Thanh Hóa: “Mục sở thị” bên trong Chính điện linh thiêng dát vàng

Hồ Thị Thanh Trà

Well-known member
Mới đây, người dân và du khách lần đầu tiên được vào tham quan, chiêm ngưỡng Chính điện Lam Kinh, công trình nằm trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh tại huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Chính điện được biết đến là nơi linh thiêng bậc nhất Việt Nam, trải qua quá trình phục dựng, tôn tạo lên đến hàng chục năm mới hoàn thiện.
Nằm trong Khu di tích Lam Kinh, Chính điện Lam Kinh được xây dựng trên một phần khu đất trại Như Áng xưa của dòng họ Lê Lợi. Chính tại nơi đây, cụ Tổ của dòng họ Lê đã chọn làm nơi dựng cơ đồ và đã làm nên nghiệp lớn.


Một khối lượng lớn gỗ lim trong Chính điện Lam Kinh




Một khối lượng lớn gỗ lim trong Chính điện Lam Kinh

Trải qua nhiều thế kỷ thăng trầm của lịch sử, mưa nắng của thời tiết, quần thể kiến trúc Điện Lam Kinh gần như không còn. Ngày nay, nhiều hạng mục di tích đã được phục dựng, tu bổ, dần dần tái hiện phần nào diện mạo ban đầu của Điện Lam Kinh.

Các vật dụng, linh vật được phục dựng lại rất tỉ mỉ

Các vật dụng, linh vật được phục dựng lại rất tỉ mỉ

Năm 2010, Chính điện Lam Kinh chính thức được khởi công bảo tồn, phỏng dựng trên cơ sở nền móng và hệ thống chân tảng hiện còn. Công trình nằm trên diện tích hơn 1.600 m2, là một trong những công trình quan trọng, bề thế ở khu trung tâm di tích Lam Kinh. Đến nay, Chính điện đã hoàn thành, với kiến trúc mang đậm phong cách nhà Lê.

Nội thất bên trong Chính điện đều được sơn son thiếp vàng

Nội thất bên trong Chính điện đều được sơn son thiếp vàng

Sau hơn mười năm xây dựng, đầu tháng 4/2022, Chính điện Lam Kinh chính thức mở cửa đón khách du lịch tham quan. Tại đây, du khách sẽ được sống trong không gian lịch sử, ngược dòng về quá khứ, để tưởng nhớ một thời kỳ hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử các triều đại Phong kiến Việt Nam.

Chính điện hình chữ Công, gồm Tiền điện - Quang Đức (với ý nghĩa là tài cao, đức độ của vua Lê Thái Tổ sẽ muôn đời tỏa sáng); Trung điện - Sùng Hiếu (tôn sùng đạo hiếu) và Hậu điện - Diên Khánh (vun đúc sự tốt lành của vương triều nhà Lê).

Bàn thờ vua được dát vàng với sự trau chuốt, công phu, tỉ mỉ

Bàn thờ vua được dát vàng với sự trau chuốt, công phu, tỉ mỉ

Công trình có kết cấu khung gỗ lim 6 hàng cột, vì chồng rường - giá chiêng, trang trí hoa văn trên bề mặt cấu kiện gỗ hình rồng, các linh vật, vân mây, hoa lá thời Lê… được chạm nổi, chạm bong một và một số lớp có độ sâu dao động từ 10 cm - 20 cm. Được biết, sau khi phục dựng, tu bổ, nơi đây đã trở thành công trình bằng gỗ lim lớn nhất và phức tạp nhất tại tỉnh Thanh Hóa, với khối lượng gỗ lim dùng để phục dựng, tu bổ là hơn 2.000 m3.

Về phần mái, Chính điện lợp ngói mũi hài phục chế bằng đất nung; trang trí mặt ngói hình hoa sen, trang trí diềm mái hoa văn lá đề bằng đất nung; ngói lót trang trí mặt trong (giữa hai rui) hình chữ Thọ...

Được phục dựng từ năm 2010, hiện nay Chính điện Lam Kinh đã mở cửa đón du khách

Được phục dựng từ năm 2010, hiện nay Chính điện Lam Kinh đã mở cửa đón du khách

Đi vào bên trong Chính điện, các đồ thờ, vật dụng được phục dựng và sơn son thếp vàng nguy nga, tráng lệ, toát lên sự trau chuốt, tỉ mỉ, công phu, tôn nghiêm, thành kính. Có thể khẳng định, sự hiện hữu của Chính điện Lam Kinh ví như linh hồn của di sản, đã mang lại cho Lam Kinh một diện mạo Kinh đô cổ xưa. Được biết, giá trị những vật dụng nội thất trong Chính điện lên tới gần 40 tỉ đồng.

Việc mở cửa Chính điện Lam Kinh cũng là dịp để người dân, du khách từ khắp nơi đến dâng hương, chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo và thưởng ngoạn cảnh vật thiên nhiên hữu tình của Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đồng thời là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự hoàn thiện của công trình, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân, du khách hàng chục năm qua. Việc này cũng góp phần làm tăng thêm sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước đến với Thanh Hóa đi du lịch sau thời gian dài bị đóng băng bởi dịch COVID-19.
 
Bên trên