Tương lai TV Samsung sẽ ra sao khi không còn tự sản xuất chip LED?

Thanh Thúy

Well-known member
Trong một động thái chiến lược đầy bất ngờ, Samsung - "gã khổng lồ" công nghệ Hàn Quốc - đã quyết định từ bỏ mảng kinh doanh LED, bao gồm cả đèn nền LED cho TV LCD, vào năm 2030. Động thái này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chiến lược của Samsung, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của TV Samsung.


Từ bỏ sản xuất LED

Theo nhiều nguồn tin trong ngành, Samsung sẽ ngừng sản xuất LED theo từng giai đoạn, bắt đầu từ việc dừng sản xuất chip LED chiếu sáng vào nửa đầu năm 2026, tiếp theo là đèn nền LED cho TV vào nửa cuối năm 2026 và cuối cùng là LED cho ô tô vào năm 2030.

Lý giải cho quyết định này, tờ Maeil Business News Korea dẫn lời một nguồn tin cho biết: “Samsung Electronics đã quyết định rút khỏi mảng kinh doanh LED không cốt lõi thuộc bộ phận Giải pháp Thiết bị (DS) và đang thực hiện các bước để tái cấu trúc bộ phận này... Trọng tâm dự kiến sẽ chuyển sang các lĩnh vực chính”.



1730089751378.png


Quyết định từ bỏ kinh doanh LED dù mang lại doanh thu khoảng 2 nghìn tỷ won (tương đương 37 nghìn tỷ VND) mỗi năm, cho thấy Samsung đang muốn tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực trọng tâm như bán dẫn, microLED và đúc chip bán dẫn.

Tương lai TV Samsung sau khi không còn tự sản xuất đèn nền?

Việc Samsung rút lui khỏi mảng kinh doanh LED không ảnh hưởng đến TV OLED của hãng, vốn đã sử dụng tấm nền OLED từ LG Display và công nghệ QD-OLED do chính Samsung phát triển.

Tuy nhiên, các dòng TV LCD của Samsung bao gồm "QLED" và "Neo QLED" sẽ chịu tác động trực tiếp. Hiện tại, Samsung đã phải mua tấm nền LCD từ các nhà sản xuất như TCL, BOE và LG Display bởi vì Samsung Display đã ngừng sản xuất tấm nền LCD từ tháng 6 năm 2022. Trong tương lai gần, Samsung sẽ phải tìm nguồn cung đèn nền LED bao gồm cả loại miniLED từ các nhà cung cấp bên ngoài, chủ yếu là Trung Quốc.

Điều này đồng nghĩa cả tấm nền LCD và module đèn nền (LED, miniLED) trong TV Samsung đều không còn được Samsung tự phát triển và sản xuất. Nó có thể khiến Samsung gặp bất lợi trong cuộc đua giành thị phần với các đối thủ Trung Quốc như Hisense và TCL, vốn đang ngày càng lớn mạnh trong mảng TV LCD miniLED.


1730089760382.png

Đặt cược vào microLED

Mặc dù từ bỏ LED, Samsung vẫn tiếp tục đầu tư mạnh vào công nghệ microLED được coi là tương lai ngành công nghiệp hiển thị. MicroLED có khả năng mang đến chất lượng hình ảnh vượt trội khi có độ sáng cao hơn, màu sắc chính xác hơn, tuổi thọ cao hơn.

Samsung đã cho ra mắt TV microLED đầu tiên với mức giá "khủng" hơn 100.000 USD. Màn hình LED cỡ lớn cũng đang được ứng dụng trong các sân vận động và một số rạp chiếu phim. Việc Samsung tái phân bổ nhân sự từ mảng kinh doanh LED sang các mảng bán dẫn, microLED, chip nhớ và công nghệ đúc cho thấy hãng vẫn kiên trì đặt cược vào công nghệ màn hình thế hệ mới này.

Thách thức từ Trung Quốc

Quyết định từ bỏ LED của Samsung được đưa ra trong bối cảnh hãng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc đến những khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận.


TCl P725.jpg

TCL ngày càng đe dọa Samsung

Theo báo cáo tài chính quý 3 năm 2024 của Samsung, lợi nhuận và doanh thu của hãng đều thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường. Doanh thu đạt 79 nghìn tỷ won, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn ước tính 81,57 nghìn tỷ won của thị trường. Lợi nhuận hoạt động đạt 9,1 nghìn tỷ won, tăng 274,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 12,8% so với quý trước và cũng thấp hơn ước tính 11,5 nghìn tỷ won từ các nhà phân tích.

Bên cạnh đó, Samsung cũng đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với TSMC trong lĩnh vực sản xuất chip theo hợp đồng. Theo TrendForce, trong quý 2 năm 2024, TSMC chiếm lĩnh 62,3% thị phần, trong khi Samsung chỉ đạt 11,5%. Hơn nữa, kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip tại Mỹ của Samsung cũng đang bị trì hoãn do khó khăn trong việc đảm bảo khách hàng.

Việc Samsung từ bỏ mảng kinh doanh LED là một quyết định chiến lược táo bạo, cho thấy hãng sẵn sàng từ bỏ những mảng kinh doanh kém hiệu quả để tập trung vào những lĩnh vực tiềm năng hơn. Tuy nhiên, động thái này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi Samsung phải có những bước đi đúng đắn để duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu.
 
Bên trên