'Tour khám phá khoa học sẽ là sản phẩm du lịch mới lạ'

Từ Minh Quân

Well-known member
BÌNH ĐỊNH - Tổ hợp không gian khoa học tại Quy Nhơn thu hút nhiều người đến trải nghiệm giúp địa phương có thêm một sản phẩm du lịch đặc thù, tiềm năng.

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định Trần Văn Thanh trao đổi với VnExpress về đóng góp của ngành kinh tế không khói cho ngân sách địa phương và kế hoạch phát triển các sản phẩm du lịch mới.

Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định tại một hội nghị xúc tiến du lịch. Ảnh: Toàn Thắng

Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định tại một hội nghị xúc tiến du lịch. Ảnh: Toàn Thắng

- Vì sao tỉnh xác định du lịch là ngành mũi nhọn?


- Tỉnh xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020-2025 là bởi có điều kiện tự nhiên, xã hội phù hợp cho sự phát triển du lịch.

Bình Định có nhiều tài nguyên du lịch với nhiều điểm đến, các danh lam thắng cảnh như: Ghềnh Ráng - Tiên Sa, Đầm Thị Nại, Bán đảo Phương Mai, bãi biển Quy Nhơn, Quy Hòa, Hải Giang, Nhơn Lý - Cát Tiến, Trung Lương...

Địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có ba di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Võ cổ truyền, Tuồng và Bài chòi). Riêng nghệ thuật bài chòi (của Bình Định và 7 tỉnh Trung Bộ) đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tỉnh có 11 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa đã lưu lại một hệ thống di sản phong phú, đa dạng với hai di tích cấp quốc gia đặc biệt, 33 di tích cấp quốc gia (trong đó có 14 tháp Champa), 87 di tích cấp tỉnh trúc với nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc độc đáo...

Cùng với kết cấu cơ sở hạ tầng phát triển du lịch (3 tuyến đường quốc lộ đi qua (QL1A, QL1D, QL19), sân bay Phù Cát đã và đang được cải tạo và nâng cấp, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua Bình Định, hệ thống các cảng biển như cảng Quy Nhơn, cảng Nhơn Hội ... tạo điều kiện thuận lợi để ngành du lịch Bình Định phát triển hơn so với các tỉnh, thành khác.

Ngoài ra, Bình Định còn có Trung tâm Quốc tế Khoa học & Giáo dục liên ngành (ICISE) và Tổ hợp không gian khoa học tại TP Quy Nhơn, mở ra sản phẩm du lịch đặc thù mới mẻ là du lịch khám phá khoa học.

- Du lịch đóng góp doanh thu ra sao cho địa phương?

- Du khách đến Bình Định tăng trưởng qua từng năm, năm 2016 ước tính khoảng 3,2 triệu lượt, năm nay ước có 5 triệu lượt khách. Nhờ đó, ngành đóng góp vào ngân sách cũng tăng qua từng năm. Năm 2015 du lịch góp vào ngân sách tỉnh hơn 1.000 tỷ, năm nay ước tính khoảng 16.000 tỷ đồng.

Hiện khách du lịch đến Bình Định chủ yếu là đến từ các địa phương: Hà Nội, TP HCM, Gia Lai, Kom Tum và các tỉnh phía Bắc. Khách quốc tế đến Bình Định chưa nhiều.


- Địa phương làm gì để kích cầu du lịch thời gian qua?

- Sau đại dịch, để chuẩn bị phục hồi, chúng tôi đẩy mạnh quảng bá xúc tiến, tổ chức nhiều sự kiện, vận động các doanh nghiệp nâng cấp cơ sở vật chất từ cuối năm 2021 đến nay.


Năm nay tỉnh triển khai các chính sách, đẩy mạnh công tác hoạt động xúc tiến, liên kết mở rộng thị trường. Để nâng cao chất lượng phục vụ du khách, chúng tôi tổ chức các khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên, tập huấn về chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch (lễ tân, buồng phòng và phục vụ bàn).

"Lễ hội du lịch Bình Định 2023 Quy Nhơn - Thiên đường biển" với nhiều hoạt động như: Lễ hội khinh khí cầu, biểu diễn xe phân khối lớn trên cát, Giải đua xe đạp mở rộng cũng thu hút đông đảo du khách.

Chúng tôi cũng hợp tác với các hãng hàng không, các tập đoàn du lịch lớn như: Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietravel, Saigontourist, Hanoitourist thúc đẩy đưa khách du lịch đến Bình Định.

- Hạ tầng được tỉnh đầu tư ra sao để thúc đẩy du lịch?

- Thời gian qua, Bình Định đã nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội sẵn sàng đón các nhà đầu tư. Với riêng ngành du lịch, tỉnh đã đầu tư hạ tầng giao thông tại các cụm du lịch, đường đến các khu, điểm tham quan và tuyến đường ven biển, Quốc lộ 19 mới và các tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 1 đến đường ven biển, cơ sở hạ tầng đường giao thông của Khu kinh tế Nhơn Hội; nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 19B đoạn Sân bay Phù Cát đến Bảo tàng Quang Trung.

Địa phương cũng nâng cấp, sửa chữa Cảng hàng không Phù Cát; cải tạo nhà ga Diêu Trì, cảng biển, cảng thủy nội địa dành cho khách du lịch... Trùng tu, nâng cấp các công trình kiến trúc lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.

Tỉnh xây dựng phương án quy hoạch giải quyết một số khó khăn còn tồn tại trong việc thu hút vốn đầu tư, đặc biệt từ những ông lớn khách sạn thế giới.

Chúng tôi xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án hạ tầng, các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch.

- Phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn văn hóa được địa phương thực hiện như thế nào?

- Bình Định ngày nay vốn là vùng định đô khá dài của vương quốc cổ Chămpa ở giai đoạn phát triển rực rỡ nhất. Do đó, văn hóa Chămpa để lại di tích khá đậm đặc với nhiều loại hình và số lượng khá phong phú. Tiêu biểu trong số này là hệ thống các tháp Chăm nghìn năm tuổi có nét độc đáo, bí ẩn, thể hiện trình độ kiến trúc và nghệ thuật Chămpa ở từng giai đoạn phát triển khác nhau.

Hiện địa phương có các tour du lịch tham quan một số di tích tháp Chăm, như: tour tham quan tháp Đôi (Quy Nhơn), tháp Bánh Ít (Tuy Phước), tháp Cánh Tiên (An Nhơn), tháp Dương Long (Tây Sơn).

Sở và Hiệp hội du lịch Bình Định phối hợp tổ chức, khai thác các loại hình nghệ thuật, dịch vụ để tổ chức tại các tháp Chăm phục vụ du khách, như: Liên kết tour du lịch đưa du khách đến tham quan các di tích tháp Chăm; số hóa thông tin di tích tháp Chăm; khai thác một số loại hình dịch vụ, biểu diễn nghệ thuật để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tháp Chăm...

Bờ biển vầng trăng khuyết Quy Nhơn. Ảnh: Nguyễn Phan Dũng Nhân

Bờ biển hình vầng trăng khuyết Quy Nhơn. Ảnh: Nguyễn Phan Dũng Nhân

- Tại sao Bình Định có tour du lịch khám phá khoa học?


- Phát triển dịch vụ du lịch tại Trung tâm Quốc tế Khoa học & Giáo dục liên ngành (ICISE) và Tổ hợp không gian khoa học tại TP Quy Nhơn nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Đây cũng là nội dung chương trình hành động của tỉnh nhằm phát triển sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng.

Thung lũng Quy Hòa đã được tỉnh quy hoạch thành đô thị khoa học với sự hình thành Trung tâm ICISE. Tại đây sẽ hình thành Đại lộ Nobel ghi danh các nhà khoa học đạt giải Nobel đã từng đến.

Trung tâm Khám phá Khoa học ExploraScience Quy Nhơn có 7 phòng theo các chủ đề: khám phá, tìm hiểu về vũ trụ, Hệ Mặt trời, Trái đất và tài nguyên thiên nhiên, các quy luật của tự nhiên...

Từ đó chúng tôi đã thử nghiệm tour du lịch khoa học. Tour này rất phù hợp với các em thiếu nhi, học sinh, sinh viên khi được giới thiệu, truyền tải kiến thức khoa học một cách trực quan.

Hiện ExploraScience Quy Nhơn đã xây dựng chương trình trải nghiệm khoa học phục vụ miễn phí các đoàn khách với ba nội dung: trải nghiệm các phòng trưng bày; tham gia show khoa học và trò chơi trong nhà và ngoài trời.

Bên cạnh khoa học, chúng tôi muốn phát triển hai sản phẩm du lịch mới mẻ khác là du lịch thể thao (võ cổ truyền, du lịch goft, chạy viết dã, bóng chuyền bãi biển)...và du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Khách tham quan mô hình vũ trụ ở Tổ hợp không gian khoa học. Ảnh: ExploraScience Quy Nhơn

Khách tham quan mô hình vũ trụ ở Tổ hợp không gian khoa học. Ảnh: ExploraScience Quy Nhơn

- Theo ông việc kết hợp các giải thể thao như marathon hay đua thuyền buồm sẽ thúc đẩy du lịch ra sao?


- Trong những năm gần đây Bình Định tổ chức nhiều giải chạy và các hoạt động du lịch thể thao với các bộ môn như võ cổ truyền, du lịch golf, bóng chuyền bãi biển, Trong đó phải kể đến giải chạy VnExpress Marathon Quy Nhơn được tổ chức thường niên vào tháng 6 hàng năm với quy mô hơn 10.000 vận động viên trong nước và quốc tế.

Trong tháng 10 vừa qua diễn ra Giải đua Thuyền buồm quốc tế và ván chèo đứng tại Quy Nhơn thu hút 116 vận động viên trong nước và quốc tế thu hút 11.700 lượt khách trong nước và quốc tế. Đây là sự kiện thể thao đầu tiên trong chuỗi sự kiện bên lề quảng bá Giải đua thuyền máy Nhà nghề quốc tế Grand Prix Binh Dinh 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Việc kết hợp các hoạt động thể thao như một luồng khi mới kích thích nhu cầu của khách du lịch trải nghiệm, khám phá những điều mới lạ.

- Tỉnh có kế hoạch gì để thu hút khách quốc tế?

- Trong chương trình hành động, chúng tôi muốn thu hút du khách Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nga và Đông Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ, Châu Đại Dương. Các chương trình của tỉnh sẽ chú trọng vào các nước đã được miễn visa, quy mô thị trường lớn.

Thời gian qua, Sở đã sang Hàn Quốc phối hợp với chính quyền địa phương quận Yongsan, TP Seoul tổ chức triển lãm nghệ thuật và hội thảo xúc tiến, quảng bá thu hút du khách. Ngoài ra chúng tôi đã làm việc với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nước này bày tỏ sự quan tâm và đề xuất chuyến bay thẳng đến Bình Định. Tỉnh đang hiện thực hóa chuyến bay Incheon - Hàn Quốc.

Chúng tôi đang tham mưu tỉnh việc triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch, ẩm thực giữa Bình Định và Hội hữu nghị Nhật Việt thành phố Saikai giai đoạn tới.
 
Bên trên