Nguyễn Thị Minh Tú
Minh Tú Nguyễn
Vì sao cần phải vệ sinh điện thoại? Vệ sinh điện thoại sao cho đúng?
Vì sao cần phải vệ sinh điện thoại? Dưới vẻ bề ngoài sáng bóng và hiện đại của chiếc điện thoại thông minh, ẩn chứa một thực tế không thể phủ nhận: đó là một nơi cực lý tưởng cho vi khuẩn và bụi bẩn. Bạn có biết rằng việc vệ sinh đúng cách cho điện thoại không chỉ mang lại sự sạch sẽ mà còn đảm bảo sức khỏe và tuổi thọ cho thiết bị của bạn chưa?
Trong khi chúng ta dành nhiều thời gian và tâm huyết để chăm sóc và làm đẹp cho bản thân, thì việc vệ sinh điện thoại lại thường bị bỏ qua. Trong bài viết này, hãy cùng TABLET PLAZA tham khảo ngay bài viết bên dưới về những lý do nên vệ sinh điện thoại và một số cách vệ sinh điện thoại di động đúng cách nhé!
Vì sao cần phải vệ sinh điện thoại?
Có lẽ, chiếc điện thoại thông minh đã nhanh chóng trở thành một người bạn đồng hành không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta sử dụng điện thoại để liên lạc, lướt web, xem phim, chơi game và thực hiện nhiều hoạt động khác. Nhưng liệu bạn đã bao giờ tự đặt câu hỏi: "Điện thoại thực sự bẩn đến mức độ nào chưa?"
Bạn có thể đặt 'dế yêu' của mình trong túi quần, túi xách, balo hay trên bàn làm việc và nghĩ rằng chắc hẳn đây là những nơi mà chiếc điện thoại của mình bị 'váy bẩn' nhiều nhất. Tuy nhiên, nơi khiến chiếc điện thoại trở nên bẩn nhất lại chính là bàn tay của chúng ta.
Đúng vậy, ít ai nhận ra rằng điện thoại của chúng ta có thể trở thành một 'tổ yến' cho các vi khuẩn E. coli, Staphylococcus aureus, Streptococcus…bám trên điện thoại và thủ phạm gây ra nhiều căn bệnh lại chính là bàn tay mình chúng ta tưởng chừng như là nơi sạch sẽ nhất.
Khi chúng ta sử dụng điện thoại trong suốt cả ngày, vi khuẩn và vi rút có thể truyền từ tay chúng ta vào bề mặt của điện thoại và ngược lại. Điện thoại cũng tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau như bàn làm việc, bàn ăn, hoặc thậm chí những nơi có nhiều vi khuẩn như nhà vệ sinh công cộng.
Vì vậy, việc làm sạch điện thoại giúp loại bỏ vi khuẩn và vi rút này, giảm nguy cơ lây nhiễm và bệnh tật.
Điều đáng ngại hơn, khi chúng ta sử dụng điện thoại để thực hiện cuộc gọi, chúng ta cũng có thể truyền những vi khuẩn sống trong đường hô hấp của chúng ta lên chiếc điện thoại yêu quý của mình.
Vì vậy, việc vệ sinh điện thoại thường xuyên là cực kì quan trọng nếu bạn quan tâm tới sức khỏe của bản thân. Đặc biệt, đây cũng là một cách tốt để phòng ngừa nguy cơ truyền nhiễm liên quan đến dịch COVID-19 đang 'lấp ló' đang chờ quay lại tấn công bạn đó.
Không chỉ bể mặt đâu nha, hằng ngày, khi sạc điện thoại, những bụi bẩn, sợi vải…có thể chui vào cổng sạc. Nếu để lâu, bụi bẩn sẽ tích tụ dần có thể che đi chân tiếp xúc ở trong lỗ cắm sạc. Khi đó, sẽ xảy ra tình trạng điện thoại không nhận sạc hoặc là sạc pin bị chập chờn.
Do vậy, việc vệ sinh cổng sạc thường xuyên là cần thiết để giúp cho quá trình sạc được diễn ra ổn định hơn, nhanh chóng và hiệu quả. Ngoài ra, với thời gian, bụi, vân tay và mảng bám có thể tích tụ trên màn hình và cả những khe mic, loa khiến cho trải nghiệm xem phim, chơi game hay làm việc của bạn bị giảm sút.
Bằng cách làm sạch điện thoại đều đặn, chúng ta có thể duy trì hiệu suất và tuổi thọ của thiết bị, đảm bảo rằng nó hoạt động một cách trơn tru và hiệu quả.
Đồng thời, việc làm sạch điện thoại cũng có thể tạo sự tự tin và cảm giác chăm sóc bản thân. Khi chúng ta biết rằng điện thoại của mình luôn sạch sẽ và an toàn, chúng ta có thể yên tâm hơn về việc sử dụng nó và tránh những lo lắng không cần thiết về sức khỏe và vệ sinh.
Vệ sinh điện thoại sao cho đúng? Cách làm sạch hiệu quả trong vài phút
May mắn thay, bạn có thể dễ dàng vệ sinh chiếc điện thoại của mình ngay tại nhà với những công cụ quen thuộc.
Màn hình là một phần quan trọng của điện thoại và thường là nơi tập trung nhiều vân tay và dấu vết. Qua đó, mình khuyên bạn nên thường xuyên sử dụng khăn mềm hoặc khăn microfiber để lau nhẹ nhàng màn hình. Nếu cần, bạn cũng có thể sử dụng dung dịch làm sạch màn hình chuyên dụng, nhưng hãy chắc chắn đọc kỹ hướng dẫn và tuân thủ các chỉ dẫn của nhà sản xuất.
Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là bạn không nên sử dụng các chất tẩy rửa như cồn nồng độ cao để tránh làm hỏng màn hình cảm ứng.
Ngoài ra, nếu bạn có sử dụng miếng dán màn hình hay kính cường lực thì bạn có thể vệ sinh bằng chổi nhựa nhỏ để quét những mảng bám quanh viền miếng dán. Hoặc nếu bạn muốn 'chắc cú' hơn như mình, bạn có thể đầu tư cho 'dế yêu' một miếng dán màn hình mới khi mà một miếng dán màn hình trên thị trường cũng đang có mức giá khá 'hạt dẻ'.
Không chỉ bề mặt, những ngóc ngách nhỏ như cổng sạc, lỗ cắm tai nghe điện thoại cũng rất dễ bám bụi. Đối với những ngóc ngách nhỏ như vậy, thì bạn có thể vệ sinh cổng sạc, loa, mic điện thoại với tăm bông và tăm, que chọc sim…
Một cách làm nữa bạn có thể áp dụng để vệ sinh cổng sạc chính là sử dụng bình khí nén. Cách làm rất đơn giản bạn chỉ cần đưa vòi xịt vào cổng sạc, các bụi bẩn, mảng bám trong cổng sẽ lập tức bị thổi bay ra ngoài và biến mất.
Các phụ kiện đi kèm như tai nghe, cáp sạc và ốp lưng. Chúng ta có thể làm sạch tai nghe bằng cách sử dụng khăn mềm và ẩm để lau sạch bề mặt. Đối với cáp sạc, hãy kiểm tra xem có bất kỳ bụi bẩn hay mảng bám nào và dùng khăn mềm để lau sạch.
Nếu bạn sử dụng ốp lưng hoặc vỏ bảo vệ, hãy tháo ra và lau sạch nó bằng khăn ẩm thường xuyên nhé. Vì khi dùng lâu, những món phụ kiện đi kèm cũng có thể là một 'ổ' bụi bẩn đang trú ẩn đó, vừa làm cho 'dế yêu' của bạn mất thẩm mỹ, vừa làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Hoặc nếu bạn muốn chiếc điện thoại của bạn được vệ sinh một cách chuẩn chỉ, bài bản từ 'A - Z' thì bạn có thể liên hệ đến các đại lý bán hàng uy tín để vệ sinh giúp nhé. Bạn có thể thử tham khảo bộ phận chăm sóc khách hàng tại Thế Giới Di Động nếu muốn được chăm sóc tận tình nhé!
Tổng kết
Việc vệ sinh điện thoại không chỉ đơn thuần là một trách nhiệm cá nhân, mà còn là một cách thể hiện sự quan tâm và chú trọng đến sức khỏe và hiệu suất của thiết bị. Bằng việc giữ cho điện thoại luôn sạch sẽ và an toàn, chúng ta không chỉ bảo vệ bản thân mình khỏi các nguy cơ lây nhiễm, mà còn góp phần ngăn chặn sự lây lan của bệnh tật trong cộng đồng.