Trích 'Tiểu sử Elon Musk' (phần 2): Những vết sẹo tuổi thơ

Quang Minh

Well-known member
Tỷ phú Mỹ Elon Musk từng bị bố đưa vào trại sinh tồn, nơi những đứa trẻ đánh nhau, giành đồ ăn để sống sót.

Là một đứa trẻ lớn lên ở Nam Phi, Elon Musk thấm thía nỗi đau và đã học cách vượt lên nỗi đau để sống sót.

12 tuổi, cậu được đưa bằng xe buýt đến một trại sinh tồn nơi hoang dã (gọi là veldskool). "Đó là mô hình bán quân sự kiểu tiểu thuyết Chúa Ruồi", cậu hồi tưởng. Mỗi đứa trẻ được phát một phần thức ăn nước uống nhỏ và được cho phép, thật ra là khuyến khích, đánh nhau. "Bắt nạt được coi là tính tốt", em trai Kimbal của Elon Musk nói. Những đứa lớn mau mắn học cách đấm thẳng vào mặt và cướp thức ăn của những đứa bé. Vừa nhỏ con lại ngượng nghịu về cảm xúc, Musk bị nện nhừ tử hai lần. Hết kỳ cắm trại, Elon sụt tới năm cân.

Ba tuần sắp sửa kết thúc, đám con trai chia thành hai nhóm, người ta bảo chúng tấn công nhau. "Thật điên rồ, loạn trí", Musk nhớ lại. Cứ vài năm lại có một đứa bỏ mạng. Các tư vấn viên kể lại những chuyện như thế để dằn mặt. "Đừng ngớ ngẩn như thằng ngu đã chết năm ngoái", họ nói. "Chớ tự biến mình thành một thằng ngu yếu ớt".

Bìa sách Tiểu sử Elon Musk bản tiếng Việt. Ảnh: AlphaBooks

Bìa sách "Tiểu sử Elon Musk" bản tiếng Việt. Ảnh: AlphaBooks

Lần thứ hai đến đó, Elon sắp bước sang tuổi 16. Cậu lớn hơn nhiều, cao phổng lên tới 1,83 m với khổ người đồ sộ như gấu, và đã luyện một ít judo. Vậy nên veldskool không đến nỗi kinh khủng. "Lúc ấy, tôi ngộ ra là nếu có đứa nào bắt nạt, tôi sẽ táng thật lực vào mũi nó, thế là nó sẽ không còn dám bắt nạt tôi. Chúng nó có thể nện tôi thừa sống thiếu chết, nhưng nếu tôi đấm vào mũi chúng nó, chúng nó sẽ không bám theo tôi nữa".

Nam Phi thập niên 1980 là một nơi đầy bạo lực, những vụ tấn công bằng súng máy và chém giết bằng dao xảy ra như cơm bữa. Một lần, Elon và Kimbal xuống tàu, đi đến một buổi hòa nhạc chống phân biệt chủng tộc, hai anh em phải lội qua vũng máu bên cạnh xác chết vẫn còn nguyên con dao cắm vào đầu. Cả buổi tối hôm ấy, máu dính ở đế giày vải của họ gây ra âm thanh lẹp nhẹp, dấp dính trên vỉa hè.

Nhà Musk nuôi mấy con chó giống chăn cừu Đức, được huấn luyện để tấn công bất cứ ai mon men quanh nhà. Lên sáu tuổi, Musk đang chạy trên lối xe vào nhà thì con chó cưng chồm lên, cắn một vết to tướng ở lưng. Trong phòng cấp cứu, người ta sửa soạn để khâu vết thương, Elon từ chối điều trị chừng nào được hứa là con chó sẽ không bị trừng phạt. "Không được giết nó đấy nhé?". Mọi người hứa sẽ không làm vậy. Kể lại câu chuyện, Musk ngừng lời, mắt đăm đăm trống vắng hồi lâu. "Thế mà họ bắn con chó chết tươi".


Những trải nghiệm gây chai sạn nhất với Elon là ở trường học. Suốt bao năm, cậu là học sinh bé nhỏ nhất lớp. Cậu loay hoay nắm bắt các tín hiệu giao tiếp. Lòng trắc ẩn không tự nhiên mà có, và Elon không hề khao khát, cũng chẳng có bản năng gây thiện cảm. Kết quả là cậu thường xuyên bị đám côn đồ trong trường học nhắm làm mục tiêu, chúng sẽ xông tới, đấm vào mặt cậu. "Nếu chưa bao giờ bị đấm vào mũi, anh sao hiểu được nó sẽ ảnh hưởng đến hết quãng đời còn lại thế nào", Elon nói.

Sáng nọ, vào giờ tập trung, đang mải giỡn hớt với đám bạn, một học trò xô vào Elon. Elon đẩy nó ra, đôi bên lời qua tiếng lại. Đến giờ giải lao, thằng kia cùng lũ bạn lùng sục khắp nơi và thấy Elon đang ăn bánh kẹp. Chúng nhào lên từ phía sau, đá vào đầu, đẩy Elon lăn lông lốc xuống cầu thang xi măng. "Chúng ngồi lên người, đấm túi bụi, đá lia lịa vào đầu anh ấy", Kimbal kể lại, khi đó cậu đang ngồi với anh trai. "Lúc chúng nó đánh xong, tôi thậm chí còn không thể nhận ra mặt anh ấy. Đấy chỉ còn là một cục thịt sưng u đến nỗi gần như không nhìn thấy mắt". Elon được đưa vào viện và phải nghỉ học một tuần. Một thập kỷ sau, Elon vẫn phải phẫu thuật chỉnh hình với nỗ lực sửa sang các mô trong mũi.

Nhưng những vết sẹo ấy chỉ là vặt vãnh nếu so với những vết sẹo cảm xúc gây nên bởi người cha - Errol Musk - một kỹ sư, một tên lừa đảo, một gã văn thơ lai láng, đến tận ngày nay vẫn làm Elon điêu đứng khổ sở. Sau vụ đánh nhau ở trường, Errol về phe đứa đã nện nát mặt Elon. "Thằng bé vừa mới mất cha vì ông ta tự tử, Elon lại còn bảo nó ngu", Errol nói. "Elon có thói bảo người khác là ngu. Làm sao tôi trách đứa bé kia được?".

Cuối cùng, khi xuất viện về nhà, Elon bị cha nhiếc móc. "Tôi đã phải đứng suốt một tiếng đồng hồ trong khi ông ấy la lối tôi, gọi tôi là đồ dốt nát, vô tích sự", Elon nhớ lại. Tận mắt chứng kiến bài rỉa rói, Kimbal nói đó là ký ức tệ nhất cuộc đời. "Cha tôi cả giận mất khôn, ông vẫn hay thế. Ông tuyệt đối không biết thông cảm".

Elon Musk tại hội nghị Viva Technology ở Porte de Versailles (Pháp) ngày 16/6. Ảnh: Reuters

Elon Musk tại hội nghị Viva Technology ở Porte de Versailles (Pháp) ngày 16/6. Ảnh: Reuters

Elon và Kimbal đã không còn nói chuyện với cha, cả hai đều khẳng định tuyên bố của ông ta rằng Elon gây sự đánh nhau là nhầm lẫn, và rằng cuối cùng thủ phạm đã bị đưa vào nhà tù cho trẻ vị thành niên. Họ bảo cha mình là một gã dối trá đồng bóng, hay bịa ra những câu chuyện đầy chi tiết hoang đường, lắm lúc do chủ tâm, khi khác chỉ là ảo tưởng. Họ bảo ông ta có bản chất thiện ác bất phân. Vừa niềm nở thân thiện, thoắt cái đã chuyển sang chế độ lăng mạ suốt hơn một giờ đồng hồ. Ông ta sẽ kết lại mọi bài sỉ vả bằng câu nói Elon thảm hại thế nào. Elon sẽ phải chôn chân tại chỗ, không được phép rời đi. "Đó là tra tấn tinh thần", Elon nói. Anh ngưng lại hồi lâu và thoáng nghẹn lời. "Rõ là ông ta biết cách làm cho mọi thứ trở nên kinh khủng".

Khi tôi gọi cho Errol, ông nói chuyện với tôi gần ba tiếng đồng hồ, sau đó duy trì liên lạc thường xuyên bằng các cuộc gọi và tin nhắn trong hai năm tiếp theo. Ông hào hứng mô tả và gửi cho tôi ảnh chụp những thứ đẹp đẽ ông đã chu cấp cho các con mình, ít nhất trong những giai đoạn mà công việc kỹ sư của ông còn đang khấm khá. Có lúc ông lái hẳn một chiếc Rolls-Royce, dựng một túp lều ở nơi hoang dã với các con, và lấy ngọc lục bảo thô từ một chủ mỏ ở Zambia, cho đến lúc việc làm ăn lụn bại.

Nhưng Errol thừa nhận ông khuyến khích sự rắn rỏi cả về thể chất lẫn cảm xúc. "Trải nghiệm của chúng khi ở với tôi hẳn khiến đời sống ở trại thành ra quá lành", ông nói, cho biết thêm rằng bạo lực đơn thuần là một phần trong trải nghiệm học tập ở Nam Phi. "Hai thằng ghìm anh xuống trong khi một thằng khác cầm khúc gỗ táng vào mặt anh, kiểu thế. Đám trẻ mới nứt mắt buộc phải đánh trả lũ côn đồ trường học ngay ngày đầu đến lớp". Ông tự hào kết luận rằng ông đã thực hành "chế độ chuyên quyền kiểu đường phố vô cùng cứng rắn" với các con trai. Rồi ông nhấn mạnh quan điểm khi nói thêm: "Sau này, Elon cũng sẽ áp dụng chế độ chuyên quyền cứng rắn như vậy với chính mình và những người khác".

"Có ai đó từng nói rằng mỗi người đàn ông cố gắng sống sao cho xứng với những kỳ vọng của cha, hoặc bù đắp những sai lầm của cha mình, và tôi cho rằng điều đó khả dĩ lý giải những thói tật của chính tôi", Barack Omaba viết trong hồi ký của ông như vậy. Trong trường hợp của Elon Musk, ảnh hưởng của người cha lên thần kinh của anh sẽ còn dai dẳng, bất chấp nhiều nỗ lực để xua đuổi ông, cả về thực thể lẫn tâm lý. Tâm trạng của Elon xoay chuyển giữa nhẹ nhõm và nặng nề, giữa căng thẳng và vui nhộn, giữa lạnh lùng với ủy mị, và thỉnh thoảng anh lại sa vào một thứ khiến những người quanh anh kinh hoảng gọi là "chế độ quái vật". Khác với cha mình, Elon sẽ tận tình với các con, nhưng ở những khía cạnh khác, hành vi của anh sẽ báo hiệu mối hiểm nguy cần được chế ngự liên tục: một bóng ma, như cách nói của mẹ Elon, "rằng Elon có thể trở thành một người giống cha mình". Đó là một trong những khuynh hướng nổi bật nhất trong thần thoại. Cuộc phiêu lưu bi tráng của người anh hùng trong Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) đòi hỏi phải yểm trừ ma quỷ do Darth Vader để lại và vật lộn với mặt tối của Thần Lực ở mức độ nào?

"Với tuổi thơ như anh ấy trải qua ở Nam Phi, tôi nghĩ người ta phải để cảm xúc chai sạn đi theo cách nào đó", Justine nói, cô là vợ đầu tiên, là mẹ của năm trong 10 đứa con hiện nay của Elon. "Nếu lúc nào cũng bị cha gọi là thằng điên, đồ đần, có lẽ phản ứng duy nhất là khép chặt khía cạnh nội tâm có khả năng mở ra những chiều cảm xúc mà anh ấy không có công cụ để ứng phó". Van đóng cảm xúc này có thể khiến anh trở nên chai sạn, nhưng cũng đồng thời biến anh thành một nhà cách tân mê đắm hiểm nguy. "Anh ấy đã học cách tắt đi nỗi sợ", cô nói. "Nếu tắt đi nỗi sợ, có lẽ anh cũng phải tắt đi cả những thứ khác, chẳng hạn như niềm vui hay sự thấu cảm".

Sang chấn tâm lý hậu chấn thương thời thơ ấu còn in hằn trong Elon nỗi oán ghét cảm giác hài lòng. "Tôi không cho là anh ấy biết cách nếm vị thành công và thưởng thức hương hoa", Claire Boucher nói. Cô là một nghệ sĩ với nghệ danh Grimes, mẹ của ba đứa con chung với Elon. "Tôi nghĩ anh ấy đã bị điều kiện hóa từ thuở bé rằng cuộc đời là những niềm đau". Musk đồng tình. "Nghịch cảnh nhào nặn nên tôi", anh nói. "Ngưỡng đau của tôi ở mức rất cao".

Phần 1. Còn tiếp

Tiểu sử Elon Musk do Walter Isaacson, nhà báo nổi tiếng người Mỹ, viết trong hai năm. Bản tiếng Việt do AlphaBooks chuyển ngữ, dày 756 trang, ra mắt ngày 20/12. Cuốn sách giống một thước phim, tái hiện cuộc đời tài phiệt giàu nhất thế giới từ lúc ấu thơ đến khi trở thành ông trùm công nghệ. Qua cuốn tiểu sử, Musk hiện lên là một thiên tài điên loạn, người khó kiềm chế cảm xúc của bản thân và xử lý các mối quan hệ xung quanh. Theo cách nói của Walter Isaacson, "luôn có một con quỷ dữ" bên trong tỷ phú.
 
Bên trên