Tự hào hành trình lấy lại Lễ hội đua bò Bảy Núi cho phum, sóc

TRng

Well-known member
Sau 5 năm kiên trì đeo bám, Báo Lao Động đã góp phần “đòi” Lễ hội Đua bò Bảy Núi - môn văn hóa thể thao đặc thù của đồng bào Khmer hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) về lại phum, sóc...
Tự hào hành trình lấy lại Lễ hội đua bò Bảy Núi cho phum, sóc
Hình ảnh đặc sắc trong Lễ hội đua bò Bảy Núi. Ảnh: Lục Tùng
Đột phá vào… “vùng cấm”
Đã 14 năm, nhưng mỗi khi đến Lễ Dolta (lễ truyền thống cúng ông bà của đồng bào Khmer Nam Bộ) tôi lại nhớ và tự hào về sự kiện dấn thân với tư cách là phóng viên Báo Lao Động lấy lại Lễ hội đua bò Bảy Núi (LHĐBBN) về cho chính chủ - đồng bào Khmer tại hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang).
Như thông lệ, dịp Lễ Dolta là đồng bào Khmer tại hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên lại nô nức bước vào LHĐBBN. Năm 2010, lễ hội diễn ra vào tháng 10 tại sân đua chùa Tà Miệt (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) với 78 đôi bò đến từ 11 đơn vị trong khu vực ĐBSCL và Vương quốc Campuchia.
Theo kế hoạch, cuộc đua sẽ kết thúc sau 78 vòng đấu, nhưng bắt đầu từ vòng thứ 45 trở đi cuộc đua phải nhiều lần “tạm dừng” do nhiều chủ bò đã đưa đôi bò vào chặn đường đua. Và ngọn lửa bạo lực đã đốt cháy cuộc chơi đến mức Ban tổ chức quyết định hủy thi đấu chung kết, chia đều giải thưởng cho các đôi bò vào tranh giải Nhất - Nhì và Ba - Tư... Đáng lo là vấn nạn này xảy ra trước thềm tỉnh An Giang chạy “nước rút” hoàn thành thủ tục xin nâng cấp LHĐBBN lên lễ hội quốc gia.
Tận mắt chứng kiến thực trạng này, tôi cất công tìm hiểu và bất ngờ khi biết “bạo lực” trên sân chỉ là giọt nước tràn ly của sự bất hợp lý từ Ban tổ chức. Ngay sau đó và liên tiếp nhiều năm sau Báo Lao Động theo đuổi vấn đề này một cách có hệ thống với các bài viết như: “Chết trước cửa “thiên đường”; “Đua bò Bảy Núi bên bờ vực mất trắng”, “Đua bò Bảy Núi, càng sửa càng sai”, “Đuối với đua bò Bảy Núi”, “Không được thương mại hóa Hội đua bò Bảy Núi”... Trong đó, chỉ rõ nguyên nhân phẫn nộ của các chủ bò xuất phát từ những quy định “áp đặt” của Ban tổ chức, trái ngược với quy tắc truyền thống đã được cộng đồng Khmer vùng Bảy Núi lưu truyền nhiều đời.
Điển hình là quy định không cho đôi bò tạt ra khỏi đường đua tiếp tục tranh tài do ngành thể thao biên soạn đã khiến nhiều chủ bò bức xúc. Bởi không chỉ loại bỏ oan ức so với quy trình truyền thống trước đó là: Tạt ở đâu, trở lại nơi đó xuất phát lại. Nhưng đỉnh điểm nhất có lẽ là việc tự tiện “cắt xén” số vòng đua từ 7 vòng, gồm 6 vòng hô (chạy chậm để biểu diễn kỹ thuật điều khiển bò) và 1 vòng thả (chạy với tốc độ cao nhất) còn lại 1 vòng cả hô lẫn thả để phù hợp với công tác truyền hình trực tiếp của Đài PTTH tỉnh với tư cách là đơn vị tổ chức.
Sau khi thấy 2 địa phương Tri Tôn và Tịnh Biên luân phiên tổ chức LHĐBBN thành công thu hút người xem thì Đài PTTH tỉnh An Giang “vào cuộc” và biến lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer thành Giải tranh cúp của đơn vị mình... Và cũng từ đây, thông qua sự tài trợ, các doanh nghiệp đã làm nhạt nhòa hồn cốt sắc thái văn hóa ngũ âm bằng màu sắc sặc sỡ của các biển bản quảng bá thương hiệu khắp sân và trang phục thi đấu của người điều khiển bò...
Trả lễ hội truyền thống về chính chủ
Trái với sự khó chịu của một số đơn vị, từ năm 2013 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh An Giang đã đón nhận thông tin từ Báo Lao Động với tinh thần khách quan, cầu thị, đặc biệt là mạnh dạn ra tay chấn chỉnh LHĐBBN.
Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trên bài viết đăng trên báo địa phương, không chỉ bày tỏ đồng tình với Báo Lao Động mà còn kêu gọi “đừng để yếu tố kinh tế lấn áp yếu tố văn hóa” trong LHĐBBN.
Ngày 17.10.2013, Phó Văn phòng UBND tỉnh An Giang Võ Hùng Dũng ký công văn số 3424/VPUBND-VX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Việt Hiệp về việc nghiên cứu LHĐBBN.
Trong đó, thừa nhận các vấn đề báo Lao Động nêu và chỉ đạo: Giao Sở VHTTDL An Giang chủ trì phối hợp với Ban Dân tộc, Đài PTTH An Giang và 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh chấn chỉnh lại LHĐBBN theo hướng đảm bảo truyền thống của đồng bào Khmer và hướng tới nâng cấp lễ hội này lên cấp quốc gia. Đến 11.6.2014, UBND tỉnh An Giang tiếp tục có công văn số 1896/VPUBND-VX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Việt Hiệp, khẳng định: “Việc tổ chức đua bò gắn với Lễ Dolta hằng năm ở huyện Tri Tôn, Tịnh Biên do huyện phối hợp với các chùa Nam tông Khmer thực hiện”.
Đồng thời nghiêm cấm việc tận dụng dịp Lễ Dolta để tổ chức lễ đua bò cấp tỉnh. Nếu tổ chức giải cấp tỉnh trong năm 2014, sẽ tổ chức vào dịp Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam...
 
Bên trên