ngược lại.

Sản phẩm còn có tới 4 sợi cáp tích hợp sẵn
Đầu tiên, mình sử dụng sản phẩm này để sạc điện thoại bằng cổng USB-C ở mặt bên. Với Google Pixel 4 XL, thiết bị nhận sạc nhanh và công suất đầu ra dao động từ 17 – 18W. Khi sạc với iPhone 15 Pro, công suất đạt được cao hơn một chút, dao động từ 19 – 20W. Mình cũng thử sạc một số mẫu máy Xiaomi khác bằng cổng USB-A bên mặt hông, thế nhưng công suất không khi nào vượt quá con số 20W.

Sạc iPhone 15 Pro bằng cổng USB-C bên cạnh hông
Sạc Google Pixel 4 XL bằng cổng USB-C bên cạnh hông
Ở mặt dưới, chiếc sạc dự phòng này trang bị thêm bốn sợi cáp tích hợp gồm USB-A, USB-C, Lightning và microUSB. Đây là điểm cộng khi người dùng có thể mang sản phẩm đi làm, đi chơi mà không cần chuẩn bị thêm cáp sạc. Thế nhưng, công suất mà sản phẩm này cho ra lại rất thấp. Khi sạc với iPhone 15 Pro, công suất chỉ đạt 7,2 – 7,3W. Với Google Pixel 4 XL, con số này còn thấp hơn với chỉ 6,9W.

Sạc iPhone 15 Pro bằng cổng USB-C tích hợp
Sạc Google Pixel 4 XL bằng cổng USB-C tích hợp
Tóm lại, công suất tối đa mà chiếc sạc dự phòng này cho ra chỉ dao động từ 18 – 20W, thấp hơn đáng kể so với lầm tưởng của nhiều người.

Câu hỏi cuối cùng: Có nên mua sản phẩm này không?
Trước hết, rất nhiều thông số trên chiếc sạc dự phòng này đang được “thổi phồng”. Sản phẩm chỉ có dung lượng pin 10.000mAh, cũng như không thể đạt được công suất lên đến 120W như lầm tưởng.

Khách quan mà nói, trong tầm giá 200 nghìn đồng, sản phẩm vẫn có một số điểm cộng nhỏ. Chẳng hạn, chiếc sạc này có thiết kế rất đẹp với mặt trước trong suốt và các chi tiết được sơn vàng ấn tượng. Thêm vào đó, việc trang bị tới 4 sợi cáp tích hợp cũng giúp quá trình sử dụng trở nên tiện lợi, nhanh chóng hơn.


Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng đây là một sản phẩm không đáng mua. Thứ nhất, mẫu sạc này không có thương hiệu hay mẫu mã. Thứ hai, trên thân sản phẩm không được in bất cứ tiêu chuẩn an toàn hay chống cháy nổ nào. Việc sử dụng mẫu sạc này trong thời gian dài có thể ảnh hưởng xấu đến độ bên điện thoại, thậm chí gây ra các vụ cháy, nổ không mong muốn.

Sạc dự phòng Baseus QPow2 20.000mAh
Thay vào đó, người dùng nên chọn các sản phẩm khác với thương hiệu và mẫu mã rõ ràng. Dù có giá cao hơn, thế nhưng những chiếc sạc đến từ Baseus, UGREEN hay AUKEY có đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn, kết hợp với chính sách bảo hành đầy đủ do là hàng chính hãng.
 
Bên trên