Sắc tố da ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc như thế nào?

Ngọc Vàng

Well-known member
Một nghiên cứu mới đăng tải trên Tạp chí Human Genomics chứng minh rằng, sắc tố da có thể tác động đến độ an toàn và hiệu quả của một số loại thuốc. Điều này đã đặt ra vấn đề về cách chúng ta đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng hiện nay và sự cần thiết của việc đa dạng hóa các đối tượng được thử nghiệm.



Sắc tố da có thể tác động đến độ an toàn và hiệu quả của một số loại thuốc.
Các thử nghiệm lâm sàng đóng vai trò thiết yếu trong việc đánh giá hiệu quả và tính an toàn của thuốc. Tuy nhiên, sự đa dạng về chủng tộc lại chưa được quan tâm đúng mức khi thực hiện những thử nghiệm này. Một phân tích với 32.000 người tham gia thử nghiệm thuốc mới tại Hoa Kỳ trong năm 2020 cho thấy, chỉ 8% là người da đen, 6% là người châu Á, 11% là người gốc Tây Ban Nha và 30% thuộc độ tuổi từ 65 trở lên.
Phó giáo sư Simon Groen - Đại học California, Riverside (Hoa Kỳ) và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu về cách sắc tố da (một khía cạnh của chủng tộc) ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả của thuốc. Họ phát hiện rằng, melanin - sắc tố quyết định màu da, có khả năng liên kết bất ngờ với một số hợp chất thuốc, từ đó ảnh hưởng đến liều lượng và độ an toàn của thuốc. Melanin có tương tác với một số loại thuốc, điều này dấy lên câu hỏi về tính hiệu quả của liều lượng tiêu chuẩn, bởi vì mỗi người có mức độ melanin khác nhau. Các tế bào melanocytes tạo ra melanosomes chứa melanin, sự khác biệt trong kích thước và số lượng của melanosomes ở các lớp da tạo nên sự đa dạng về tông màu. Da tối màu có nhiều melanosomes lớn, trong khi da sáng màu lại chứa các cụm melanosomes nhỏ.
Melanin có 2 dạng chính là: pheomelanin và eumelanin. Eumelanin đặc biệt có vai trò quan trọng trong tương tác thuốc nhờ cấu trúc hóa học của nó, cho phép liên kết với các loại thuốc như cocaine, nicotine và nhiều loại kháng sinh. Ví dụ, clozapine (thuốc điều trị tâm thần phân liệt) có nồng độ trong máu thấp hơn ở người gốc châu Phi so với người gốc châu Âu dù dùng chung một liều.
Mặc dù da là cơ quan lớn nhất của cơ thể, nhưng tiềm năng tương tác giữa melanin và thuốc thường bị bỏ qua. Các nghiên cứu cho thấy, mức eumelanin trong da có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng và phụ thuộc vào nicotine, điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có làn da tối màu khi họ sử dụng miếng dán nicotine để cai thuốc lá. Các nhà khoa học cho rằng, hướng dẫn thử nghiệm lâm sàng hiện tại chưa đủ để giải quyết tác động của sắc tố da đối với tương tác thuốc. Họ đề xuất các công ty dược phẩm nên sử dụng mô da 3D có sắc tố khác nhau để kiểm tra các loại thuốc mới, nhằm đảm bảo tính an toàn và hiệu quả cho mọi loại da.
Kết quả của nghiên cứu đã khẳng định việc xem xét sắc tố da trong phát triển thuốc không còn là lựa chọn, mà là điều bắt buộc trong kỷ nguyên y sinh học mới. Bệnh nhân và người tham gia thử nghiệm lâm sàng cũng được khuyến khích đặt câu hỏi liệu thuốc có được thử nghiệm trên các nhóm sắc tộc khác nhau hay chưa, để nắm rõ hơn về các rủi ro tiềm ẩn. Nếu sắc tố da và nguồn gốc chủng tộc được xem xét ngay từ giai đoạn đầu của quá trình phát triển thuốc thì nhiều nhóm dân số khác nhau sẽ cảm thấy tin tưởng hơn vào quy trình thử nghiệm, từ đó dễ dàng tham gia các thử nghiệm lâm sàng.
Xuân Bình (theo University of California, Riverside)
 
Bên trên