Seal mới của iPhone 15 bị làm giả, giá từ 50.000 đồng

Từ Minh Quân

Well-known member
Chỉ một tháng sau khi iPhone 15 ra mắt, hộp và lớp niêm phong (seal) chứa mã QR ẩn đã bị làm giả và xuất hiện tại Việt Nam.

Từ iPhone 13, Apple chuyển sang sử dụng lớp niêm phong bằng giấy thay màng nilon trên hộp đựng điện thoại. Đến thế hệ iPhone 15, hãng thêm cơ chế quét tia UV lên seal nhằm giúp người dùng nhận biết hộp thật. Cách thức này được đánh giá sẽ khiến giới kinh doanh điện thoại khó bắt chước theo hơn.

Tuy nhiên, một lượng lớn seal được làm giả vẫn nhanh chóng có mặt trên thị trường. Theo ông Đoàn Văn Cường, chủ cửa hàng điện thoại tại Thanh Xuân (Hà Nội), seal này được bán trên "chợ đen", chủ yếu dành cho cửa hàng nhỏ lẻ hoặc người buôn iPhone chênh lệch giá.

Ông Cường cho biết, từ cuối tháng 9, hộp iPhone 15 kèm seal giả đã được nhập về Việt Nam, nhưng không có cơ chế quét tia UV. Sau nửa tháng, loại seal "cao cấp", khi chiếu tia UV có hiển thị mã QR ẩn, xuất hiện với giá 50.000-60.000 đồng, chưa bao gồm tiền hộp.

"Cơ chế bảo mật mới của Apple không ngăn được tình trạng làm giả seal mà chỉ khiến chúng xuất hiện muộn hơn", ông nói

Một bộ bao bì giả gồm hướng dẫn sử dụng, que chọc sim đặt trong hộp in logo và hình iPhone 15. Nhãn thông tin và hai tấm seal giả được dán ở mặt sau. Bao bì còn có cả IMEI và số serial, nhưng được sao chép từ những chiếc iPhone đời cũ, đã hết hạn bảo hành. "Quá trình đóng seal chỉ mất vài phút. Người dùng khó có thể phát hiện dù quan sát kỹ", ông Cường cho biết.




Quá trình ‘đóng seal’ cho hộp iPhone 15 Pro giả. Video: Hoàng Giang
Theo đại diện CellphoneS, dòng iPhone 15 mới mở bán nên lượng máy xách tay chiếm tỷ lệ không lớn. Vì vậy, đa số hộp và seal giả được các cửa hàng, cá nhân buôn bán nhỏ lẻ tận dụng để đóng lại những chiếc iPhone mua từ hệ thống phân phối chính hãng Apple (AAR), sau đó tiếp tục đem bán nhằm hưởng chênh lệch giá.

"Khi mua iPhone ở hệ thống AAR Việt Nam, người dùng được yêu cầu mở hộp và kích hoạt máy tại quầy. Sau đó, những điện thoại này có thể bị đem ra ngoài, dán seal và bán với giá cao hơn từ 3 đến 5 triệu đồng dưới mác iPhone kích hoạt online", đại diện CellphoneS giải thích.

Sự xuất hiện của hộp và seal iPhone 15 giả mang đến rủi ro cho người dùng như chất lượng máy không đảm bảo hoặc nguy cơ bị từ chối bảo hành. Ngoài ra, tình trạng này cũng gián tiếp đẩy giá iPhone 15 lên cao hơn so với thực tế.

Hộp và seal giả cho iPhone 15 pro. Ảnh: Hoàng Giang


Hộp và seal giả cho iPhone 15 Pro. Ảnh: Hoàng Giang

Các chuyên gia cho biết khi chiến đèn UV, seal iPhone 15 hàng thật sẽ hiện logo của hãng và một mã QR đặc biệt. Tuy nhiên, mã này không chứa thông tin đồng bộ với thiết bị như IMEI hay số serial, nên chưa giúp tối đa hóa hiệu quả chống hàng giả.

Theo đại diện CareS, trung tâm bảo hành ủy quyền Apple, để tránh mua phải iPhone cũ, bị tráo linh kiện nhưng được đóng trong hộp mới kèm seal giả, người dùng nên giao dịch tại các cửa hàng uy tín. Trong trường hợp mua sang tay hoặc không phải từ AAR, nên yêu cầu hóa đơn của sản phẩm để được hưởng quyền lợi bảo hành từ Apple.
 
Bên trên