Tâm Lý Học Về Ký Ức - Chúng Ta Đối Mặt Với Những Ký Ức Xấu Như Thế Nào?

linh_449

Linh Linhh
Nhiều người tin rằng để thành công và thăng tiến trong cuộc sống cần phải biết lãng quên những sai lầm và thất bại trong quá khứ. Một số người khác lại coi ký ức như là một điều quan trọng trong cuộc sống, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Có thể bạn đã nhận ra, những sự kiện buồn bã thường được lưu giữ trong ký ức lâu hơn các câu chuyện vui. Có biết bao nhiêu ký ức của cuộc đời mình, vì sao chúng ta luôn “chiếu lại” những thước phim “không đẹp cho lắm” trong đầu? Hay khi trải qua chuyện tồi tệ, chúng ta thường có thói quen lặp lại những câu hỏi giả định như “Sẽ thế nào nếu mọi chuyện khác đi?”, “Tại sao bản thân mình lại hành động như vậy?” Và các câu trả lời thường là suy nghĩ tiêu cực và chúng sẽ luôn lặp lại khi chúng ta lại tiếp tục nhớ về ký ức xấu.
-------
“Ai cũng có ký ức xấu. Và cũng không ai chỉ có toàn kỷ niệm đẹp.”
Lý do lớn nhất mà chúng ta không nên sợ những ký ức xấu là mỗi người đều có thể trưởng thành hơn nhờ chúng mà không cần phải loại bỏ hay trốn tránh. “Trưởng thành” có nghĩa là tương lai. Khi chúng ta không thể nhận thức được bản thân và đối mặt trực tiếp với nó thì viễn cảnh tương lai ảm đạm bị quá khứ cùm chân sẽ hiện ra. Nếu các ký ức xấu được tạo ra bởi loạt sự kiện quá lớn và ảnh hưởng tới tính mạng thì chúng được coi là “Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)”. Tuy nhiên, cuốn sách này không bàn về chứng bệnh sang chấn tâm lý mà chỉ đề cập tới những tổn thương nho nhỏ, vụn vặt mà hầu hết chúng ta đều trải qua trong cuộc sống hàng ngày, tuy nhỏ nhưng không hề dễ chịu. Những vết thương tâm lý được Tiến sĩ Yon Ho Choe tâm huyết nghiên cứu để bạn đọc có thể nhận ra câu chuyện về chính mình.
Với chuyên môn là một bác sĩ – tiến sĩ về Dinh dưỡng và Tiêu hóa ở trẻ em, đối tượng tiếp xúc của Yon Ho Choe lại không phải là các bệnh nhi, mà chủ yếu đến từ các ông bố bà mẹ, tức là những người lớn trong gia đình. Khi khám cho các bệnh nhi, ông đã phát hiện ra chứng đau bụng ở rất nhiều trẻ xuất phát từ những ký ức xấu và sự sợ hãi vốn ẩn giấu, mắt thường không thể nhìn thấy được. Và trong khi lắng nghe câu chuyện của những bệnh nhi và gia đình của trẻ, đồng thời phân tích nguyên nhân và giải pháp điều trị, tác giả đã nảy sinh trăn trở rằng phải làm sao để giải quyết những tình huống hoàn toàn không được mô tả trong tài liệu y khoa chuyên môn này.
--------
Nội dung của cuốn sách Tâm Lý Học Về Ký Ức này bao gồm các phân tích chuyên sâu được mở rộng trên nhiều phương diện, bắt đầu từ những quan sát quy luật đó.
Theo bản năng, chúng ta thường cố gắng tránh lặp lại ký ức xấu. Trong Phần Mở đầu, tác giả đề cập tới những lý do cho việc sợ hãi ký ức xấu trong quá trình hình thành và gia tăng mức độ.
Chương 1 là nội dung về kiến thức khoa học não bộ liên quan tới trí nhớ. Phần này khá phức tạp với nhiều từ ngữ chuyên ngành nên một vài độc giả sẽ cảm thấy khó đọc, ta có thể chuyển sang các chương tiếp theo.
Chương 2 nói về bản năng cơ bản nhất của con người: Né tránh tổn thất. Khi đối mặt với những trải nghiệm tồi tệ, chúng ta thường có phản ứng né tránh – việc sợ ký ức xấu cũng xuất phát từ bản năng này. Đây cũng là chương mình cảm thấy thú vị nhất. Với nội dung đề cập đúng điểm yếu mỗi người: bản năng né tránh, cùng với ngôn từ sắc sảo, lập luận sắc bén, Yon Ho Choe đã giúp mình nhận ra rằng không nhất thiết lúc nào cũng nên tránh ký ức nhỏ gây khó chịu, mà bằng sự tự nhận thức, chúng ta có thể biến chúng thành “ký ức xấu tốt đẹp” và tận dụng để hoàn thiện bản thân hơn.
“Đừng cố gắng thoát khỏi những ký ức tồi tệ mà hãy nghĩ rằng mình sẽ học hỏi từ chúng và phát triển bản thân mình lên một bậc cao hơn.”
-------
Các chương tiếp tác giả đề cập đến các quan điểm đánh giá, bàn về “sự lãng quên”, về chữa lành,… Để độc giả không thấy nặng nề và nhàm chán khi đọc, Ho Choe đã vận dụng tối thiểu kiến thức chuyên ngành và đưa vào một số ví dụ thực tế thú vị để nhiều bạn đọc có thể nhận ra đó là câu chuyện về chính họ. Tuy không phải là một chuyên gia về não bộ nhưng với sự tận tâm và nhiệt huyết của một bác sĩ yêu nghề, ông luôn dạy học trò mình rằng: “Không thể khám bệnh chỉ với kiến thức Y khoa.” Nghĩa là nếu chỉ tập trung vào các triệu chứng bên ngoài của bệnh nhân mà bỏ qua bối cảnh, gia đình và môi trường xung quanh họ thì không thể đưa ra chẩn đoán và điều trị chính xác. Tác giả đã luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người có ký ức tồi tệ và cố gắng hiểu mọi khía cạnh liên quan tới chúng.
-------
Tạm kết, cuộc sống của con người được nuôi dưỡng bởi những ước mơ về tương lai tốt đẹp hơn, con đường trước mặt trải luôn thảm đỏ và hoa hồng. Nhưng liệu có ai có dịp ngoảnh lại chặng đường đã qua, để lục tìm trong ký ức những bài học dẫn đến thành công? Thay vì dồn năng lượng cho việc quên đi ký ức xấu, hãy dùng nó vào việc khác, chỉ một phần rất nhỏ nguồn năng lượng ấy cũng đủ làm lòng tự tôn và thỏa mãn của chúng ta được tăng lên. Khi nhận ra có nút thắt ở gốc rễ của ký ức tồi tệ và cởi trói cho nó, chúng ta sẽ phát triển bản thân mình lên một bậc cao hơn.
——
Thank you for reading!
Review & Photo by @Thu Hồng Hoàng.
Có thể là hình ảnh về nhật ký và văn bản
 
Bên trên