Truyện ngắn - Không phải là duyên

Hải Vy

Well-known member
Có bầu, Duyên ăn gì ói nấy đã đành, uống nước, gội đầu, hắt hơi cũng ói, đến nỗi nói to cũng ói, cả người gầy rộc. Đông lại mới có lệnh đi công trình nên không yên tâm để Duyên ở nhà một mình. Tính tới tính lui, Duyên về quê ở với mẹ chồng.

Mẹ chồng Duyên dễ chịu. Từ ngày cô về làm dâu, bà chưa khi nào nói nặng cô một lời. Buổi tối, bà thường hỏi cô thích ăn gì để hôm sau đi chợ sớm. Thi thoảng, bà nấu những món quê cho Duyên thử, nếu cô không thích bà cũng không ép. Bà còn gọi cho mẹ Duyên hỏi thăm “con bé thích ăn gì” khiến mẹ gọi cho Duyên rầy cô bớt tiểu thư đi, có được mẹ chồng như vậy là phúc lớn lắm.

Chiều, Duyên đem cái quạt tích điện, chai nước, hũ sữa chua cùng cái bánh ngọt ra bờ ao hóng gió. Cô vẫn ở giai đoạn ăn một ói hai nên bất cứ lúc nào cũng có đồ ăn bên mình. Ở nhà thì trên bàn, trong tủ nhìn đâu cũng thấy bánh trái như nhà bán tạp hóa. Mẹ chồng luôn nhìn cô với ánh mắt thương xót, không ngừng động viên:

- Chịu khó ít ngày nữa con ạ. Ngày trước mẹ cũng thế, cảm giác như tim gan gì cũng muốn phun ra. Ngày ấy khốn khó, cơm chẳng đủ ăn thế mà vừa nuốt xuống đã cho ra sạch. Vừa tức vừa tiếc, có lần mẹ còn tính nhặt ăn lại. May mà cha thằng Đông cản - bà mỉm cười. Ông ấy nói “Bà không biết gớm nhưng tôi biết!” và đi tìm thứ khác cho mẹ ăn.




Mẹ kể ngày xưa nhà chồng đông người, người thông cảm thì ít, người qua quýt thì nhiều, người ta nói mẹ làm quá, mỗi mình mẹ chồng lặng lẽ tìm cho mấy loại quả chua, nói trong bụng mà hành vậy mai kia có hiếu lắm. Chịu khổ hôm nay thì sau này được nhờ.
- Đúng là cành vàng lá ngọc, cứ làm như thế giới này mình cô có bầu.

Duyên ngẩng nhìn người phụ nữ mặc bộ đồ bông xanh. Bà trạc tuổi mẹ chồng Duyên, có đôi mắt sắc và dường như không ưa Duyên. Duyên đã gặp bà bao giờ đâu nhỉ? Có khi nào bà nhìn nhầm người?
- Con có quen dì không ạ?

Duyên biết chắc bà nói mình vì quanh đây không hề có người thứ ba.
- Sao tôi quen nổi cô!

Giọng bà kéo dài và không có thiện cảm. Duyên cau mày. Cô cảm thấy khó chịu. Cô chưa bao giờ gây hấn với ai nhưng cô không đủ hiền để có thể ngồi im cho người ta bóng gió cạnh khóe, nhất là người này không bà con họ hàng gì với chồng cô. Mà có họ hàng thì cũng cần xem lại.
- Con có làm gì khiến dì khó chịu không ạ?

Duyên đứng dậy nhìn quanh, tính lát về hỏi mẹ chồng xem bờ ao này là đất của ai. Hay bà ta không thích cô ngồi đây? Đi mấy bước, cô còn nghe bà mát mẻ:
- Làm như quý lắm!

Duyên trợn mắt không biết đáp trả thế nào thì mẹ chồng ra tới nơi. Bà nắm tay Duyên:
- Dâu tôi tôi không quý không lẽ quý bà? Bà rảnh quá hả, ngồi không thì cắt may đan móc cho con gái, cháu ngoại cái áo, cái quần đi. Đụng tôi không sao chớ đụng dâu tôi là không yên đâu!

Mẹ chồng kéo Duyên về. Duyên ngạc nhiên khi nghe bà nói khá gay gắt. Từ ngày Duyên về làm dâu, bà luôn hòa nhã vui vẻ, chiều cô còn hơn con trai. Duyên không nghĩ bà cũng ghê gớm ra trò. Người kia hẳn là người quen trong làng. Bất giác Duyên nhớ tới hình ảnh con gà mái mẹ xù lông xòe cánh ra bảo vệ đàn con và Duyên là con gà con ấy.

Về tới sân, mẹ chồng mới thả tay Duyên ra. Bà rót một ly nước đầy uống cạn, không quên đưa Duyên một ly khác:
- Cười gì mà cười! Mẹ đang bực mình đấy!
***
Mẹ kể người đàn bà khi nãy là bà Kim nhà ở ngõ dưới. Bà có cô con gái tên Ngọc rất xinh. Trong khi ba mẹ thấp lùn, đen nhẻm thì Ngọc lại cao ráo, trắng trẻo.

Chồng mất sớm, nhà lại khá giả nên bà Kim cưng Ngọc như trứng. Trẻ con ở quê đứa nào cũng biết chăn bò lùa vịt, quét nhà quét sân, đặt nồi cơm… nhưng Ngọc thì không. Cô chỉ việc học và chơi. Những việc đó bà Kim làm nhoáng một cái là xong, không cần con gái nhúng tay vào.

Ngọc lên cấp III thì Đông đã cuối cấp. Trường xa nhà 7km, bà Kim không yên tâm để con gái tự đạp xe nên qua nhà nói với mẹ Đông để anh chở Ngọc đi học. Đon đả là thế nhưng với Đông thì bà bóng gió nói Ngọc còn nhỏ cần phải học hành, bà không chấp nhận được mới tí tuổi đầu đã yêu đương.

Bà Kim nhắc khéo Đông nhưng lại không cấm được con gái. Ở trường, Ngọc thường xuyên đến lớp tìm, gửi bánh kẹo cho Đông, anh nói cách nào cô cũng không chịu thôi. Đông đành lấy lý do thường xuyên về muộn vì còn đi học thêm chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp để không chở Ngọc nữa. Bà Kim không cảm kích mà còn mắng mỏ anh có việc nhỏ xíu cũng không chịu giúp.

Khổ nỗi Đông càng tránh thì Ngọc càng đeo. Anh lên thành phố ôn thi đại học, Ngọc lấy trộm tiền của mẹ, đón xe lên tìm. Khỏi nói bà Kim tức giận thế nào, bà qua nhà kêu mẹ Đông dạy lại con, rằng đứa con gái bà nâng niu mười mấy năm không phải để gả cho những đứa chưa ráo máu đầu như Đông. Mẹ Đông cũng không vừa. Bà bực mình vì con trai mình bị săn như săn chuột, ảnh hưởng đến việc học hành không nói, nay lại bị phủ đầu dè bỉu. Bà nói bà Kim về quản con gái cho kỹ, đừng làm phiền con trai bà.

Học xong, Ngọc không đậu đại học nên đòi lên thành phố tìm việc làm. Bà Kim dư biết Ngọc muốn đến gần anh con trai cùng xóm. Khi ấy, Ngọc đã lớn nên bà Kim không thể nói gì nhưng mỗi lần nghe ai nói Ngọc đến trường tìm Đông là bà lại sang nhà mẹ Đông nói chuyện. Khi nghe Ngọc báo tin lấy chồng, bà Kim thở phào mừng rỡ.

Đám cưới Ngọc lớn nhất làng cho đến tận bây giờ. Ai cũng tấm tắc khen nhà trai giàu có nên chuyện chú rể có hơi đứng tuổi được bỏ qua bởi theo họ, đàn ông tuổi đó mới vững về kinh tế, chín chắn về tính tình, đâu như đám trẻ mới lớn.
Ngọc lấy chồng nhưng trong lòng vẫn còn hình bóng người xưa. Nhà chồng giàu có, Ngọc không phải làm gì, thi thoảng cưỡi con xe bóng loáng về thăm bà Kim, nghe ngóng tin Đông. Chồng Ngọc kiên nhẫn với sự nghiệp, với công việc nhưng không kiên nhẫn nổi với vợ. Lấy nhau hơn năm, công việc không được như ý, lại phát hiện vợ mình còn nặng tình với người khác nên anh tìm vui bên ngoài.

Bà Kim nghiến răng, mắng Ngọc sướng mà không biết hưởng, lại trách vì Đông nên Ngọc mới nhớ mãi không quên. Thời gian đó làng xóm không yên vì suốt ngày nghe 2 bà mẹ cãi nhau, chính xác là do bà Kim khơi mào gây hấn. Lý lẽ ở đâu khi con trai người ta đã không thích còn bám lấy, còn nhung nhớ, còn đòi người ta chịu trách nhiệm cho bất hạnh của đời mình.
- Thấy bà ấy con cứ tránh xa ra cho yên. Có mỗi mụn con đáng lẽ phải nghiêm khắc mà dạy, đằng này lại chiều quá, ở nông thôn mà chẳng biết làm gì, chỉ ăn trắng mặc trơn. Hồi đó thằng Đông mà thích con bé ấy thì mẹ cũng không đồng ý.
Duyên nhớ hồi đầu mình nghén, Đông nói chắc chắn cô sinh con gái vì chỉ có con gái mới đỏng đảnh thế, Duyên vin ngay vào câu nói của chồng: “Hóa ra trong đời anh từng có một cô nàng đỏng đảnh”. Nụ cười anh nhạt đi: “Làm gì có ai, thì cũng chỉ là mấy cô bạn học ngày xưa ghẹo qua ghẹo lại”.

Nay mới biết “cô nàng đỏng đảnh” ấy có thật, còn ám anh khá lâu, Duyên gọi cho chồng cười cười: “Tui biết hết rồi nha, tình đầu tình cũ thường nhớ nhung da diết lắm”.

Đông nhảy nhỏm: “Oan cho anh quá, vợ cứ đi hỏi cả làng xem anh có tình đầu tình cuối gì không”.

Duyên không đi hỏi ai cũng biết Đông bị oan nhưng cô vẫn ghen, ghen thật chứ không bóng gió. Hồi đó Đông đào hoa, xung quanh lúc nào cũng có mấy cô gái vây quanh đòi làm quen, gửi thư, tặng quà. Duyên học cạnh trường anh còn nghe người ta kể này kia. Ngày ấy, anh trong mắt cô có số điểm khá thấp. Cô cho rằng lấy một người chồng như anh không hề an toàn. Duyên số sao cuối cùng người con trai bao người ngưỡng mộ lại thuộc về cô.
***

Duyên lại gặp bà Kim. Bà ngồi cách cô chừng 2 mét, tựa lưng vào gốc cây vối, 2 mắt nhắm nghiền, không biết bà ngủ hay đang hưởng những cơn gió trời. Duyên nhìn, thấy gương mặt bà khắc khổ nhưng còn nét lắm, thời con gái hẳn bà cũng xinh xắn. Cuộc sống gia đình không được như ý nên bà muốn con gái mình phải khác đi rồi tất cả lại khác không theo ý bà. Trong lòng mẹ, con cái bao giờ cũng là phần nặng nhất.

Bụng sôi, Duyên lấy bánh ngọt ra, ngần ngừ:
- Dì ăn bánh ạ.

Bà mở mắt nhìn cô, khẽ lắc:
- Ăn đi, bầu bì đừng để bụng đói. Nhớ sinh con trai.
- Con nào cũng được ạ.
- Con trai dễ dạy, con gái khó bảo lắm, sai một li là đi ngàn dặm.

Bà kể, chuyện Ngọc thích Đông là chuyện của ngày nhỏ. Thứ tình ấy sau này lại thành nỗi ấm ức không thể nguôi vì mình đã bỏ ra nhiều đến thế mà người ta vẫn không ngó ngàng - một kiểu cố chấp không cam lòng nhưng Ngọc lại lầm tưởng là tình yêu.

Cưới chưa được 3 tháng, Ngọc có thai. Cô giấu mọi người đi bệnh viện. Cô chưa sẵn sàng làm mẹ bởi lòng còn ngổn ngang. Cô chưa đủ sức chịu trách nhiệm với một đứa trẻ. Lần Đông đưa Duyên về thăm nhà, Ngọc cũng tính về làng để xem “người ấy” của Đông thế nào thì phát hiện mình có thai. Ngọc đã bỏ ý định về làng. Không biết khi ấy Ngọc nghĩ “biết thì làm gì” hay bản năng làm mẹ thúc giục và nhắc nhở Ngọc nên chọn lựa. Một lần chồng Ngọc về muộn, Ngọc phát hiện mùi nước hoa và mùi son phấn trên áo chồng, anh ta còn cười nói Ngọc giấu người trong tim, anh có người bên ngoài là công bằng. Trong cơn say cộng thêm những lời nói thẳng tuột của Ngọc, cha đứa trẻ đã khiến nó không được chào đời và Ngọc cũng vĩnh viễn mất luôn cơ hội làm mẹ…

Mẹ chồng Duyên ngẩn người buông rơi cọng rau muống đang nhặt dở. Bà ngồi thần người nhìn ra ngõ, một lát mới cầm lại cọng rau:
- Mẹ không biết chuyện sau đó. Mẹ với bà ấy cãi nhau như cơm bữa mãi thành quen. Nếu biết con bé như thế, mẹ đã không nói bà ấy về đan quần áo cho cháu ngoại…

Duyên nắm tay mẹ chồng. 2 bà mẹ đều hiểu mọi chuyện không thể cưỡng cầu nhưng cứ phải nguýt háy đá thúng đụng nia coi người kia là cái bồ để trút những lo lắng dồn ứ trong lòng, cũng là một cách giao tiếp của 2 con người đã quá quen nhưng lại không thể nói với nhau những lời bình thường.

Duyên qua những ngày nghén, bắt đầu thèm ăn. Hôm qua, cô còn cảm thấy trong bụng mình như có một con tôm búng rất khẽ. Chiều nào Duyên cũng ra bờ ao nghe bà Kim kể chuyện Ngọc. Bà muốn kể còn Duyên chịu khó nghe dù thi thoảng bà nói Duyên không xinh bằng Ngọc. Bà thở dài hỏi có khi nào vì bà cấm cản nên Đông mới không thích Ngọc? Cô lắc đầu. Vậy nên mới gọi là duyên số. Hồi cấp III, Đông cũng có nhiều bạn bè ngưỡng mộ. Khi Duyên về, họ biết tin cũng đến chơi, kể chuyện ngày xưa của anh. Ngày ấy, anh chỉ mong cùng mẹ thoát nghèo, để mẹ có cuộc sống nhẹ nhàng hơn nên cắm cúi học. Anh được thầy cô yêu thích nhưng bạn bè gọi anh là “đầu gỗ”. Lên đại học cũng thế, không đi học thì đi làm, quanh anh không thiếu những cô gái xinh đẹp, giỏi giang, thế mà anh lại để ý Duyên và phải mất 3 năm mới được Duyên đồng ý.
***
Ly hôn, Ngọc thuê nhà ở và xin làm công nhân. Cũng có vài người con trai để ý Ngọc nhưng cô từ chối. Bà Kim thở dài, Ngọc không về làng, bà thi thoảng lên thăm con gái. Biết Duyên về làng dưỡng thai, Ngọc nói khi nào được nghỉ dài, cô sẽ về quê nhìn Duyên một cái.
- Nó còn thích cậu ấy nhưng đã khác trước rồi. Cậu ấy là thứ gì đó đẹp đẽ nhất trong lòng nó. Thì cũng phải tỉnh ra mà sống tiếp chứ! Chuyện cũ dù đẹp như nắng, dịu dàng như mưa phùn hay long lanh như ánh trăng thì cũng nên chấm dứt. Thứ gì không phải của mình thì cuối cùng cũng không phải. Cố gắng để khỏi tiếc nuối thì được, còn cố chấp thì thôi.

Bà Kim thở dài, Duyên hiểu bà nói vậy có thể để Duyên yên tâm, cũng có thể để tự an ủi mình, thực ra trong lòng bà vẫn chua xót lắm. Cô con gái mới ngoài 20 đã khép chặt lòng mình, sao lại không xót xa. Duyên không biết nói sao với mẹ của người con gái thích chồng mình, cứ lặng im nghe để bà trút tâm sự.
Mẹ chồng Duyên ra, xách theo ấm nước và củ khoai lang mới nướng. Bà đưa khoai cho Duyên, giục ăn và quay nhìn bà Kim.
- Tôi mới đun ấm nước vối, bà uống không?

Nguyễn Thị Thanh Bình

Tablet Plaza cảm ơn bạn đã đọc bài sưu tầm.
Em bán: Samsung A34 128G 5G: 5.490.000 đ
Mua ngay: https://tabletplaza.vn/dien-thoai/samsung-galaxy-a34-5g-128gb/
Liên hệ: 0947.711.881 (Zalo và Whatsapp)
 
Bên trên