Sách "1% nỗ lực": Phương châm ngược đời để sống an nhàn mà vẫn thành công

Nguyễn May

Well-known member
Dành cho những người luôn "quay cuồng với thời gian và hay âu lo về tương lai", cuốn sách "1% nỗ lực" sẽ mở ra một con đường "ngược đời" để sống nhàn hơn mà vẫn đạt nhiều thành quả.

Được đúc rút từ chính cuộc đời "trật đường ray" mà vẫn tới đích của tác giả Hiroyuki, những kinh nghiệm thực tế trong 1% nỗ lực sẽ giúp độc giả thay đổi tư duy và có cuộc đời đáng sống.

Cuốn sách dày 204 trang, gồm 7 chương, được xem là sách best-seller (bán chạy) của nước Nhật.

Bí quyết "không giống ai" để sống thảnh thơi mà đầy thành tựu

"Bạn đã có tài trốn việc chưa?" - Đó là câu hỏi mở đầu cho cuốn sách này.

Hiroyuki chỉ vào tổ kiến, vốn có hai nhóm: kiến làm việc và không làm việc. Một nhóm cật lực dọn tổ tha mồi, một nhóm cứ tha thẩn dạo chơi và quan sát mà lại tìm được miếng mồi to nhất.

"Hãy là con kiến không làm việc! Khi không bận tâm về tiền bạc và thời gian thì bạn mới thấy được cơ hội!", đó là lời khuyên của tác giả và chỉ có thay đổi tư duy mới làm được điều này.

Sách 1% nỗ lực: Phương châm ngược đời để sống an nhàn mà vẫn thành công - 1

Bìa sách "1% nỗ lực" (Ảnh: NXB Trẻ).

Thay đổi bắt đầu từ việc lật lại câu nói nổi tiếng của Edison: "Thiên tài chỉ có 1% cảm hứng, còn 99% là mồ hôi". Thay vì nghĩ "có công mài sắt có ngày nên kim" như mọi người, Hiroyuki chỉ ra: không có 1% ban đầu thì 99% nỗ lực là vô nghĩa.

Anh thẳng thắn nhìn nhận nếu xuất phát điểm cuộc đời quá cách biệt thì cố gắng mấy cũng khó mà bù đắp, vậy thì phải tập trung xem mình có thể thay đổi được điều gì.

Một trong những điều thay đổi được là cách con người so sánh mình với người khác.

Hiroyuki cho rằng khi được hỏi mình có một món đồ gì mà ai cũng có hay không, thì tâm lý của chúng ta sẽ lập tức thôi thúc phải có món đồ đó, dù rằng nó không thực sự quan trọng, như là cái khay để trứng.

Mỗi khi sắp nổi cơn ghen tỵ với người khác, hãy nhớ: mình cần gì cái khay để trứng? Khi đó bạn sẽ thấy nhẹ nhõm hơn, vì không phải cái gì người khác có thì cũng phù hợp và cần thiết với bản thân.

Tiếp theo, Hiroyuki khuyến khích hãy luôn để rảnh một tay! Chúng ta thường xuyên bị áp lực phải lấp kín thời gian biểu, nhưng đó là sai lầm khiến ta bỏ lỡ nhiều cơ hội và bị kiệt quệ.

Một phần lớn cuốn sách được tác giả dùng để bàn về những ưu tiên và câu chuyện chiếc bình đựng đá, sỏi, cát và nước là một minh họa.

Sau khi bỏ đá to vào bình, vẫn còn chỗ để thêm vào sỏi, cát, và nước, nhưng hòn đá to thì chỉ có thể bỏ vào trước tiên. Theo tác giả, thứ tự ưu tiên là bí quyết giúp chúng ta sống hạnh phúc mỗi ngày.

Với những việc nếu không làm thì sau này không khắc phục được, tác giả khuyên ta nên làm ngay, còn việc để sang ngày mai được thì cứ để đó đã.

Trong thế giới đầy cạnh tranh, con người bị đòi hỏi phải khác biệt để nổi bật. Theo Hiroyuki, biện pháp để làm được điều này là chủ động phát ngôn và xung phong nhận vị trí đặc biệt.

Điều mà tác giả đặc biệt lưu ý là chúng ta phải hiểu rõ bản thân để đưa ra lựa chọn phù hợp với chính mình. Cần thử trải nghiệm cả công việc tay chân và trí óc để biết mình hợp với cái gì hơn mà xác định phương hướng.

Đối với những việc gây stress hoặc những thứ không thể thay đổi bằng ý chí, buông bỏ mới là con đường có lợi nhất. Cần khai phá những điều thú vị, những khác biệt nhỏ trong bản thân và biến chúng thành "vũ khí" để vượt trội.

Ở mọi công việc, mọi vị trí, bạn luôn có thể tìm được niềm vui. Hãy "thử nghiệm" mỗi ngày, biến công việc thành trò chơi có thể từ từ thăng cấp.

Những suy nghĩ thực tế và thẳng thắn của Hiroyuki giúp bạn đọc có chiến lược làm việc phù hợp với bản thân và tranh thủ được các cơ hội trong cuộc sống.

Đây là cách để nỗ lực tối thiểu mà đạt được hiệu quả lớn nhất, đảm bảo cuộc sống thoải mái và nhàn hạ nhưng vẫn có được vị trí vững chắc trên thị trường làm việc.

Sách 1% nỗ lực: Phương châm ngược đời để sống an nhàn mà vẫn thành công - 2

Tác giả Nishimura Hiroyuki (Ảnh: The New York Times).

Câu chuyện khởi nghiệp kiểu "trật đường ray" nhưng vẫn đến đích

Hiroyuki là một nhà khởi nghiệp "không giống ai". Câu chuyện của anh là thành công nhàn nhã với lối tư duy độc đáo, chứa đựng nhiều gợi ý hữu ích cho người muốn khởi nghiệp.

Xuất phát điểm của Hiroyuki là việc xác định rõ mình là ai và mình muốn gì. Là người tò mò, anh lựa chọn trải nghiệm nhiều thứ mới mẻ. Không thích vất vả, anh cho mình nhiều thời gian rảnh rỗi. Không thích đấu đá, anh chọn lĩnh vực ít cạnh tranh. Không thích làm, anh chọn suy nghĩ sâu sắc.

Đặc biệt, Hiroyuki khuyến khích bạn biết thức thời, tìm hiểu thật rõ về thời đại mình đang sống, nắm được những khuynh hướng hiện thời và sắp tới.

Xác định được những công việc bàn giấy chưa chắc đem lại sự ổn định, anh tránh theo đuổi vị trí công chức mà nhiều người Nhật mơ ước. Nhận thấy nhu cầu được nói lên ý kiến của mọi người, anh mượn ý tưởng của người khác và xây dựng diễn đàn ẩn danh 2channel.

Để tìm ra được nhu cầu này, anh gợi ý con người đặt câu hỏi: Thiếu cái gì thì bạn sẽ cảm thấy khổ sở, vì một dịch vụ chỉ đứng vững khi có người "muốn sử dụng nó".

Để trở thành người lãnh đạo tốt, anh khích lệ rèn luyện những kỹ năng thuộc về công việc ở hiện trường.

Trong mỗi công ty có nhiều dạng người khác nhau đảm nhận những vị trí khác nhau, người lãnh đạo phải tận dụng được tất cả nhóm người đó. Anh cũng chỉ ra bí quyết để sống không cần nỗ lực là thói quen tra cứu cặn kẽ, vì hiểu biết là sức mạnh.

Anh khuyến khích tư duy theo kiểu: Mình không có tiền, giờ phải làm sao? Hiroyuki cho rằng đây là cách để kích hoạt não bộ toàn diện, bắt con người phải vắt óc suy nghĩ ra những biện pháp mới, rèn tính tháo vát.

Anh khẳng định tầm quan trọng của việc tích cực bảo vệ quyền lợi, không để sự cả nể làm bản thân chịu thiệt thòi. Đây là một quan niệm khác thường với một xã hội đề cao tính cộng đồng như Nhật Bản.

Anh đề xuất độc giả mạnh dạn lên tiếng vì chính bản thân, sẵn sàng nhờ vả người khác khi cần và giữ chặt lấy những gì cần giữ.

Hiroyuki thừa nhận bản thân không phải là người đặc biệt ưu tú và cũng không phải người chịu khó. Anh chỉ lựa chọn con đường phù hợp với bản thân, nắm bắt cơ hội do thời thế mang lại, và luôn cố gắng tìm giải pháp cần ít nỗ lực nhất.

Sách 1% nỗ lực: Phương châm ngược đời để sống an nhàn mà vẫn thành công - 3

Đan xen những bí quyết và câu chuyện cuộc đời tác giả là bức tranh chân thật về môi trường làm việc (Ảnh: NXB Trẻ).

Sự thật về môi trường làm việc, đặc biệt ở Nhật

Đan xen những bí quyết và câu chuyện cuộc đời Hiroyuki là bức tranh rất thật về môi trường làm việc hiện tại, đặc biệt ở Nhật. Đây là những thông tin hữu ích cho bạn trẻ sắp đi làm hay sắp gia nhập công ty của Nhật.

Bức tranh xã hội Nhật hiện ra qua những khu tập thể giá rẻ, với những cặp vợ chồng ly hôn để giảm tiền thuê nhà, với các nhóm người đặc biệt như "ông chú ở phòng trẻ con" (người độc thân sau 20 tuổi vẫn ở cùng cha mẹ, ngủ trong phòng mình ở từ lúc còn nhỏ), NEET (người không học vấn, không việc làm, không được đào tạo gì),...

Đó là một xã hội đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như: già hóa dân số, kinh tế tăng trưởng chậm, công sở thiếu tính năng động, sự phân chia thứ bậc cứng nhắc làm giới hạn tiềm năng,... Môi trường làm việc ở Việt Nam cũng có nhiều nét tương tự.

Ở công sở, người Nhật thường chịu áp lực phải nỗ lực nhiều hơn, phải làm quá giờ, không được tỏ ra nổi bật vì sẽ bị đè xuống, tuân theo trật tự thứ bậc cố hữu (tiền bối - hậu bối), phải "trả lễ"...

Về nhiều mặt, những quan niệm của Hiroyuki trái ngược hẳn với một người làm công tiêu biểu ở công sở Nhật.

Anh hiểu được cùng với sự thay đổi thời đại, nếu làm những công việc mà học sinh cấp ba cũng làm được thì sẽ bị đào thải, nên phải có những biện pháp đem lại thành tích thật và khẳng định giá trị của mình (xung phong, chủ động phát biểu).

Ở nơi làm việc, anh chỉ ra các nhóm người đảm nhận những phần việc khác nhau, người sáng tạo và người cải thiện, người đảm bảo chất lượng chuyên môn và người tạo ra môi trường làm việc thoải mái, rồi đề xuất độc giả chọn vị trí phù hợp.

Anh xác định rõ trách nhiệm của cấp trên và cấp dưới, mà phán đoán của người lãnh đạo luôn giữ vai trò quyết định.

Anh khuyến khích trải nghiệm và tra cứu, vì thông tin sẽ mang lại cho ta khả năng đưa ra lựa chọn chính xác trong thời đại nhiều biến đổi. Những chia sẻ sát thực tế của Hiroyuki sẽ giúp bạn trẻ hình dung được rõ hơn những điều mình cần trang bị khi gia nhập thế giới người đi làm.

Thái độ sống tích cực

Tác giả chia sẻ một kỹ thuật biến thất bại không còn là thất bại - đó là nghệ thuật kể chuyện.

Thay vì than thở, tự dằn vặt, so sánh với người ngoài, anh cho rằng nên để mọi người cùng cười với câu chuyện của mình. Mọi thứ trên đời đều là chất liệu cho một câu chuyện hài. Và với thái độ đó, cuộc sống sẽ thật nhẹ nhõm và tự tại.
 
Bên trên