Sắp tới có thể dùng điện thoại để đo thân nhiệt chỉ bằng ứng dụng FeverPhone

0707171758

NGUYỄN THANH VÂN
Sắp tới có thể dùng điện thoại để đo thân nhiệt chỉ bằng ứng dụng FeverPhone


Các nghiên cứu sinh tại trường đại học Washington cho biết họ đã tìm ra được giải pháp dùng điện thoại để đo thân nhiệt của người. Đây là điều từ trước đến giờ nhiều nhà sản xuất điện thoại mong muốn làm được trên thiết bị của mình nhưng hầu như không thể thực hiện trừ trường hợp phải thêm 1 số con chip như cách Kyocera đã làm trên dòng điện thoại của mình.

Đến gần đây 1 số đồng hồ thông minh như kiểu Apple Watch đời 8 hay dòng Ultra cũng đã có thêm cảm biến để đo thân nhiệt nhưng chính Apple cũng cho rằng nó chưa đạt chuẩn y tế. Việc đo đạc này chỉ giúp hỗ trợ thêm trong kiểm tra chất lượng giấc ngủ mà thôi. Chính vì chưa đủ độ chính xác nên họ cũng chưa tạo ra 1 app riêng để đo nhiệt độ cơ thể trên watchOS.

Với nhóm nghiên cứu họ chia sẻ nhờ dựa vào bộ cảm biến nhiệt độ có sẵn trong điện thoại, vốn được dùng để đo nhiệt độ các linh kiện bên trong như pin hay chip để đảm bảo chúng không bị nóng quá trong quá trình sử dụng. Nếu anh em dùng điện thoại ngoài trời mùa hè chắc thi thoảng sẽ thấy mấy cảnh báo overheat, đặc biệt khi quay phim hay chụp ảnh liên tục quá lâu. Điều hay ho là cảm biến nhiệt này cũng thường được dùng trong những thiết bị đo nhiệt độ thông thường. Trên thực tế chúng có thể đo năng lượng nhiệt được tỏa ra nếu chạm thiết bị vào 1 nguồn nhiệt nào đó. Đó chính là cách nhóm nghiên cứu đã tận dụng để đưa ra ứng dụng đo nhiệt độ này.

[IMG]


Họ đã thử bằng cách quay vi sóng 1 túi nhựa chứa nước. Sau đó áp màn hình của nhiều dòng điện thoại, kể cả những máy có dùng vỏ bảo vệ cũng như có dán màn hình, vào túi đó để xem nhiệt độ máy nóng lên nhanh như thế nào. Các dữ liệu thu được đã được đem đi làm hình mẫu cho máy học để phát triển ứng dụng FeverPhone, qua đó sẽ đưa ra được ước tính về thân nhiệt của người dùng điện thoại. Trong thử nghiệm họ đã dùng ứng dụng này trên 37 người, gần 1 nửa trong đó có dấu hiệu sốt nhẹ và so sánh kết quả với nhiệt kế đo dưới miệng. Kết quả thu được rất ổn khi FeverPhone có thể dự đoán nhiệt độ khá chính xác, với độ sai lệch giữa 2 thiết bị chỉ ở khoảng 0.23 độ C. Đây được cho là mức chấp nhận được so với các dạng nhiệt kế đang được sử dụng tại nhà đang có trên thị trường bởi mức sai số bình thường là ở mức 0.5 độ C.

Hiện tại nhóm đang tiếp tục thu thập thông tin để tăng tính chính xác của ứng dụng. Một trong số đó là hướng tới dùng trên nhiều dòng điện thoại phổ biến trên thị trường. Trong tương lai họ hy vọng sẽ có app cho cả đồng hồ thông minh. Ngoài ra họ cũng muốn rút ngắn thời gian đo hơn nữa bởi hiện tại phải mất khoảng 90 giây để đặt điện thoại lên trán người dùng thì mới có cho ra kết quả. Có thể ứng dụng này sẽ khó đạt được tới chuẩn y tế, tuy nhiên nó có thể được dùng như 1 nguồn tham khảo nhất định để người dùng có thể biết tình trạng thân nhiệt của mình như thế nào.
 
Bên trên