Tục lệ, mâm lễ và một số lưu ý khi cúng rằm tháng 7

Võ Xuân Trường

Well-known member
Tục lệ, mâm lễ và một số lưu ý khi cúng rằm tháng 7

Các chuyên gia cho rằng việc cúng cô hồn ngày rằm tháng 7 chỉ nên thực hiện đơn giản, đúng theo phong tục dân gian là được.
Tục lệ, mâm lễ và một số lưu ý khi cúng rằm tháng 7
Hoa đăng thường xuất hiện trong các nghi lễ cúng rằm tháng 7. Ảnh: Tô Thế
Cúng cô hồn tại gia
Trong cuốn Hội hè lễ tết của người Việt (Nhà xuất bản Thế giới ấn hành, năm 2020), tác giả Nguyễn Văn Huyên mô tả lễ cúng vong hồn tại gia như sau:
Đầu tiên người ta sắp mâm cúng, đồ cúng gồm: bát cơm, bát cháo, bánh các loại, hoa quả theo mùa, trầu cau, quần áo cắt bằng giấy nhiều màu, vàng mã… Người ta thắp hương, rồi tất cả mọi người trong nhà đều quỳ lạy trước mâm cúng. Một số địa phương mời thầy cúng đến để cầu cho vong hồn lang thang.
Khi hương sắp tàn, người ta cầm bát cháo vẩy lên trên không, với mục đích thí thực cho các linh hồn bất hạnh. Tiếp đó người ta đốt vàng mã, đem tro đổ xuống con sông gần nhà, với quan niệm sông sẽ cuốn tro về nơi chín suối vàng của thế giới người chết. Nếu con phố đó có người hành khất, gia đình sẽ phát đồ cúng cho họ với mục đích tán lộc.
Cúng giải thoát linh hồn tại chùa
Theo tác giả Nguyễn Văn Huyên, ở các chùa lớn người ta làm lễ cúng giải thoát cho các linh hồn. Hôm đó người ta dựng một đàn lớn bằng gỗ hoặc tre dài từ bàn thờ Phật đến giữa sân chính của chùa. Cuối buổi chiều trên chiếc bàn lớn này được bày các loại kẹo, bánh, hoa quả, các loại vàng mã như tiền, quần áo, mũ, giày…
Sẩm tối người dân có mặt ở chùa để đốt hương, thắp nến với mong muốn giải thoát cho linh hồn người thân của mình. Hòa thượng trụ trì nhà chùa cùng với sư sãi đứng tụng kinh và niệm thần chú trước đàn, tiếp đó hòa thượng trèo lên đàn và ngồi xếp bằng. Ông thực hiện mở cửa địa ngục, tụng kinh để giải thoát cho các linh hồn, sau đó cúng thí thực cho hồn và đọc cho chúng nghe những lời răn của Phật để khuyến khích họ làm điều thiện nếu muốn chuẩn bị vào cõi Niết bàn.
Lễ cúng này kéo dài đến tận đêm khuya, sau khi cúng xong mọi người cúng hóa vàng và ra về với niềm tin linh hồn của người thân mình đã được xá tội.
Một số lưu ý khi cúng cô hồn
Không cúng đồ mặn, sách Bách khoa thư làng Việt cổ truyền (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, năm 2021), tác giả Bùi Xuân Đính cho rằng tuyệt đối không dùng đồ mặn để cúng cô hồn. Vì quan niệm đem đồ mặn cúng sẽ làm nổi dậy lòng tham của cô hồn, sợ chúng không chịu đi mà ở lại quấy rối gia chủ.
Sau khi cúng cô hồn phải thực hiện lễ “tiễn khách”, vì nếu cúng xong mà quên không thực hiện lễ mời các vong đi, sợ các vong hồn sẽ theo vào nhà làm hại gia chủ.
Không nên đốt quá nhiều vàng mã, vừa gây nên sự lãng phí về mặt tiền bạc vừa gây ô nhiễm môi trường. Các chuyên gia cho rằng việc cúng cô hồn chỉ nên thực hiện đơn giản, đúng theo phong tục dân gian là được.
 
Bên trên