'Thế hệ lo âu' - trẻ em thời công nghệ

Nguyễn May

Well-known member
Jonathan Haidt cho rằng để trẻ em dùng điện thoại quá sớm mà thiếu sự bảo vệ của phụ huynh sẽ gây tác hại tâm lý, trong "Thế hệ lo âu".

Cuốn sách là những nghiên cứu, quan điểm của nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt về sự gia tăng bệnh trầm cảm, mức độ cô đơn của giới trẻ hiện nay. Tác giả nêu thực trạng, tác hại của điện thoại thông minh đối với con trẻ và đề xuất các giải pháp bảo vệ trong thời đại công nghệ số. Tác phẩm nằm trong gợi ý các cuốn sách đáng đọc trong năm 2024 của tỷ phú Bill Gates và cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

"Thế hệ lo âu" có tên tiếng Anh là "The Anxious Generation", phát hành tháng 3/2024 tại Mỹ, nằm trong danh sách bán chạy nhất của New York Times. Tại Việt Nam, sách ra mắt ngày 4/1, gồm 11 chương do Mokona dịch, công ty 1980 Books và NXB Công thương liên kết ấn hành. Ảnh: 1980 Books

Bìa Thế hệ lo âu, sách do Công ty 1980 Books và NXB Công thương liên kết ấn hành. Ảnh: 1980 Books

"Thế hệ lo âu" có tên tiếng Anh là "The Anxious Generation", phát hành tháng 3/2024 tại Mỹ, nằm trong danh sách bán chạy nhất của New York Times. Tại Việt Nam, sách ra mắt ngày 4/1, gồm 11 chương do Mokona dịch, công ty 1980 Books và NXB Công thương liên kết ấn hành. Ảnh: 1980 Books

Trong Thế hệ lo âu, Haidt cho rằng vấn đề về tâm lý của giới trẻ, nhất là thế hệ Z (những người sinh năm 1997 đến 2012), gia tăng do sự suy giảm các hoạt động trải nghiệm thực tế và việc lạm dụng điện thoại thông minh. Haidt chỉ ra "tuổi thơ vui chơi" bắt đầu suy giảm vào những năm 1980 và bị xóa sổ bởi sự xuất hiện của "tuổi thơ gắn liền với điện thoại" từ năm 2010. Trẻ bị hạn chế trong các hoạt động trải nghiệm để đảm bảo an toàn, đồng thời thiếu sự quan tâm, bảo vệ đúng cách từ cha mẹ khi sử dụng thiết bị điện tử.

Sự bao bọc quá mức của phụ huynh khiến các em không học được cách tự chăm sóc bản thân và đối mặt với rủi ro, xung đột, dễ yếu ớt, sợ hãi khi trưởng thành. Nghiên cứu cho thấy trẻ em phát triển kém hơn khi được nuôi dạy trong sự sợ hãi và gắn với thiết bị điện tử.

Theo nhà nghiên cứu, điện thoại thông minh "làm giảm hứng thú với mọi hình thức trải nghiệm thực tế". Trẻ có thể dành nhiều giờ mỗi ngày ngồi say sưa và bất động để lướt màn hình, phớt lờ mọi thứ bên ngoài. Haidt chỉ ra điều tương tự với các bậc cha mẹ, khi cả gia đình ở cùng nhưng không có sự giao tiếp, ông gọi đó là ngồi "một mình bên nhau".

Tác giả cho rằng mạng xã hội gây tổn hại cho trẻ em gái nhiều hơn bé trai và chỉ ra nguyên nhân bé trai chìm vào thế giới ảo, gây hậu quả cho bản thân, gia đình và xã hội.

Cuốn sách nêu bốn tác hại của thiết bị điện tử với trẻ: Thiếu giao tiếp xã hội, thiếu ngủ, mất tập trung và gây nghiện. Sách có đoạn: "Tuổi thơ để dành cho vui chơi và khám phá thể chất. Trẻ em phát triển mạnh mẽ khi chúng được nuôi dưỡng trong cộng đồng thế giới thực, chứ không phải trong mạng ảo vô hồn. Lớn lên trong thế giới ảo sẽ thúc đẩy nỗi lo âu, vô tổ chức và cô đơn".

Haidt đưa ra bốn giải pháp quan trọng, là cơ sở để tạo ra một tuổi thơ khỏe mạnh hơn trong thời đại công nghệ: Không dùng điện thoại thông minh trước 14 tuổi, cha mẹ chỉ nên cho con dùng những chiếc điện thoại cơ bản, ứng dụng hạn chế và không có trình duyệt internet; không dùng mạng xã hội trước 16 tuổi, để trẻ vượt qua giai đoạn phát triển não bộ dễ bị tổn thương nhất; trường học không sử dụng điện thoại, nên cất các thiết bị trong túi đựng có khóa để tập trung học và giao tiếp; thúc đẩy vui chơi thoải mái và độc lập, để trẻ phát triển các kỹ năng xã hội một cách tự nhiên, tự chủ khi trưởng thành.

Cuốn sách viết bằng ngôn ngữ dễ hiểu, tác giả chứng minh lập luận bằng biểu đồ, số liệu. Trên trang cá nhân, tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh viết: "Với văn phong linh hoạt, đại chúng, dễ đọc, lôi cuốn bằng cách mô tả thế giới thực - ảo của gen Z qua những hình ảnh ẩn dụ thú vị, tác giả vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại về cuộc sống của thế hệ lo âu, thế hệ có tuổi thơ gắn liền với công nghệ mà giảm bớt vui chơi tự do và được, bị bảo vệ quá mức trong đời thực mà thiếu sự bảo vệ trong thế giới ảo".

Theo GateNotes, tỷ phú Bill Gates nhận định đây là cuốn sách người nuôi dạy trẻ, cha mẹ và nhà giáo dục phải đọc. Tỷ phú lo lắng khả năng tư duy phản biện và tập trung của trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi công nghệ. Ông viết trên blog: "Haidt giải thích sự thay đổi trong cách trẻ em ngày nay trải qua tuổi thơ, từ nô đùa chạy nhảy đến chỉ dùng điện thoại, tác động khả năng các bé phát triển và xử lý cảm xúc. Tôi đánh giá cao việc tác giả không chỉ nêu ra vấn đề mà còn trình bày các giải pháp đáng cân nhắc".

Tác giả Jonathan Haidt. Ảnh: Colgate University

Tác giả Jonathan Haidt. Ảnh: Colgate University

Jonathan Haidt là Giáo sư về lãnh đạo đạo đức tại trường Kinh doanh Stern, đại học New York, Mỹ. Các nghiên cứu của ông tập trung vào tâm lý đạo đức và chính trị. Năm 2019, ông được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ, là một trong 50 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới do tạp chí Prospect bình chọn.
 
Bên trên