'Thời đại thứ tư' thách thức tương lai con người

Nguyễn May

Well-known member
Sách "Thời đại thứ tư" của tác giả Byron Reese nêu triển vọng và thách thức con người sẽ đối mặt ở thời đại bùng nổ công nghệ, thông tin.

Cuốn Thời đại Thứ Tư (tên gốc: The Fourth Age) được viết với mong muốn miêu tả chi tiết cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra và sự ảnh hưởng của nó trên mọi khía cạnh của cuộc sống. Trong đó, tác giả - vốn là một doanh nhân, nhà nghiên cứu công nghệ - đúc kết những hiểu biết nhằm cung cấp thêm cách nhìn về bản chất của thế giới hiện đại và tương lai.

Tác giả đưa ra nhiều thông tin bối cảnh lịch sử, sự tiến hóa về mặt sinh học cũng như văn hóa và xã hội của loài người, qua đó làm rõ mối quan hệ phức tạp và dai dẳng của con người với những công cụ tiết kiệm sức lao động.

Bìa sách Thời đại thứ tư.

Bìa sách "Thời đại thứ tư", Lương Trọng Vũ dịch. Ảnh: First News

Byron Reese cho rằng xuyên suốt chiều dài của nền văn minh, nhân loại chỉ có ba lần thay đổi lớn, đó là khi lửa, nông nghiệp và chữ viết được phát minh. Với sự xuất hiện của AI, con người đang tiến gần đến lần thay đổi thứ tư. "Cả thế giới sẽ thay đổi. Chúng ta thật sự đang ở giai đoạn bình minh của một thời đại mới", Byron Reese nhận định.

Vì sao cùng nhìn về trí tuệ nhân tạo, robot có người lạc quan với viễn cảnh phát triển cực thịnh, có người lại nghĩ tới thảm họa diệt vong của loài người? Vì sao trên các phương tiện truyền thông, "Đôi khi, đó là những câu chuyện tích cực và tràn đầy hy vọng về tương lai. Nhưng cũng có lúc, đó là những câu chuyện đen tối và đáng sợ", sách nêu.

Nhân loại đang sống trong một thời đại mà mọi thứ đều thay đổi cực kỳ nhanh chóng. Trí tuệ nhân tạo (AI), người máy (robot) thống trị, máy tính có ý thức, những cỗ máy sáng tạo, tự động hóa, siêu trí tuệ. Người ta cũng dần quen với những cụm từ: Không còn sự thiếu thốn, của cải không giới hạn, sự giàu có bên cạnh những "hình ảnh" đầy mâu thuẫn: Một tương lai không có việc làm, những con người vô dụng, một tầng lớp vĩnh viễn ở đáy xã hội.

Điều đáng nói là sự mâu thuẫn đó nằm ngay trong những cuộc tranh luận của chính các chuyên gia, những người nổi tiếng. Byron Reese viết: "Tất cả chuyên gia trong những bài viết đó đều là những người thông minh và nắm nhiều thông tin. Nhưng những dự đoán họ đưa ra về tương lai không phải chỉ hơi khác nhau, mà là rất khác biệt và hoàn toàn đối lập nhau".

Những tên tuổi như: Elon Musk, Stephen Hawking, Bill Gates bày tỏ nỗi lo ngại AI sẽ trở thành mối đe dọa với sự tồn tại của loài người trong tương lai gần. Còn một nhóm chuyên gia cũng nổi tiếng không kém với những cái tên như: Mark Zuckerberg, Andrew Ng, Pedro Domingos lại thấy "quan điểm lo sợ trên xa vời đến mức không đáng để bàn luận". Khi xem xét câu hỏi liệu máy tính có ý thức và sau đó là có sự sống hay không, giới chuyên gia lại tiếp tục bất đồng ý kiến với nhau.

Tác giả đặt câu hỏi: Có con đường nào dẫn chúng ta thoát khỏi tình cảnh này không? Câu trả lời của ông là: "Tôi nghĩ là có". Theo ông, "con đường đó bắt đầu khi chúng ta nhận ra những chuyên gia này bất đồng ý kiến không phải vì họ biết những thứ khác nhau, mà vì họ tin vào những điều khác nhau". Chẳng hạn, có những người dự đoán chúng ta sẽ làm ra những chiếc máy tính có ý thức vì tin rằng con người là những cỗ máy, sớm muộn gì chúng ta cũng có thể tạo ra một con người bằng máy. Trái lại, những ai tin rằng máy móc sẽ không bao giờ có ý thức cũng kiên quyết không bị thuyết phục bởi lập luận con người đơn thuần là những sinh vật cơ học.

Và như tác giả nêu, "đó là những gì cuốn sách này sẽ đề cập: Giải mã những niềm tin cốt lõi vốn là nền tảng củng cố các quan điểm khác nhau về người máy, công việc, AI và ý thức".

Byron Reese viết: "Những câu hỏi chúng ta tìm hiểu trong cuốn sách này không xoay quanh những thuật ngữ về bán dẫn, tế bào thần kinh hay thuật toán mà chính là về bản chất của hiện thực, nhân loại và tâm trí".

Từ các phân tích, tác giả cho thấy mong muốn khơi dậy ý thức về tầm quan trọng của việc mỗi người phải chuẩn bị tâm lý và tri thức để đối mặt với những thay đổi không ngừng của thế giới.

Tờ New York Times nhận định: "Thời đại thứ tư không chỉ thảo luận sự trỗi dậy của AI có ý nghĩa đối với chúng ta, mà còn khiến chúng ta phải nhìn nhận lại các định kiến của mình. Và cả hai điều này đều được thực hiện với cách dẫn dắt vừa hấp dẫn vừa có tính giải trí".

Byron Reese là Giám đốc điều hành kiêm người chịu trách nhiệm xuất bản nội dung cho Công ty nghiên cứu công nghệ Gigaom, đồng thời cũng là nhà sáng lập của một số công ty công nghệ cao. Ông dành phần lớn cuộc đời để tìm hiểu mối tương quan giữa công nghệ với lịch sử loài người. Byron Reese có nhiều bằng sáng chế được cấp hoặc đang chờ được cấp trong nhiều lĩnh vực như gọi vốn cộng đồng, sáng tạo nội dung và tâm lý học.
 
Bên trên