Sông Hậu - con đường lúa gạo kỳ diệu

Võ Xuân Trường

Well-known member
Sông Hậu - con đường lúa gạo kỳ diệu

Ở kỳ trước, chúng ta đã đi theo hành trình ngược của cặp sông Đăk Bla và Sêrêpôk của đại ngàn Tây Nguyên. Chúng không chảy xuôi ra biển ngay mà còn đi qua Campuchia, từ đó nhập dòng Mekong rồi chảy vào Việt Nam theo hai con sông đã bồi đắp nên Đồng bằng sông Cửu Long, biến nơi đây thành vựa lúa của Việt Nam. Hôm nay, chúng ta sẽ gặp sông Hậu, bầu sữa ngọt của miền Tây.
Sông Hậu - con đường lúa gạo kỳ diệu


Một góc sông Hậu nhìn từ trên cao. Ảnh: Trần Minh Lương


BẦU SỮA CHO VỰA LÚA MIỀN TÂY
Đồng bằng sông Cửu Long là một mảnh đất mênh mông, bằng phẳng và trù phú bởi nó được bồi đắp suốt hàng triệu năm bằng nguồn phù sa trong dòng nước xuất phát từ dãy Hy Mã Lạp Sơn cổ đại băng qua 4.350km và 5 quốc gia để về đến Việt Nam, rồi đổ ra biển Đông theo 9 cửa sông - nguồn gốc dẫn tới cái tên Cửu Long.
Đây là mảnh đất có vai trò cực kỳ then chốt cho chương trình an ninh lương thực của Việt Nam, biến Việt Nam từ một đất nước đói nghèo, phải nhận viện trợ lương thực thành cường quốc xuất khẩu gạo trong suốt vài chục năm trở lại đây. Đó là công lao của sông Mekong với mảnh đất này, cùng 2 dòng chảy chính là sông Tiền và sông Hậu.
Sông Hậu hay còn gọi là Hậu Giang là một nhánh của sông Mekong. Ngay khi còn trên đất Campuchia, khi vào đến địa phận Thủ đô Phnom Penh, sông Mekong đã chia thành hai, một nhánh được gọi là Tonle Bassac. Con sông này chảy đến tỉnh Kandai rồi bắt đầu vào Việt Nam ở địa phận huyện An Phú (tỉnh An Giang).
Từ đây, tên sông được gọi là Hậu Giang, chảy qua 6 tỉnh gồm: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Trà Vinh. Tổng chiều dài của sông Hậu là 235km, chỗ sông phình to nhất là khoảng 4km, tạo ra một cảnh quan mênh mang sông nước vô cùng choáng ngợp.
Nếu như những người khai khẩn mở đất ở vùng đất cực Nam này hơn 3 thế kỷ trước được coi là anh hùng thì sông Hậu cũng xứng đáng được phong danh hiệu “dòng sông phúc đức” số một. Bởi toàn bộ đất đai màu mỡ của khu vực đều do một tay sông Hậu tạo nên, với khoảng 35 triệu m3 phù sa mỗi năm, bằng 1/3 tổng số phù sa của sông Hồng.
Lưu lượng nước lớn của sông Hậu (khoảng 200 tỉ mét khối nước mỗi năm) cũng là một món quà quý khác. Bởi địa hình của các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn mực nước biển nên phải đối mặt với nguy cơ đất bị nhiễm mặn mỗi khi triều lên. Do đó, cần phải có nước của sông Hậu chảy vào để thau chua, rửa mặn, bên cạnh việc bù đắp phù sa để duy trì sự màu mỡ.
Chính vì thế, sông Hậu được coi là đòn bẩy phát triển nông nghiệp cho Đồng bằng sông Cửu Long trong suốt hơn 300 năm qua, trở thành vựa lúa của cả nước, với khu vực trồng lúa lớn nhất chính là tỉnh An Giang, nơi đầu tiên đón dòng chảy của sông Hậu.
Trong năm 2024, sản lượng lúa của toàn tỉnh An Giang đạt xấp xỉ 4 triệu tấn, chiếm 10% sản lượng lúa hàng năm của cả nước, trong đó lúa chất lượng cao chiếm tỉ trọng từ 80% đến 90%. Như thế, chúng ta thấy được vai trò rất lớn của sông Hậu với lưu lượng nước khổng lồ và nguồn phù sa dồi dào.
Với người dân Đồng bằng sông Cửu Long, lũ trên sông Hậu chính dấu hiệu của sự sống. Theo lũ mà nước ngọt và phù sa ùa về, làm ngập đất đai trong làn nước giàu dinh dưỡng, để rồi khi lũ rút đi, các cánh đồng được tái sinh hoàn toàn, sẵn sàng đem đến những vụ mùa bội thu.
Có đi trên sông Hậu vào mùa lũ mới thấy sự hùng vĩ của dòng sông. Khi đó, bề mặt lớn nhất của sông Hậu không còn 4km mà là hàng chục km, nhìn lên thấy trời bao la, nhìn xuống thấy nước mênh mông. Lũ sông Hậu không phải thiên tai hung hiểm khiến con người e sợ như ngoài miền Bắc mà là món quà quý của dòng nước linh thiêng trao tặng.
Trong những năm gần đây, khi hiện tượng toàn cầu nóng lên cộng với trào lưu đắp đập thủy điện ở các vùng thượng nguồn sông Mekong khiến lũ trên sông Hậu yếu đi hoặc không về, sự trù phú và sung túc ở nơi đây cũng giảm đi nhiều. Những vết rạn chân chim nhiều hơn ở đuôi mắt người và trên những cánh đồng.
NỀN VĂN HÓA SÔNG NƯỚC
Sông Hậu là nguồn sống của Đồng bằng sông Cửu Long bởi nó không chỉ cung cấp nước ngọt và phù sa mà còn cả nguồn lợi thủy sản rất lớn cùng một nền văn hóa trên sông nước, nơi mà người dân sống cả đời trên sông nước, biến sông Hậu thành “nước mẹ” thay cho khái niệm đất mẹ.
Sự gắn bó mật thiết giữa con người và sông Hậu được thể hiện qua một địa danh: Hậu Giang, một tỉnh nằm ở bờ Nam sông Hậu, đã được đặt tên theo tên chữ của dòng sông. Điều này cũng xuất hiện tương tự ở sông Tiền (mà chúng ta sẽ gặp ở kỳ sau) với tỉnh Tiền Giang.
Không chỉ đặt tên để thể hiện sự biết ơn, người dân còn dựng cả tượng đài để tôn vinh một đặc sản mà sông Hậu đem đến cho con người, tượng trưng cho nguồn lợi thủy sản đa dạng, phong phú và dồi dào: Tượng đài cá ba sa đứng sừng sững bên dòng sông Hậu, đoạn chảy qua thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Tại sao là con cá ba sa mà không phải cá dầu, cá chép sông Mekong - những quái ngư đã mang lại danh tiếng cho dòng sông này? Bởi trên dòng sông Hậu, loài cá da trơn ba sa đã đem đến sự sung túc cho người dân bởi có giá trị kinh tế cao và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các tỉnh nằm ven sông Hậu.
Cá ba sa sông Hậu ngon, được các thị trường trong nước và quốc tế ưa chuộng, đến nỗi hiệp hội nuôi cá da trơn của Mỹ đã hoảng hốt tìm cách gây khó dễ để cấm nhập khẩu cá ba sa Việt Nam vào thị trường Mỹ nhằm bảo hộ ngành cá da trơn của mình.
Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản con cá ba sa của sông Hậu “bay” đến các thị trường trên toàn thế giới. Và vì thế, cá ba sa tượng trưng cho sự hào phóng của sông Hậu, đã làm thay đổi nền kinh tế của các tỉnh và còn tạo dấu ấn cho ẩm thực sông nước của miền Tây, với 5 nghìn tấn cá ba sa được tiêu thụ mỗi năm.
Khi nhìn toàn cảnh từ trên cao, chúng ta thấy một đặc điểm, hầu hết những đô thị thủ phủ của 6 tỉnh có sông Hậu chạy qua đều lấy dòng sông này làm trung tâm. Trong đó, có 3 thành phố thuộc loại lớn là Châu Đốc và Long Xuyên (cùng của tỉnh An Giang) và Cần Thơ - được mệnh danh là thủ phủ miền Tây và là thành phố trực thuộc Trung ương.
Đấy không phải là điều ngẫu nhiên bởi nó đã hình thành từ khi những địa danh đô thị này còn chưa được thành lập. Những cộng đồng dân cư sống hai bên bờ sông đã tụ họp trên dòng nước, để rồi những chỗ “đắc thủy” nhất, thuận lợi nhất được chọn là vùng cư trú lâu dài.
Dấu vết của điều này còn nằm ở những chợ nổi danh tiếng lẫy lừng như chợ nổi Phụng Hiệp của tỉnh Hậu Giang (đã dừng hoạt động vào đầu thập niên 2000), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Long Xuyên (An Giang), chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long).
Nếu các thành phố khác gắn với phố thị (phố và chợ), đô thị (thành phố và chợ) thì chợ nổi chính là trái tim của các thành phố, đô thị ở miền Tây. Hàng hóa được vận chuyển trên sông, giao thương trên sông, tồn tại nhờ dòng chảy của sông và tuân thủ những luật lệ do sông nước đặt ra.
Đấy là một đặc điểm rất lớn về văn hóa sông nước của sông Hậu, khiến nơi đây khác hẳn những quốc gia cũng có sông Mekong chảy qua như Lào, Cambodia, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar. Ở đó, hoàn toàn không có khái niệm chợ nổi ở vai trò trung tâm của một cộng đồng dân cư, kết nối các thành viên trong cộng đồng đó cũng như kết nối cộng đồng với thế giới bên ngoài.
Để rồi sông Hậu có cả một nền văn hóa của riêng mình, với bông lúa Hậu Giang, con sáo Hậu Giang và con cá ba sa Hậu Giang!
 
Bên trên