Thử nghiệm Intel Raptor Lake-S - Core i9-13900K hiệu năng cực mạnh

toringuyen0509

Well-known member
Thử nghiệm Intel Raptor Lake-S - Core i9-13900K hiệu năng cực mạnh


Vi xử lý Intel thế hệ 13 chính thức ra mắt hồi cuối tháng 9 vừa qua, trang bị thêm các nâng cấp mới trong khi giữ lại những thông số đáng giá của thế hệ 12 “Alder Lake-S”. Raptor Lake-S hỗ trợ các công nghệ mới nhất như PCI Express 5.0, bộ nhớ DDR5 nhưng vẫn còn đó tùy chọn DDR4 để phù hợp cho những hệ thống cần tiết kiệm chi phí. Người dùng Alder Lake hiện tại cũng dễ dàng nâng cấp lên thế hệ 13, chỉ cần tiến hành cập nhật BIOS cho mainboard chipset Intel 600 Series. Dĩ nhiên, nếu thích sự mới mẻ, nền tảng chipset Intel 700 đã sẵn sàng, cải thiện về kết nối và các tính năng ép xung CPU.

https://tinhte.vn/thread/tren-tay-intel-core-the-he-13-raptor-lake-sample-kit.3577152/

Khoảng thời gian đầu, Intel chỉ giới thiệu 3 phiên bản gồm Core i5-13600K, Core i7-13700K và Core i9-13900K. Đối với mainboard 700 Series, các sản phẩm trang bị chipset cao nhất Z790 hiện đã có mặt trên thị trường, trong khi dòng trung cấp H770 và phổ thông B760 sẽ sớm xuất hiện. Intel Core i5-13600K có 14 nhân (6 nhân Performance + 8 nhân Efficient), 20 luồng xử lý, xung tối đa 5.1 GHz; Intel Core i7-13700K có 16 nhân (8 nhân Performance + 8 nhân Efficient), 24 luồng xử lý, xung tối đa 5.4 GHz; Intel Core i9-13900K có 24 nhân (8 nhân Performance + 16 nhân Efficient), 32 luồng xử lý, xung cao nhất đến 5.8 GHz.

Và nếu quan tâm hơn tới con chip Core i5, thì mời anh em đọc đánh giá Core i5-13600K: https://tinhte.vn/thread/core-i5-13...ung-da-chin-muoi-nhung-no-danh-cho-ai.3581045

Intel Core i5-13600K: Tiềm năng kiến trúc Intel 7 cuối cùng cũng đã chín muồi, nhưng có nên mua?
Vài năm trời Intel cố gắng hoàn thiện tiến trình 10nm, giờ được họ đặt tên là Intel 7 với những thế hệ CPU chỉ đủ trang bị cho laptop. Năm 2018, Cannon Lake trên laptop chứng minh 10nm của Intel chỉ đủ tạo ra những CPU máy tính xách tay với hiệu…
tinhte.vn



6160998_tren-tay-intel-raptor-lake-sample-kit-tinhte-10.jpg



Intel sản xuất CPU Raptor Lake-S trên tiến trình Intel 7, theo hãng công bố thì tăng thêm 15% hiệu năng đơn nhân và đến 41% hiệu năng đa nhân so với thế hệ trước. Vi xử lý mới trang bị nhân Performance trên nền tảng vi kiến trúc Raptor Cove, được thiết kế cho các tác vụ nặng, cung cấp hiệu năng cao cho game hay những phần mềm tận dụng được lợi thế đơn nhân. Trong khi đó, nhân Efficient dựa trên kiến trúc Gracemont, tương tự như thế hệ trước với vài cải tiến, tham gia vào các tác vụ nền, hay cần nhiều sức mạnh xử lý đa nhân như mã hóa, dựng video. Intel Core thế hệ 13 dùng chung socket LGA 1700 với những hệ thống chạy nền tảng Alder Lake-S hiện tại, vì vậy nếu muốn có hiệu năng cao hơn để đáp ứng nhu cầu xử lý, người dùng sẽ dễ dàng nâng cấp.

6161001_tren-tay-intel-raptor-lake-sample-kit-tinhte-11.jpg


Intel cũng có những cải tiến mới cho IMC (Integrated Memory Controller) bên trong Raptor Lake-S. Core i thế hệ 13 hỗ trợ DDR5 có tốc độ đến 5600 MT/s khi người dùng thiết lập 1DPC (1 DIMM per channel), mức tăng khá cao so với 4800 MT/s trước đó. Nếu thiết lập 2DPC, tốc độ DDR5 được hỗ trợ là 4400 MT/s, so với chỉ 3600 MT/s thế hệ trước. Khả năng hỗ trợ bộ nhớ trong DDR4 là điểm cộng rất lớn của Raptor Lake-S, khi mà người dùng có thể tận hưởng sức mạnh vi xử lý mới nhưng không cần quá tốn kém cho những thành phần còn lại, đặc biệt là khi RAM DDR5 vẫn còn rất đắt đỏ. Hiện tại, giá bán cho 1 thanh DDR4 dung lượng 8 GB đâu đó 700,000 đồng, trong khi chọn DDR5, người dùng cần bỏ ra số tiền khoảng hơn 3 lần.

Những đồn đoán cho thấy rằng Intel vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ DDR4 cho các nền tảng máy tính mới, song song cùng tùy chọn DDR5, ít nhất đến cuối năm 2024. Cách tiếp cận này của Intel sẽ là cứu cánh cho thị trường PC, với số lượng người dùng từ phổ thông đến tầm trung chiếm đa số, và việc phải tốn kém quá nhiều cho RAM DDR5 là điều không ai mong muốn. Dĩ nhiên, trong khoảng 2 năm tới, khi giá thành DDR5 giảm nhiều, trở nên dễ tiếp cận hơn, đồng thời công nghệ và thông số của DDR5 đạt đủ “độ chín” người dùng mới dần chuyển sang RAM mới.

6160995_tren-tay-intel-raptor-lake-sample-kit-tinhte-6.jpg


Về kiến trúc, Raptor Lake-S được bổ sung lượng lớn bộ đệm L2, chia sẻ bộ đệm L3 với mức cao nhất đến 36 MB, tương ứng mức tăng 6 MB so với thế hệ trước. Ở mẫu Core i9-13900K cao nhất, 6 MB tăng thêm này chia đều cho 2 cluster nhân, thay vì tăng riêng dung lượng cache cho từng nhân. Sơ đồ khối của Raptor Lake-S cho thấy mỗi nhân Performance sẽ đi kèm với 1 bộ đệm L3 riêng biệt (LLC), trong khi cụm các nhân Efficient sẽ dùng chung bộ đệm L3. Riêng bộ đệm L2, Intel tăng cường thêm dung lượng cho mỗi nhân, cả P-core lẫn E-core. Mức tăng cho nhân Efficient là 60%, từ 1.25 MB lên 2 MB mỗi nhân, trong khi phần L2 cache dùng chung cho cụm E-core cũng tăng gấp đôi, từ 2 MB lên 4 MB. Cải tiến này mang lại kết quả là hiệu năng cao hơn trong các tác vụ đa luồng, đồng thời cũng cải thiện về IPC ở những tác vụ nhất định nhờ các nhân được cung cấp nhiều dữ liệu hơn. Dung lượng bộ đệm L1 giữ nguyên. Ở thế hệ 13, AVX-512 vẫn chưa được E-core hỗ trợ, vì vậy tính năng này tạm thời bị khóa lại, trong khi AXV2 và VNNI hoạt động bình thường.

Tiến trình Intel 7 dùng để tạo nên Raptor Lake-S được nâng cấp với các transistor SuperFin thế hệ 3, nhằm tăng cường hiệu năng và năng lượng, ở cả mức xung cao lẫn điện thế thấp. V-F Curve cho thấy vi xử lý mới có thể hoạt động ở xung cao hơn 200 MHz trong khi giữ nguyên điện thế, hoặc giảm 50 mV khi giữ nguyên xung. Theo Intel, Raptor Cove là nhân nhanh nhất mà hãng từng sản xuất, tuy nhiên khi mang lên nền tảng thiết bị di động, Raptor Cove sẽ được tinh chỉnh để tập trung vào hiệu suất sử dụng năng lượng.

intel-z790-chipset-tinhte.jpg



Chipset Intel 700 Series có vài cải tiến nhẹ về kết nối so với Intel 600 Series. Cụ thể hơn, PCH (Platform Controller Hub) mới sẽ cung cấp 20 làn PCIe 4.0, tăng thêm 8 làn so với thế hệ trước, đồng thời giảm số làn PCIe 3.0 từ 16 còn 8. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng mở rộng của mainboard sẽ tốt hơn, và tốt hay ứng dụng, thiết lập như thế nào sẽ tùy thuộc vào các đối tác sản xuất. Số lượng cổng USB 3.2 Gen 2x2 (20 Gbps) cũng tăng thêm 1, từ tối đa 4 cổng lên 5 cổng. Những thông số và tính năng khác của Intel 700 Series và Intel 600 Series là tương đồng với nhau.

intel-thread-director-tinhte.jpg


Intel Thread Director là 1 trong những thứ ấn tượng và sáng tạo nhất mà Alder Lake-S mang lại cùng với kiến trúc nhân lai. Công nghệ này được xây dựng trực tiếp ngay trong phần cứng, cung cấp các tập lệnh đặc biệt để đảm bảo phân phối đúng luồng công việc vào đúng nhân xử lý và đúng thời điểm. Nhân Performance tập trung vào các tác vụ chủ động, nặng nề và quan trọng (game, đồ họa, dựng hình...), trong khi nhân Efficient dành cho các tác vụ chạy nền, cần ít năng lượng và năng lực xử lý. Khi cần thiết, Thread Director sẽ hoán đổi vai trò của P-core và E-core để đáp ứng nhu cầu công việc, đồng thời luôn tối ưu hóa năng lượng sao cho đúng lúc và đúng chỗ nhất. Với Raptor Lake-S, Thread Director thậm chí còn cải tiến và thông minh hơn nữa. Thread Director trên CPU Intel thế hệ 13 được thiết kế để có thể nâng cấp và tinh chỉnh, từ đó cải thiện theo thời gian. Intel cập nhật công cụ giúp phân loại khối lượng công việc bằng các thuật toán ML (Machine Learning), ngoài ra còn cải thiện xử lý các tác vụ foreground và background.

Thử nghiệm

Mình thử nghiệm Intel Core i9-13900K với những thành phần linh kiện chủ chốt có thể nói là top đầu ở thời điểm hiện tại. Cấu hình gồm:

  • CPU: Intel Core i9-13900K, Intel Core i9-12900KS
  • Mainboard: ASUS Maximus Z790 Extreme
  • Cooler: ASUS ROG RYUJIN II 360
  • TIM: Thermal Grizzly Kryonaut Extreme
  • RAM: Kingston Renegade DDR5-6400 32 GB (2 x 16 GB)
  • VGA: AMD Radeon RX 6800 XT (Reference)
  • SSD: GIGABYTE AORUS Gen4 SSD 1 TB
  • PSU: Corsair HX1200
Mainboard Maximus Z790 Extreme cao cấp nhất hiện tại của ASUS được chế tạo để đáp ứng nhu cầu của những vi xử lý đầu bảng như Core i9-13900K. Tổng thể mainboard cực kỳ chất lượng, cứng cáp, trang bị hàng đống tính năng và công nghệ, đặc biệt thỏa mãn người dùng với những thứ tuy nhỏ nhưng mang lại trải nghiệm thoải mái và dễ chịu (Q-Latch, Q-Release thế hệ mới). Sản phẩm có kích cỡ E-ATX, thiết kế 24+1 pha nguồn cùng những linh kiện chất lượng cao như tụ điện 10K black metallic, cuộn cảm MicroFine alloy, 4 khe RAM DDR5-7800, dàn tản nhiệt VRM lớn, tản nhiệt M.2 SSD... Nhìn chung nếu cần 1 nền tảng cao cấp và dư dả, Maximus Z790 Extreme là mẫu mainboard hàng đầu mà anh em có thể mua được bằng tiền.


intel-core-i9-13900k-system-tinhte.jpg


Chịu trách nhiệm làm mát cho Core i9-13900K là bộ tản nhiệt nước AIO ASUS ROG RYUJIN II 360. Thiết kế block nước dạng vuông vức khá cứng cáp, màn hình hiển thị kích thước lớn và có cách lắp đặt dễ dàng, trực quan. Thử nghiệm trong phòng máy lạnh có nhiệt độ trung bình khoảng 27 độ C, Core i9-13900K khi chạy tác vụ dựng hình đạt đến khoảng 97 - 98 độ C, CPU tiêu thụ gần 340 W điện. Không ngoài dự đoán, việc giải nhiệt cho Raptor Lake-S phần nào dễ thở hơn so với Alder Lake-S trước đây, do thiết kế đế vi xử lý có kích thước lớn từ đó dẫn nhiệt lên IHS hiệu quả hơn. Ngoài ra do đế silicon dài nên nhiệt độ ít tập trung hơn cũng giúp tản nhiệt tốt hơn. Ở những tác vụ thông thường hay chơi game, rất hiếm khi Core i9-13900K vượt ngưỡng 90 độ.

Intel Core i9-13900K ↓

Intel Core i9-12900KS ↓

Những phép thử mình thực hiện gồm 3DMark CPU Profile, 3DMark Time Spy, 3DMark Time Spy Extreme, 7-Zip, Blender Benchmark, dựng hình bằng Blender (Classroom và BMW), Corona, AIDA64, CPU-Z, Geekbench, SPECworkstation, CrossMark, SYSMark 25 và UL Procyon (Office Productivity Benchmark). Tất cả đều được so sánh với vi xử lý desktop mạnh nhất thế giới hồi tháng 5/2022 - Intel Core i9-12900KS.
intel-core-i9-13900k-temp-tinhte.png


Kết quả cho thấy Core i9-13900K hoàn toàn vượt trội so với Core i9-12900KS. Nếu như cách đây gần nửa năm, i9-12900KS là CPU desktop nhanh nhất thế giới thì giờ đây chỉ như 1 đứa trẻ khi đứng cạnh i9-13900K. Không chỉ mạnh về hiệu năng thuần túy, Raptor Lake-S còn được cải tiến ở IMC (Integrated Memory Controller), điểm số benchmark cachemem bằng AIDA64 cho thấy rõ điều đó. Ngoài ra, bộ đệm L1, L2 và L3 đều có hiệu năng đọc/ghi/copy cao hơn. Mình chưa thử ép xung Core i9-13900K, có lẽ sẽ hẹn vào 1 nội dung khác. Lý do là để ép xung và hoạt động hiệu quả trong thời gian dài thì i9-13900K cần 1 giải pháp tản nhiệt custom thay vì AIO.

6161010_tren-tay-intel-raptor-lake-sample-kit-tinhte-19.jpg


Nhìn chung, Core i9-13900K là 1 mẫu vi xử lý dành cho máy tính để bàn nhanh nhất ở thời điểm hiện tại. Đây là 1 sản phẩm rất thích hợp cho những khách hàng có nhu cầu về khả năng xử lý thuần túy từ CPU, khi kết hợp với giải pháp tản nhiệt tốt, RAM DDR5 tốc độ cao, hiệu năng nhận được là rất ấn tượng. Có thể nói chỉ sau 1 thế hệ đầu tiên “chập chững” với DDR5, Raptor Lake-S đã hoàn toàn lột xác trên nền bộ nhớ mới, trong khi vẫn giữ được tính tương thích cho những hệ thống tầm trung và phổ thông cùng DDR4.
 
Bên trên