Vẽ tranh người già để quảng bá du lịch Sa Pa

Hồ Thị Thanh Trà

Well-known member
Phạm Thùy Giang 27 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Sa Pa, chứng kiến nhiều thay đổi của thị xã từ khi phát triển du lịch. Giang nhận thấy tốc độ đô thị hóa ở Sa Pa diễn ra nhanh, nhiều cơ sở không phản ánh đúng bản sắc văn hóa của vùng đất. Cô mong muốn được chia sẻ tới du khách vẻ đẹp còn ít người biết về con người và văn hóa nơi đây.
Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, khoa Mỹ thuật, Giang về quê sống, đi khắp các bản làng để vẽ tranh người già vùng cao và tìm cách giới thiệu Sa Pa qua những bức tranh.

Giang chọn vẽ chân dung người cao tuổi vì tin dấu ấn văn hóa vùng cao sẽ tìm thấy được thông qua họ. Những khuôn mặt đầy nếp nhăn, đồi mồi, sạm màu sương gió nhưng nổi bật nhờ đôi mắt sáng rực, nhân hậu của người già nơi này thu hút cô.
"Tôi luôn chọn vẽ họ trong những khung cảnh thân thuộc, bình dị để khuôn mặt bộc lộ vẻ đẹp tự nhiên nhất", Giang nói.

Tranh của Giang đa số được vẽ trên chất liệu gỗ cũ hoặc không còn được sử dụng, kích cỡ khác nhau. Cô cho biết những lúc rảnh rỗi thường rong ruổi các bản làng, đến từng nhà để tìm mua những vật dụng sinh hoạt đã cũ như chiếc mâm, thớt gỗ, thùng đựng gạo, bàn uống nước. Những đồ vật nhiều gia đình không dùng đến nhưng đối với Giang có nhiều giá trị khi dùng để vẽ tranh vì "giúp du khách tiếp cận gần hơn với đời sống của họ".
Cụ bà trong ảnh đã tặng chiếc mâm gỗ gắn với gia đình hàng chục năm khi cô đến hỏi mua. Khuôn mặt phúc hậu của bà đã thôi thúc cô hoàn thành bức vẽ ngay trong ngày.
Các tranh vẽ của Giang thường thực hiện trong vài ngày hoặc cả tháng vì có những loại gỗ phải xử lý nhiều công đoạn và chọn màu cho phù hợp.


Sa Pa là ngôi nhà của nhiều dân tộc thiểu số gồm người H'Mông, Dao, Giáy, Xá Phó và Tày. Trong số này, người H'Mông và người Dao là cộng đồng lớn. Theo Giang, khi vẽ các cụ già ngoài thể hiện thần thái, cử chỉ cô luôn chú tâm vào trang phục truyền thống.
Trong hình là chân dung cụ bà người Giáy với trang phục được thêu trang trí viền cổ, tay và tà áo với nhiều màu khác nhau. Áo của người già viền tay to, màu sẫm. Chiếc áo có khuy vải hoặc bạc ở nách bên phải, cổ đứng như cổ áo dài. Phụ nữ Giáy đội khăn nhiều màu sắc, nhiều chi tiết và đeo trang sức bạc.
"Trang phục là văn hóa dân tộc, tô điểm cho bức tranh thêm cuốn hút", Giang nói.

Cụ bà người H'Mông với trang phục truyền thống. Điểm nổi bật của trang phục là áo được thêu hoa văn tỉ mỉ với nhiều họa tiết trên vai và cánh tay. Hoa văn của áo và yếm hài hòa với nhau, tạo nên điểm nhấn, tôn sự dịu dàng của người mặc.
Giang cho biết mỗi tranh vẽ là một câu chuyện riêng về nhân vật mà cô tiếp xúc trong những lần sáng tác. Cô nói trăn trở khi thấy du lịch Sa Pa không vận dụng tốt văn hoá của người bản địa và đôi khi còn quảng bá sai. Nhiều nơi làm du lịch nhưng không hiểu văn hoá, xảy ra tình trạng "nhà người Giáy nhưng lại trang trí hoạ tiết của người H'Mông, khiến du khách dễ bị nhầm lẫn", Giang nói.
 
Bên trên