Nguyễn May
Well-known member
Đồ uống với côn trùng tại Nhật Bản.
Biến đổi khí hậu, xung đột và nhiều yếu tố khác đã khiến con người tìm đến những loại thực phẩm độc lạ, vừa giúp làm lương thực thay thế, vừa giúp thỏa mãn trí tò mò.
Nhà hàng côn trùng ở Tokyo
Tại một nhà hàng ở Tokyo, Takumi Yamamoto, một nhân viên văn phòng, đã chọn một bữa ăn đặc biệt gồm càri dế và sashimi tằm, cùng rượu táo ngâm bọ nước.
Yamamoto là một trong số rất nhiều người tiêu dùng trên thế giới ưa thích các món ăn từ côn trùng, trong bối cảnh côn trùng đang dần trở thành nguồn thực phẩm quan trọng đối với con người.
Anh cho biết khi còn nhỏ mình thường ăn vặt bằng món châu chấu nướng chấm tương. Tại Tokyo, anh thường xuyên lui tới quán càphê Take Noko, nơi chuyên bán đủ các thức ăn từ côn trùng.
“Thật thú vị khi được lựa chọn nhiều món ăn khác nhau,” Yamamoto cho biết khi đang thưởng thức đồ ăn tại tầng 2 ấm cúng của quán, với những tranh ảnh trang trí có hình côn trùng, và một bể kính nuôi bọ cánh cứng, kiến và gián.
“Mọi thứ đều rất ngon. Đặc biệt rượu táo bọ nước có vị ngon và tươi mát như thể đang ăn một quả táo xanh,” anh cho biết.
Thực phẩm từ côn trùng bắt đầu được chú ý trên toàn cầu sau khi Liên hợp quốc coi côn trùng là nguồn protein bền vững để nuôi sống dân số toàn cầu, ước tính sẽ tăng lên 9,7 tỷ người vào năm 2050.
Tác động của ngành chăn nuôi đến tình trạng biến đổi khí hậu, cùng với tình hình an ninh lương thực toàn đang bị de dọa do thời tiết khắc nghiệt và các cuộc xung đột vũ trang, cũng khiến người ta bắt đầu quan tâm đến nguồn dinh dưỡng dồi dào, chất lượng cao mà côn trùng mang lại.
Và trong khi nhiều người tiêu dùng cảm thấy ghê tởm trước việc ăn côn trùng, thì Nhật Bản lại có một lịch sử phong phú trong việc sử dụng côn trùng làm thức ăn.
Theo quản lý của Take-Noko, Michiko Miura, châu chấu, tằm và ong bắp cày là món ăn truyền thống của những người Nhật Bản sống sâu trong đất liền, nơi vốn khan hiếm thịt và cá, đặc biệt là khi đất nước rơi vào tình trạng thiếu lương thực trong và sau Thế chiến thứ Hai.
Cô nói thêm: “Gần đây, công nghệ nuôi dế và sâu làm thức ăn đã có nhiều tiến bộ. Do đó việc sử dụng côn trùng làm thực phẩm có tiềm năng rất lớn.”
Một số hãng thực phẩm đã bán bánh ngọt và đồ ăn nhẹ làm bằng bột từ dế, và một số tên tuổi lớn như Nichirei và Nippon Telegraph và Telephone đã đầu tư vào các dự án mạo hiểm trong thời gian vừa qua.
Thuật ngữ “dế” cũng bắt đầu trở thành xu hướng trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản gần đây sau các bài báo viết về việc sử dụng bột côn trùng trong bữa ăn trưa và bữa ăn nhẹ ở trường học.
Sự quan tâm của người tiêu dùng cũng được mở rộng đến Take-Noko, nơi luôn kín chỗ vào cuối tuần.
Món càri của quán gồm thịt dế viên, điểm thêm những con dế sấy khô. Món sashimi được làm tinh tế từ phần vỏ còn sót lại của tằm, và rượu táo được ngâm với chiết xuất từ bọ nước và phủ lên trên là một con bọ nguyên con, mà thực khách nhận xét rằng ăn có vị tôm.
Nhà hàng này là ý tưởng của Takeo Saito, người đã thành lập công ty từ 9 năm trước, với các hoạt động kinh doanh thực phẩm đóng gói, cung cấp hơn 60 loại thức ăn từ các loài động vật chân đốt như bọ cạp hay nhện tarantula.
Saito cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là không phải tách riêng côn trùng thành một dòng riêng biệt mà là kết hợp chúng cùng với các loại rau, cá và thịt.”
Món mỳ chân cá sấu tại Đài Loan
Một cửa hàng mỳ tại Đài Loan đã cho ra mắt món “Godzilla Ramen,” với tạo hình giống như thể con quái vật nổi tiếng, biểu tượng của điện ảnh Nhật Bản đang sắp bò ra khỏi bát và tóm lấy bạn.
Đó chính là món mỳ cá sấu, được phục vụ tại Witch Cat Kwai, một nhà hàng ở thành phố Douliu, miền nam Đài Loan.
Chủ nhà hàng cho biết trên CNN Travel rằng món mỳ này bao gồm trứng cút, thịt lợn, ngô non, măng khô, mộc nhĩ, chả cá, và đặc biệt, bên trên cùng là một chiếc chân cá sấu.
Người chủ cho biết thêm nhà hàng mỗi ngày chỉ phục vụ 2 bát mỳ loại đặc biệt này do nguyên liệu rất khó kiếm. Giá mỗi bát mỳ là 1.500 Đài tệ, tương đương với 50USD. Trong đó, một phần chi phí đến từ khối lượng công việc được thực hiện để chế biến nên món ăn này.
Chân cá sấu sau khi làm sạch được chà xát với rượu và hỗn hợp gia vị gồm gừng, tỏi và hành. Sau đó, nó sẽ được hầm trong nước dùng riêng của nhà hàng trong vòng hai giờ. Toàn bộ quá trình chế biến mất khoảng 3 giờ.
“Nhiều khách hàng nhận xét thịt cá sấu có vị giống thịt gà nhưng mềm, dai và đàn hồi hơn. Còn tôi nghĩ nó có vị giống như chân gà om,” chủ quán cho biết.
Món mỳ này ra mắt khoảng một tháng sau khi một nhà hàng khác ở Đài Bắc gây sốt với món mỳ với bọ biển, một loài giáp xác khổng lồ với 14 chân.
Tuy nhiên, món mỳ bọ biển có cách chế biến đơn giản hơn nhiều. Đầu bếp chỉ cần hấp bọ biển trong khoảng 10 phút rồi đặt lên bát mỳ đang bốc khói.
Hiện tại, khách hàng muốn thử món mỳ đặc biệt này tại Witch Chat Kwai sẽ phải chờ. Nhà hàng cho biết họ đã kín lịch cho đến cuối tháng 8.
Ở Đài Loan, cá sấu không được coi là loài cần được bảo vệ. Việc nuôi và ăn thịt cá sấu là hợp pháp.