Vì sao biểu tượng tàu gỗ ở Hạ Long dần biến mất?

Nguyễn Thị Hồng

Well-known member
Những chiếc tàu gỗ truyền thống ở vịnh Hạ Long sẽ dần biến mất trong thời gian tới vì cả lý do chủ quan lẫn khách quan.

Hôm 12/8, tờ Nikkei Asia của Nhật Bản đăng bài viết thể hiện sự nuối tiếc khi những chiếc thuyền buồm gỗ, biểu tượng của vịnh Hạ Long và cả Việt Nam, sẽ biến mất trong tương lai không xa, thay vào đó là những tàu du lịch mới, hiện đại.

Theo những người kinh doanh tàu du lịch nghỉ đêm, tham quan ở vịnh Hạ Long, câu chuyện "ngày tàn của tàu vỏ gỗ" vốn đã được nói rất nhiều từ trước dịch, đặc biệt trong giai đoạn năm 2016 khi UBND tỉnh Quảng Ninh ra văn bản về vấn đề quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long. Văn bản này nêu tàu vỏ gỗ hoạt động trên vịnh sẽ có niên hạn 15 năm, khác với Nghị định 111 của Chính phủ khi niên hạn tàu vỏ gỗ phục vụ du lịch ngủ đêm là 20 năm.

Sau nhiều tranh cãi, hiện niên hạn tàu vẫn được tính là 20 năm. Tuy nhiên, sau khi hết niên hạn, tàu lưu trú vỏ gỗ cần được thay thế bằng một tàu đóng mới vỏ thép hoặc vật liệu tương đương; tàu nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài, không tăng số giường; khuyến khích thay thế từ hai tàu trọng tải nhỏ bằng một tàu có trọng tải lớn hơn.

Một con tàu gỗ trên vịnh Hạ Long vào tháng 3/2020. Ảnh: Valeriy Ryasnyanskiy/Unsplash

Một con tàu gỗ trên vịnh Hạ Long vào tháng 3/2020. Ảnh: Valeriy Ryasnyanskiy/Unsplash

Trả lời VnExpress, đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh và UBND thành phố Hạ Long xác nhận địa phương chưa từng có chủ trương "khai tử" tàu vỏ gỗ. Tuy nhiên, theo khuyến nghị của UNESCO với vịnh Hạ Long, không được phép tăng cường phương tiện hoạt động trong vùng lõi của di sản. Vì thế, các chủ tàu chỉ có thể đóng thay thế, không đóng thêm.

Nhiều người kinh doanh tàu du lịch cũng nhận rõ sớm muộn tàu gỗ "cũng sẽ biến mất" bởi tàu vỏ thép, sắt có nhiều ưu thế vượt trội, hiện đại, an toàn hơn tàu gỗ truyền thống. Ông Chiến, một chủ tàu ở Hạ Long, nói các chủ tàu đều muốn tàu của mình khang trang, hiện đại, nhiều phòng hơn để thu hút du khách. Sự biến mất của tàu gỗ là xu thế không thể tránh khỏi bởi tính cạnh tranh của thị trường.

Ông Nguyễn Duy Phú, Giám đốc Công ty CP du thuyền Pelican, có tàu chạy cả ở vịnh Hạ Long lẫn Lan Hạ (Hải Phòng), cho biết từng sở hữu nhiều tàu vỏ gỗ nhưng đã bán hết từ năm 2010 vì sợ cháy nổ.

"Tàu vỏ gỗ có khá nhiều vấn đề như dễ bị chìm hơn vỏ thép và đặc biệt dễ gây hỏa hoạn", ông nói.

Theo ông Phú, việc xử lý nguy cơ chìm tàu "tương đối đơn giản" nhưng nguy cơ cháy nổ "gần như không thể". Ông từng bọc tôn để cải thiện tình hình nhưng cũng "không thấy ổn" vì bên trong lớp tôn vẫn là lớp gỗ. Cáp điện trên tàu chạy bên trong các lớp gỗ, khó kiểm soát cháy nổ. Nếu để cáp điện ra ngoài, tàu sẽ mất mỹ quan.

Với kinh nghiệm của mình, ông Phú cho rằng bản chất tàu gỗ rất bền nếu được đóng theo chuẩn của "các cụ ngày xưa". Tuy nhiên, cách làm truyền thống tốn công sức và tiền của nên các chủ tàu thường chọn cách đơn giản hơn, khiến tàu xuống cấp nhanh, tiềm ẩn nguy cơ chìm, trong khi vấn đề cháy nổ vẫn "thực sự khó giải quyết". Do đó, dù cảm thấy tiếc, ông Phú nhận thấy đó là xu thế "không thể tránh khỏi".

Ông Nguyễn Văn Phượng, Chi hội phó Chi hội tàu du lịch Hạ Long, cũng có quan điểm tương tự và nhấn mạnh chi phí đóng tàu gỗ hiện gấp 2-3 lần tàu vỏ thép. Gỗ được dùng để đóng tàu là gỗ táu, hiện không thể mua tại Việt Nam. Giá gỗ từng ở khoảng 700.000 đồng mỗi khối, sau tăng lên 1,5 triệu đồng và giờ lên tới 50 triệu đồng.

Ông Phượng muốn giữ lại tàu gỗ, dự báo sau này những con tàu gỗ truyền thống có thể "trở thành báu vật". "Tuy nhiên, nếu đợi đến lúc con tàu trở nên có giá trị, cũng chẳng còn đăng kiểm được nữa", ông nói.
 
Bên trên