Tại sao Thái Lan muốn khách du lịch ở lại lâu hơn?

Võ Xuân Trường

Well-known member
Tại sao Thái Lan muốn khách du lịch ở lại lâu hơn?

Thái Lan tạo điều kiện cho du khách ở lại lâu hơn để tiêu tiền nhiều hơn, góp phần thúc đẩy ngành du lịch nước này phát triển.
Gần đây, Thái Lan đã giới thiệu loại thị thực mới có thời hạn 5 năm dành cho những người làm việc từ xa và du khách muốn lưu trú tại đất nước này lâu dài, theo CNN.
Theo tuyên bố của văn phòng Thủ tướng Thái Lan, thị thực đích đến Thái Lan (DTV) sẽ cho phép những du khách đủ điều kiện có thời gian lưu trú lên đến 180 ngày cho mỗi lần nhập cảnh, trên cơ sở nhập cảnh nhiều lần, trong vòng 5 năm. Tức là sau khi hết hạn 180 ngày, du khách phải rời khỏi Thái Lan và được phép nhập cảnh trở lại.
Loại thị thực này nhắm tới những người làm việc từ xa hoặc đến Thái Lan để tham gia các hoạt động như đào tạo Muay Thái, học nấu ăn, điều trị y tế trong thời gian dài...
Để nộp đơn, du khách cần chứng minh rằng họ có ít nhất 500.000 baht (khoảng 357 triệu đồng) trong tài khoản, cũng như các giấy tờ chứng minh mục đích chuyến đi. Loại thị thực này có giá 10.000 baht (khoảng 7,1 triệu đồng), không cho phép người nộp đơn tìm kiếm việc làm tại Thái Lan.
Thái Lan cần giảm tốc độ xuất cảnh của du khách
Chính phủ Thái Lan cũng đã mở rộng danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ được miễn thị thực cho mục đích du lịch và kinh doanh ngắn hạn từ 57 lên 93 nước, đồng thời kéo dài thời gian lưu trú từ 30 lên 60 ngày. Trong khi đó, số lượng quốc gia/vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực nhập cảnh cũng đã tăng từ 19 lên 31.
Theo số liệu của chính phủ, Thái Lan đã đón 17,5 triệu khách du lịch nước ngoài trong nửa đầu năm nay, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng các chuyên gia cho biết, biện pháp cấp thị thực mới không chỉ nhằm mục đích thu hút thêm du khách.
Thái Lan tìm cách giảm thiểu tốc độ rời đi của du khách. Ảnh: Xinhua
Thái Lan tìm cách giảm thiểu tốc độ rời đi của du khách. Ảnh: Xinhua
Gary Bowerman, người sáng lập Check-in Asia, một công ty nghiên cứu và tiếp thị tập trung vào du lịch, cho biết: “Nếu bạn nhìn vào những gì Thái Lan đã làm, các sáng kiến và chiến dịch mà nước này triển khai trong hai năm qua để thu hút lượng du khách thực sự rất thành công.
Vì thế, Thái Lan dẫn đầu Đông Nam Á và vượt xa các nước còn lại về lượng du khách ghé thăm. Nhưng vấn đề lớn là mặc dù có số lượng du khách đến đông, mức chi tiêu trung bình cho mỗi du khách lại tương đối thấp”.
Bowerman nói thêm rằng áp lực về nguồn lực cũng đang ngày càng lớn hơn. Ông nhận định: “Giá trị gia tăng từ việc ngày càng có nhiều người đến hơn không dễ cảm nhận. Vì vậy, họ cần tìm cách thực sự tăng thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của mỗi du khách”.
Đồng thời, ông lưu ý rằng phần lớn du khách quốc tế đến Thái Lan là người trong khu vực (châu Á), lưu trú trong thời gian ngắn.
“Có rất nhiều người đến, di chuyển xung quanh, rồi rời đi khá nhanh. Điều đó gây áp lực ngày càng lớn lên cơ sở hạ tầng, sân bay, mạng lưới giao thông… Họ cần phải giảm tốc độ”, ông cho biết.
Đó cũng là lý do tại sao Thái Lan đang cố gắng thu hút du khách lưu trú dài ngày, một phần để giảm áp lực cho các điểm nhập cảnh và điểm giao thông.
Thu hút du khách kết hợp làm việc và giải trí
Theo tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Thái Lan, các biện pháp mới nhằm mục đích thúc đẩy du lịch và nền kinh tế của nước này đã có hiệu lực từ ngày 15.7.
Thái Lan chắc chắn không phải là quốc gia duy nhất mong muốn thu hút du khách ở lại lâu hơn. Olivier Ponti, giám đốc tiếp thị của công ty dữ liệu du lịch ForwardKeys, cho biết ngày càng có nhiều người tìm kiếm cơ hội cho kỳ nghỉ kéo dài của du khách, và nhiều quốc gia cũng đang chú ý đến điều này.
“Một xu hướng toàn cầu mà chúng tôi đã quan sát được trong suốt giai đoạn hậu COVID-19 là du khách lưu trú tại các điểm đến lâu hơn. Lượng khách đến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn giảm 23% so với năm 2019, nhưng thời gian lưu trú dài hơn (hai tuần trở lên) chỉ là giảm 8% so với mức trước đại dịch”, ông nói.
Ông cho biết nhiều điểm đến đã triển khai loại thị thực mới để thích ứng với xu hướng làm việc từ xa ngày càng tăng. Bên cạnh đó, chính sách linh hoạt nơi làm việc cũng giúp mọi người kết hợp công việc với giải trí dễ dàng hơn.
Ponti cho biết: “Đặc biệt, những loại thị thực cho phép nhập cảnh nhiều lần, có thời hạn hiệu lực dài hơn và cho phép các thành viên gia đình đi cùng người sở hữu thị thực trong chuyến đi đang thành công trong việc thu hút khách du lịch lưu trú dài ngày”.
Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến mức độ mong muốn ở lại lâu hơn của du khách, ví dụ chất lượng cuộc sống, chi phí sinh hoạt...
Đối với Thái Lan, ông Ponti cho rằng loại thị thực lưu trú dài hạn mới có nhiều khả năng sẽ được du khách đường dài chấp nhận. Họ là những người có xu hướng lưu trú trung bình lâu hơn nhiều so với du khách trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
“Hiện tại, tỉ lệ vé có thời gian lưu trú dài (trên 14 đêm) vẫn ở mức khoảng 25%, thời gian lưu trú trung bình (6-13 đêm) chiếm 45%”, Ponti trích dẫn số liệu dựa trên dữ liệu đặt vé máy bay.
“Những biện pháp này có thể sẽ tăng cường sức hấp dẫn của Thái Lan đối với du khách lưu trú dài hạn, có khả năng làm tăng tỉ lệ này theo thời gian”, ông nói.
 
Bên trên