Top 5 đặc sản Yên Bái du khách không nên bỏ lỡ

Phuong Nam

Well-known member
Đặc sản Yên Bái níu chân du khách bởi những món ăn ngon được chế biến từ thịt và bánh hấp dẫn như: Xôi trứng kiến, thịt trâu gác bếp, cốm Tú Lệ, bánh chưng đen Mường Lò, bánh chuối Lục Yên,…
Yên Bái là tỉnh thuộc vùng núi Tây Bắc với nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng mang bản sắc các dân tộc như Mù Cang Chải, Mường Lò,…
Tới đây, ngoài chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên nên thơ, tuyệt đẹp, du khách còn có cơ hội trải nghiệm, thưởng thức nhiều món ngon, đặc sản nổi danh của người Thái, người Tày như xôi trứng kiến, thịt trâu gác bếp, cốm Tú Lệ, bánh chưng đen Mường Lò, bánh chuối Lục Yên,…

Xôi trứng kiến
Xôi trứng kiến là một trong những đặc sản nổi tiếng ở vùng đất Mù Cang Chải. Bước sang mùa xuân, kiến đen bắt đầu đẻ trứng. Thời điểm này, bà con dân tộc Tày, Dao, Thái ở Yên Bái lại vào rừng tìm trứng kiến về nấu xôi.



Món xôi trứng kiến (Ảnh: @vietnamesegod).
Món xôi trứng kiến ở Yên Bái được làm từ hai nguyên liệu chính là gạo nếp nương và trứng của kiến đen ở trong rừng. Người ta sẽ nêm nếm gia giảm như củ kiệu phi với mỡ gà rồi gói trong lá chuối ngự giúp món ăn có mùi thơm đặc trưng, hòa quyện trong từng hạt xôi mềm dẻo.
Cốm Tú Lệ
Nếp Tú Lệ được ví như “hạt ngọc trời” của vùng thung lũng Tú Lệ. Đây là loại gạo đặc sản nổi tiếng của vùng đất Văn Chấn, là nguyên liệu làm nên nhiều món ngon trứ danh, trong đó không thể không nhắc đến cốm Tú Lệ.





Cốm Tú Lệ có màu xanh đặc trưng của lúa nếp, ngon nhất lúc vừa làm xong. Hạt cốm dẻo quyện thơm và hậu vị có một chút đắng sau đó chuyển sang vị thanh và hơi ngọt (Ảnh: @chanhdaosaigon).
Để làm ra những mẻ cốm dẻo, xanh, thơm ngọt, người Tú Lệ phải ra đồng từ sớm tinh mơ, lựa chọn những bông lúa to tròn, căng mẩy nhưng thân rơm vẫn còn xanh, gặt chúng về khi còn đẫm sương đêm rồi tuốt bằng tay một cách kỳ công và cẩn thận.
Thịt trâu gác bếp
Là đặc sản thường thấy của người Thái đen ở các tỉnh vùng cao phía Bắc nhưng thịt trâu gác bếp ở Yên Bái có hương vị riêng. Món ăn này thường được làm từ thịt bắp của những con trâu thả rông trên các vùng núi, đồi nên ngon và thơm, thớ thịt không bị mềm hay bở.



Khói ám lâu ngày làm thịt trâu khô săn lại, bên ngoài màu nâu thẫm nhưng bên trong vẫn hồng hào. Đặc biệt, thịt trâu gác bếp có mùi thơm khó tả, mang đậm phong vị núi rừng, đủ hấp dẫn bất cứ ai (Ảnh: Vương Ngọc Thảo).
Cách làm thịt trâu gác bếp không khó nhưng đòi hỏi sự kỳ công. Người ta cắt những mảng thịt to (có thể chọn miếng thăn, bắp ở vai, lưng con trâu) rồi chia các thớ thịt ra thành từng miếng hình con chì.
Tiếp đến, thái dọc thớ và ướp thịt với ớt, muối, gừng, nước lá rừng và mắc khén (hạt tiêu rừng) rồi treo lên gác bếp hun khói cho óng đen, quắt khô để bảo quản.
Bánh chưng đen Mường Lò
Vào mỗi dịp Tết đến, xuân về, người Thái ở Mường Lò (Yên Bái) lại làm bánh chưng đen để thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên và trời đất.
Nguyên liệu làm món bánh tuy đơn giản nhưng được chọn lựa kỹ càng. Lá dong phải lấy loại có khổ vừa phải, rửa sạch, lau khô. Gạo nếp được chọn phải là nếp Tú Lệ thơm ngon. Thịt lợn chọn từ phần ba chỉ, hơi nhiều mỡ, đem thái mỏng, ướp với gia vị, hành củ và hạt tiêu. Đỗ xanh đãi sạch vỏ, không lẫn sạn.





Không chỉ xuất hiện trong ngày tết, ngày hội của dân bản, bánh chưng đen Yên Bái còn trở thành đặc sản hút khách thưởng thức khi đến Mường Lò (Ảnh: Dieu Linh Hoang).
Để tạo màu đen cho bánh chưng, bà con nơi đây thường lấy thân cây núc nác rồi tước vỏ hoặc dùng hoa của cây vừng đen đốt thành than, giã mịn như bột, sau đó trộn lẫn với gạo nếp và đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen.
Bánh chuối Lục Yên
Bánh chuối là món ăn chứa đựng giá trị tinh thần được người Tày ở Lục Yên truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bánh chuối thường được dùng làm đồ cúng tế trong những dịp trọng đại của gia đình, dòng họ và dần trở thành đặc sản nổi danh được nhiều thực khách biết đến.



Bánh chuối Lục Yên được làm từ chuối và bột gạo. Theo người bản địa, muốn bánh thơm, ngọt thì chọn chuối tiêu; muốn bánh có độ dai dẻo, màu sắc sáng thì chọn chuối goòng, chuối lá,... (Ảnh: Đặng Bích Ngọc).
Để làm được một chiếc bánh thơm ngon, giữ được hương vị nguyên vẹn của chuối và có màu vàng như nhúng mật, người địa phương phải chuẩn bị kỳ công từ khi chuối mới ra nải.
Khi chuối chín, người ta đem bóc vỏ rồi sấy khô để dành. Khi làm bánh, chuối sấy khô được đem ngâm nước ấm cho mềm rồi đem đi xay thành bột. Bột gạo cũng phải xay bột nước cùng với bột chuối trộn đều làm vỏ bánh.
Ngoài những món ngon kể trên, nếu có dịp ghé thăm Yên Bái, du khách có thể tìm và mua một số đặc sản không kém phần hấp dẫn khác về làm quà như măng sặt, mắc khén, mật ong nhãn Văn Chấn,
 
Bên trên