Vì sao có tục dựng cây nêu vào ngày cúng ông Công ông Táo?

Võ Xuân Trường

Well-known member
Vì sao có tục dựng cây nêu vào ngày cúng ông Công ông Táo?

Theo quan niệm dân gian, người Việt Nam dựng cây nêu vào ngày cúng ông Công ông Táo để xua ma quỷ và tiễn vận xui của năm cũ, cầu mong năm mới tốt lành.
Phong tục dựng cây nêu ngày Tết của người Việt Nam đã có từ lâu đời. Lễ dựng nêu hay còn gọi là lễ Thượng tiêu.
Theo truyền thống, cây nêu được dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch - tức ngày tiễn ông Công - ông Táo về trời. Cây nêu còn được coi như biểu tượng ngăn ma quỷ tới quấy rầy gia chủ trong những ngày ông Công - ông Táo lên chầu trời. Hết Tết, cây nêu được hạ vào ngày mùng 7 tháng Giêng.
Lễ dựng cây nêu tại di tích đình Kim Ngân trong chương trình “Tết Việt - Tết Phố 2025”. Trước khi bắt đầu làm lễ dựng cây nêu, câu đối sẽ được viết để treo lên. Bốn chữ được viết bằng chữ Hán Nôm năm nay là “Kỷ nguyên vươn mình”. Ảnh: Thạch Lựu


Lễ dựng cây nêu tại di tích đình Kim Ngân trong chương trình “Tết Việt - Tết Phố 2025”. Trước khi bắt đầu làm lễ dựng cây nêu, câu đối sẽ được viết để treo lên. Bốn chữ được viết bằng chữ Hán Nôm năm nay là “Kỷ nguyên vươn mình”. Ảnh: Thạch Lựu



Tre được chọn dựng cây nêu phải chọn cây khỏe mạnh, chặt hết cành to bên dưới, để lại cành lá trên ngọn.
Tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nghi lễ dựng cây nêu được cử hành như một hoạt động thường niên, với mục đích cầu mong một năm mới mưa thuận gió hoà, quốc thái, dân an.
"Tục dựng Nêu ngày Tết ẩn chứa nhiều giá trị văn hoá, thể hiện chiều sâu triết lý nhân sinh. Cây nêu được làm từ cây tre - loại cây phổ biến ở vùng quê Việt Nam, cũng là biểu trưng cho nhiều tư tưởng tốt đẹp như tính kế thừa, tre già măng mọc.
Cây nêu ở Làng có đủ 54 đốt tượng trương cho 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc. Mượn cây tre để làm cây nêu kết nối đất trời, để thể hiện mong ước tốt đẹp, cầu cho phong điền vũ thuận, mùa màng tốt tươi",
đại diện Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chia sẻ.
Cây nêu với 54 đốt tre tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên khắp đất nước. Ảnh: Nguyễn Đạt
Cây nêu với 54 đốt tre tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên khắp đất nước được dựng lên trong không gian Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đạt
Trong cuốn Hội hè lễ tết của người Việt, Nguyễn Văn Huyên mô tả cây nêu ngày Tết: Đấy là một cây tre dài năm sáu mét, được tước hết các cành, nhưng có để lại ở ngọn những cụm lá hoặc buộc vào đó một túm lông gà trống, một mớ lá đa hay lá cây vạn niên thanh. Gần đỉnh treo một cái vòng tre, có buộc những con cá nhỏ, những chiếc chuông con và khánh bằng đất sét nung phát ra một âm thanh nhẹ và êm khi gió thổi.
Dưới cái vòng này có buộc một cái mũ thần, những thoi vàng bằng giấy, những miếng trầu, lá dứa hoặc cành xương rồng gai. Ở đỉnh còn treo một cái đèn thắp ban đêm. Cây nêu được làm như vậy để chỉ đúng đường cho tổ tiên trở về ăn tết.

Vào thời Nguyễn, lễ dựng nêu được tổ chức bài bản khi ngoài phướn đỏ, trên ngọn nêu còn treo ấn tín, đoản kiếm, bút lông biểu trưng cho việc phong ấn báo hiệu triều đình nghỉ ngơi khi Tết đến. Ảnh: Phúc Đạt
Sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính cho rằng: Nhiều nơi chặt tre dựng cây nêu, kết ba cái lạt ra, buộc một bó vàng. Hoặc lấy cành đa lá dừa cài ngoài cửa ngõ. Hoặc là rắc vôi bột trong sân ngoài ngõ, vẽ bàn cờ cái cung, cái nỏ… cũng là có ý trừ quỷ, kẻo sợ năm mới quỷ vào quấy nhà mình.
Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, tùy vào phong tục và tập quán của từng địa phương hay các dân tộc, việc dựng cây nêu và treo các vật phẩm trên ngọn cây có nhiều hình thức khác nhau. Dù nơi dựng cây nêu vào ngày lễ hội, cây nêu chủ yếu vẫn gắn liền với ngày Tết Nguyên đán.
Ngày nay nhiều gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh... vẫn giữ truyền thống dựng cây nêu vào 23 tháng Chạp Âm lịch - tức ngày ông Công, ông Táo về trời. Ảnh: Minh Lý
Ngày nay nhiều gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh... vẫn giữ truyền thống dựng cây nêu vào 23 tháng Chạp Âm lịch - tức ngày ông Công, ông Táo về trời. Ảnh: Minh Lý
Ngày nay, phong tục trồng nêu ngày Tết đã mai một khi người dân có xu hướng trưng đào, mai, quất, hoa cảnh, cây cảnh... để trang trí nhà cửa. Dù vậy, ở một số địa phương vẫn còn tục trồng cây nêu như để tượng trưng cho mong muốn đón năm mới tốt đẹp, thay cho ý nghĩa nguyên bản để trấn quỷ trừ ma thời xưa.
 
Bên trên