Sách về phòng chống bệnh đột quỵ

Quang Minh

Well-known member
Trong "Đột quỵ: Nguy cơ thường gặp và điều trị dự phòng", thầy thuốc Nguyễn Văn Thông đề cập về hoạt động thể chất và chế độ ăn ngừa bệnh.

Sách dành nội dung chính nói về các nguy cơ khiến một người mắc bệnh, thường bao gồm: Tuổi tác, huyết áp, bệnh lý tim mạch, hàm lượng cholesterol, béo phì, căng thẳng tâm lý xã hội và rủi ro nghề nghiệp, vấn đề giấc ngủ, hiện tượng trầm cảm, việc sử dụng thuốc tránh thai - phụ nữ thai kỳ, vấn đề rượu, hút thuốc, hiện tượng thời tiết và kể cả khi chơi thể thao. Với mỗi nguy cơ, tác giả đưa ra các dấu hiệu cảnh báo, triệu chứng, biện pháp dự phòng, ngăn ngừa cũng như điều trị.

Thầy thuốc Nguyễn Văn Thông nhấn mạnh, theo Tổ chức đột quỵ thế giới (WSO), cao huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ. Thống kê nghiên cứu cho thấy tần suất đột quỵ tăng ở bệnh nhân cao huyết áp: 1,7% ở nam, 0,8% ở nữ, tăng lên 5,2% ở nam và 3,5% ở nữ nếu là bệnh nhân cao huyết áp.

Bìa sách Đột quỵ: Nguy cơ thường gặp và điều trị dự phòng. Ảnh: NXB Dân Trí &HanoiBooks

Bìa sách "Đột quỵ: Nguy cơ thường gặp và điều trị dự phòng". Ảnh: NXB Dân Trí & HanoiBooks

Người già không phải đối tượng duy nhất bị đột quỵ. Tác giả đề cập nguy cơ bệnh ngày càng tăng ở những người dưới 45 tuổi. Một số tình trạng sức khỏe nhất định có thể gây đột quỵ ở người trẻ, xuất phát từ các thói quen như hút thuốc, uống rượu, đái tháo đường, huyết áp và cholesterol máu cao.

Phần cuối, tác giả đề cập tới lợi ích của hoạt động thể chất và chế độ dinh dưỡng trong việc ngăn ngừa bệnh. "Tôi mong mọi người thực hiện lối sống khoa học, thường xuyên kiểm tra huyết áp và tái khám định kỳ, giúp cơ thể có một sức khỏe tốt, dự phòng đột quỵ và các bệnh lý tim mạch", tác giả nói.


Đột quỵ hiện được xem là vấn đề sức khỏe của toàn thế giới, là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ hai sau bệnh ung thư, đứng hàng đầu về khuyết tật ở người trưởng thành.

Hàng năm, trên thế giới có khoảng 16 triệu người bị đột quỵ lần đầu, tử vong khoảng 5,7 triệu, khoảng 12,6 triệu người bị khuyết tật mức độ vừa và nặng sau đột quỵ (8,9 triệu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình). Nguy cơ xảy ra đột quỵ gia tăng theo tuổi, tăng gấp đôi cứ mỗi 10 năm sau 55 tuổi, xấp xỉ 28% đột quỵ xảy ra dưới 65 tuổi, theo tổ chức WHO và Journal of Neurology and Neurophysiology.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Thông là Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, nguyên Giám đốc trung tâm đột quỵ Bệnh viện quân y 108. Với hơn 35 năm kinh nghiệm điều trị, giáo sư hiện là cây bút của nhiều tạp chí, biên dịch viên Tạp chí Đột quỵ Quốc tế, thành viên ban cố vấn Tạp chí Thầy thuốc Việt Nam, ủy viên thường trực Hội đồng khoa học, Hội đồng biên tập Tạp chí Y Dược Lâm sàng, Viện Nghiên cứu Y Dược Lâm sàng 108.
 
Bên trên