Số phận những trào lưu thiết kế điện thoại 'điên rồ'

TRUONGTRINH

Well-known member
Điện thoại màn hình cong tràn hai cạnh, camera thò thụt... không còn xuất hiện và nhường chỗ cho thiết kế dạng thanh đơn thuần.


Những thiết kế độc lạ, tạo khác biệt trên smartphone đến rồi đi nhanh chóng đến mức người dùng dần lãng quên tính sáng tạo cũng như nét hấp dẫn mà các nhà sản xuất từng mang đến cho sản phẩm của mình. Giờ đây, trên thị trường phổ biến điện thoại dạng thanh với màn hình gần như chiếm trọn mặt trước, chỉ một vài hãng đang đầu tư cho thiết kế màn gập đôi, gập ba. Nhưng trên hành trình phát triển của smartphone, có nhiều model đã tạo được nhiều cảm xúc hơn như vậy.

Điện thoại với camera selfie biến ảo


Asus Zenfone 6 với cụm camera bật từ phía sau. Ảnh: GSMarena


Asus Zenfone 6 với cụm camera bật từ phía sau. Ảnh: GSMarena


Khi công nghệ màn hình chưa phát triển rực rỡ như hiện nay, để làm tăng không gian hiển thị, một số điện thoại được thiết kế camera selfie giấu bên trong thân máy và chỉ xuất hiện khi người dùng chụp ảnh.

Khởi động cho trào lưu là Oppo N1 ra mắt năm 2013 khi người dùng có thể lật camera chính ra phía trước để biến thành camera selfie nhờ trục xoay phía đỉnh máy. Đến 2019, Oppo tiếp tục ra mắt Reno có phần camera selfie bật lên khỏi thân máy tạo thành dáng vây cá mập. Asus cũng có mẫu Zenfone 6 với khả năng lật camera chính ở mặt lưng quay ngược lại để trở thành camera trước.

OnePlus 7 Pro cũng là smartphone có module camera trồi lên từ trong thân máy, còn Samsung Galaxy A80 sở hữu cơ chế trượt phần trên của mặt lưng để lộ ra cụm camera.

Nhưng cơ chế này tồn tại rủi ro trong quá trình sử dụng do bộ phận chuyển động. Trào lưu camera "thụt thò" nhanh chóng biến mất, nhường chỗ cho thiết kế "đục lỗ" trên màn hình. Các nhà sản xuất cũng chuộng lựa chọn này do chế tạo đơn giản, ít chi phí và bền bỉ hơn tạo bộ phận cơ khí động.

Hiện nay, một số smartphone bắt đầu có camera ẩn dưới màn hình nhưng chưa thể tạo xu hướng do khả năng hiển thị kém tại vùng đặt camera và ảnh chụp có chất lượng chưa tốt.

Điện thoại cho game thủ tích hợp cần điều khiển


Xperia Play. Ảnh: Phonearena


Xperia Play. Ảnh: Phonearena


Những năm 2000, mỗi mẫu điện thoại ra đời đều sở hữu vẻ ngoài khác biệt so với các model đã ra mắt trước đó. "Dị" và "lạ" là những điều có thể tìm thấy trong xu hướng này, đặc biệt với các thế hệ gaming phone sơ khai. Ví dụ điển hình như Nokia N-Gage (ra mắt 2003) hay Sony Xperia Play xuất hiện không lâu sau đó.

Cả hai đều thiên về khả năng giải trí với game, trong đó N-Gage là máy dạng khối liền mạch còn Xperia Play hiện đại hơn khi trang bị màn hình cảm ứng và cơ chế trượt ngang để lộ cụm gamepad điều hướng chơi game chuyên nghiệp. Khi không chơi game, chiếc máy này trông không khác gì model cảm ứng dạng thanh phổ biến trên thị trường, chỉ khác chút với dãy phím cứng phía cuối màn hình.

Điện thoại gaming hiện nay như ROG Phone của Asus, Blackshark, Nubia Red Magic đều có thiết kế dạng thanh và chỉ bổ sung thiết kế mặt sau hầm hố hơn, trigger ở cạnh bên thay vì khác biệt hoàn toàn như trước.

Smartphone có bàn phím Qwerty


BlackBerry Passport. Ảnh: Huy Đức


BlackBerry Passport. Ảnh: Huy Đức


Khi nhắc đến điện thoại với bàn phím Qwerty, không thương hiệu nào vượt qua độ nổi tiếng của RIM (sau là BlackBerry). Điện thoại với bàn phím vật lý đầy đủ của RIM từng "làm mưa làm gió" trong giới công sở, được mệnh danh là "điện thoại doanh nhân" nhờ khả năng soạn thảo nhanh chóng, giúp xử lý công việc như trao đổi, trả lời email... Đây cũng là đặc điểm giúp thương hiệu RIM bay cao trong thời gian dài.

Tuy nhiên, sự ra đời của smartphone màn hình toàn cảm ứng đã tạo ra bước ngoặt, đẩy điện thoại có bàn phím cứng dần trôi vào quên lãng. Màn hình cảm ứng giúp mọi thao tác trở nên nhanh hơn, cải thiện tốc độ gõ chữ - ưu điểm vốn là đáng kể nhất của bàn phím cứng.

BlackBerry sau này làm điện thoại cảm ứng màn hình lớn nhưng vẫn có bàn phím Qwerty như mẫu Passport để tìm lại ánh hào quang nhưng không thành công. Hiện không còn nhà sản xuất nào theo đuổi thiết kế này.

Smartphone thiết kế "mập"


Xiaomi Mi Max 2. Ảnh: Phonearena


Xiaomi Mi Max 2. Ảnh: Phonearena


Những chiếc điện thoại rộng ngang, đa phần sở hữu tỷ lệ màn hình 16:9 hoặc lớn hơn chỉ tồn tại trong thời gian ngắn trước khi bị thay thế bởi model hiện đại chạy theo xu hướng thiết kế dài và hẹp hơn.

Samsung là một trong các nhà sản xuất nổi bật nhất với dòng Note đời đầu hay sau này Xiaomi có dòng Mi Max. Tỷ lệ ngang lớn phù hợp trải nghiệm giải trí khi xem hình ảnh, đọc tin tức, mạng xã hội với không gian hiển thị lớn hơn nếu cùng cỡ inch. Điểm trừ khiến thiết kế này bị "khai tử" là sự bất tiện trong việc cầm trên tay.

Màn hình cong tràn viền


Galaxy Note Edge. Ảnh: Tuấn Anh


Galaxy Note Edge. Ảnh: Tuấn Anh


Màn hình cong tràn viền từng gây ấn tượng, thể hiện tính sáng tạo, đậm tính công nghệ của smartphone. Dù một vài nhà sản xuất cố gắng tích hợp thêm tính năng vào khu vực cong này, về cơ bản màn hình vuốt cong không mang lại lợi ích nào đáng kể. Ngược lại, chúng còn khiến biến dạng hình ảnh và gây khó nhìn hơn ở vị trí góc cong, thậm chí dễ gặp rủi ro nứt, vỡ hơn nếu va chạm hoặc rơi.

Trải qua nhiều năm cố gắng cải thiện, cuối cùng các nhà sản xuất cũng lắng nghe người dùng và đồng tình rằng điện thoại có màn hình phẳng tốt hơn. Thị trường vẫn xuất hiện một vài mẫu smartphone có màn hình cong nhẹ về các cạnh nhưng chủ yếu ở phần kính phủ thay vì cong lớn như trước.

Samsung cũng là nhà sản xuất đi đầu với dòng Note Edge nhưng độ cong giảm dần. Các tin đồn cho thấy mẫu S25 sắp ra mắt thậm chí sẽ bỏ hoàn toàn màn hình cong.

Màn hình 3D


Điện thoại Fire Phone màn hình 3D. Ảnh: Phonearena


Điện thoại Fire Phone màn hình 3D. Ảnh: Phonearena


Trong "cơn sốt" hình ảnh 3D từ 2010 tới 2015, TV lẫn smartphone đều chạy theo xu hướng. Những mẫu điện thoại ra mắt với camera theo dõi cử động khuôn mặt và mắt để điều chỉnh cơ chế hiển thị 3D hay smartphone có camera kép để quay video 3D lần lượt ra đời. Nhưng tất cả đều chỉ mang tính trải nghiệm vui vẻ nhưng sự thực dụng gần như bằng không.

Giống như điện thoại, TV 3D cũng là một cuộc đua "sớm nở tối tàn" và đến nay, cả hai dòng sản phẩm này đều gần như không còn xuất hiện thương mại. Một số nhà sản xuất bắt đầu chuyển hướng qua làm laptop có màn hình 3D nhưng mới chỉ dừng ở mẫu thử nghiệm.

Điện thoại màn hình cuộn


LG Rollable. Ảnh: G


LG Rollable. Ảnh: LG


Chưa có điện thoại cuộn nào được bán thương mại mà chỉ là sản phẩm thử nghiệm. LG Rollable là một trong những bản demo gây chú ý nhất, tiềm năng nhất để bán thương mại. Nhưng khi LG quyết định rời khỏi thị trường smartphone, sản phẩm cũng "chết yểu" và chưa một nhà sản xuất nào dám bước tiếp con đường này.

Một trong những lý do gây nghi ngờ là độ bền của màn hình cuộn. Hiện nay, smartphone màn hình gập đã có nhiều trường hợp hư hỏng do đứt gãy tại vị trí gập sau thời gian dài sử dụng, do đó người dùng có nhiều quan ngại tới khả năng chịu tác động của màn hình dẻo có thể cuộn lại trong quá trình sử dụng.


Hoài Anh
 
Bên trên